Cái bếp Việt

(Toquoc)- Bếp không đơn giản chỉ là nơi đun nấu, chuẩn bị thức ăn, bếp còn là nơi cả nhà đoàn tụ đầm ấm sau một ngày lao động mệt nhọc.

Người việt ở Bắc Bộ thường làm nhà quay về hướng Nam , như tục ngữ đã tổng kết: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam ”. Có dị bản của câu này là: “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Lam”. Lấy vợ thì lấy đàn bà, lẽ tất yếu và tự nhiên như làm nhà ở phải theo hướng Nam vậy.

Còn bếp thì nhìn về hướng Tây, nhỏ hơn, đặt ở bên trái (phía Đông), biệt lập và vuông góc với nhà chính. Có quan niệm cho rằng, bếp nhìn theo hướng này sẽ tránh được ngọn gió thường xuyên thổi từ phía biển (hướng nam và đông); nếu làm ngược lại, ngọn lửa sẽ bị gió tạt về phía vách, dễ gây cháy nhà, chí ít là cơn chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Ở vùng kinh Bắc xưa nhà chính phổ biến là theo kiểu ba gian một chái hoặc kiểu ba gian hai chái. Bếp thường làm hai gian. Một gian để những thức ăn như mắm, muối, dưa... các loại dụng cụ sơ chế lương thực như nong, nia, giần, sàng; các dụng cụ chế biến thực phẩm, nấu nướng và ăn uống như dao, thớt, nồi, niêu, ấm, bát, đĩa... Trong gian này, chủ nhà cũng có thể đặt cối xay hoặc cối giã. Gian còn lại dành cho việc đun nấu, có chứa một ít rạ, củi và đặt bếp. Ngày thường, việc chuẩn bị ăn và đun nấu do phụ nữ đảm nhiệm: “Xem trong bếp, biết nết đàn bà”, “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”, “Đàn ông quện nhà, đàn bà quện bếp”. Bếp đun ngày xưa là những ông đầu rau. Đầu rau gồm ba hòn đất nặn hình khum, đặt chụm đầu vào nhau để bắc nồi lên đun. Nếu người miền Trung gọi đó là ông núc, thì người Bắc Bộ gọi hòn ở giữa là đầu rau cái, gọi hai hòn hai bên gọi là đầu rau đực, gọi chung là ông đầu rau. Để có thể đun được nhiều nồi cùng một lúc, người ta thường đặt hai, ba bộ ba ông đầu rau thẳng một hàng. Đất để nặn đầu rau là đất thịt hoặc đất sét, luyện kĩ, có pha một ít trấu cho khỏi nứt, sau khi nặn xong phơi khô thật kĩ mới sử dụng.

Đã nói đến ông đầu rau thì không thể không nhắc đến tín ngưỡng thờ Thổ công của người Việt. Nhà nào đã thờ cúng tổ tiên thì cũng thờ Thổ công. Bàn thờ tổ tiên đặt ở gian chính giữa của nhà chính. Bàn thờ Thổ công thương đặt ở gian bên, cạnh gian đặt bàn thờ tổ tiên. Ở những gia đình thuộc ngành thứ, không có bổn phận cúng giỗ, trong nhà không có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Thổ công được đặt ngay ở gian chính giữa. Bàn thờ Thổ công giản dị hơn bàn thờ tổ tiên, gồm một chiếc hương án kê liền với tường hậu gian nhà. Tại bàn thờ Thổ công, người ta thờ ba vị thần với ba danh hiệu khác nhau: Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ. Bài vị của ba vị thần được lập chung và đề như sau: “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân”, có nghĩa là: Phủ của ông vua Bếp (nằm ở phía đông) coi sóc bản mệnh của gia chủ. Có nhà thay bài vị trên bằng bài vị chỉ có bốn chữ Hán: “Định phúc Táo quan”, có nghĩa là: Ông vua bếp định phúc đức cho gia đình. Dân ta đều kể, ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, Thổ công lên chầu trời, tâu bày mọi việc xấu tốt của chủ nhà. nếu chủ nhà là người nhân hậu, tử tế thì Trời sẽ thưởng cho sức khỏe, được sống lâu. Nếu chủ nhà có nhiều hành vi kém, nhiều tội lỗi thì Trời sẽ rút ngắn số thời gian tồn tại trên dương thế. Ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng ông Công (tức ông Táo), người ta hóa vàng, đồng thời hóa cả cỗ mũ năm trước, thay đầu rau mới, đầu rau cũ được quăng xuống ao. Người ta tặng ông Công một con cá chép, con cá này là ngựa ông cưỡi, được phóng sinh ra sông hoặc xuống ao sau lễ cúng. con cá sẽ hóa rồng, đưa ông Công lên chầu trời. Ngày xưa, người Trung Hoa thường có tục hối lộ ông Công bằng cánh khi hóa vàng thì đốt thêm gói kẹo để ông lên trời tâu toàn những lời dịu ngọt, che bớt tội lỗi đi cho.

Tại sao Thổ công (ông Công, vua Bếp) lại là vị thần quan trọng như vậy và liên quan gì đến ông đầu rau? Người Việt kể rằng, xưa có đôi vợ chồng tên là Trọng Cao và Thị Nhi, lấy nhau đã lâu mà không có con. Một lần họ cãi nhau, người chồng giở thói vũ phu, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó kết duyên với một người khác tên là Phạm Lang. Sau khi vợ bỏ đi, Trọng Cao hối hận, bỏ nhà đi tìm. Tìm mãi không được, hết tiền ăn đường, anh ta đành phải ăn xin lần hồi.

Một hôm, Trọng Cao tình cờ đến xin tại nhà Phạm Lang. Thị Nhi nhận ra chồng cũ, động long xót thương, nhân chồng mới đi vắng, bèn làm cơm thết đãi, sau đó đưa Trọng Cao tạm lánh vào đống rơm sau nhà. Không ngờ một lúc sau, đống rơm ấy lại bị Phạm Lang và người đầy tớ đốt đi để lấy tro bón ruộng. Thấy chồng cũ bị thiêu chết, Thị Nhi nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang, rồi người đầy tớ lần lượt xông vào cứu cũng đều chết nốt. Thấy ba người đều có nghĩa, Ngọc Hoàng cho họ làm vua bếp: Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp; Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà; Thị Nhi là Thổ kỳ trông nom việc chợ búa. Ba vợ chồng được hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa làm cái nùn rơm để chặn đống rấm. Ở nông thôn ngày xưa thường về buổi chiều người ta đổ một mớ trấu bên cạnh bếp, trên có đè bằng một hòn đất nặn theo hình quả cân để cho nó cháy âm ỉ tới sang, lúc cần thổi lên thành lửa mà dùng. Đống trấu đó gọi là đống rấm, hòn đất dùng để đè gọi là thằng Lốc. Trong những bức tranh Táo quân, người ta thường vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng ở bên cạnh ba người.

Cho đến những năm 60, 70 của thế kỉ trước, nông dân Bắc Bộ chủ yếu vẫn dùng rạ làm chất đốt, còn rơm thì để làm thức ăn cho trâu, bò. Khi đó, ông đầu rau khá phổ biến. Cũng có nhà không đun bếp bằng ba ông đầu rau mà dùng bếp kiềng, Bếp kiềng có ưu điểm là gọn nhẹ hơn ba ông đầu rau nhưng về cấu trúc thì cũng mô phỏng kiểu vị trí của ba ông đầu rau. Đến khi thiếu ra, người ta có thể dùng củi để đun. Bếp không đơn giản chỉ là nơi đun nấu, chuẩn bị thức ăn. Bếp còn là nơi cả nhà đoàn tụ đầm ấm sau một ngày lao động mệt nhọc.

Ngày xưa, ở thị thành, người ta ít dùng ba ông đầu rau, mà thường dùng bếp kiềng. Họ cũng không dùng rơm rạ làm nhiên liệu mà thường dùng củi. Theo thời gian, những chiếc bếp mới nối tiếp nhau ra đời dùng để đun mùn cưa, đun trấu. Rồi bếp dầu, bếp điện thô sơ ra đời. Ở thị thành bây giờ nhiều nhà sau khi dùng bếp điện hiện đại đã chuyển sang sử dụng bếp ga. Trong những căn bếp sang trọng và tiện nghi, người ta có thể tiếp khách dùng bữa cơm gia đình. Với nồi cơm điện, với lò vi sóng, với tủ lạnh cao cấp, người ta có thể ăn thức ăn nóng hoặc thức ăn tươi, ăn lạnh tùy theo ý nghĩa vừa ăn vừa nghe nhạc hoặc xem vô tuyến.

Hiện nay hai loại bếp đang được dùng phổ biến ở thôn quê là bếp than tổ ong và bếp đun than bùn. Dùng bếp than tổ ong thì đỡ bụi hơn so với việc dùng bếp đun than bùn nhưng đun nấu không tiện dụng bằng. Đã có một vài nơi, nông dân dùng khí mê tan để đun. Bao giờ thì người dân quê có điều kiện kinh tế để được sử dụng đại trà bếp điện, bếp ga, để xóa đi khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị? Dù cho đến lúc ấy, sự tích về ông đầu rau, tín ngưỡng thờ ông Công vẫn mãi mãi nhắc nhở người ta, khuyên nhủ người ta sống có nghĩa, có nhân, sống hướng thiện.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/33/kien-truc-viet/83612/cai-bep-viet.aspx