Cách xử trí khi phát hiện kẻ trộm trong nhà

Nỗi sợ hãi khi bị phát hiện có thể khiến đạo chích trở nên tàn độc, làm mọi cách để thoát thân vì thế gia chủ không vì tâm lý tiếc tài sản mà chống trả quyết liệt.

Sáng 23/11, Mạc Văn Nhân (32 tuổi) đột nhập quán cà phê ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), cứa cổ một thanh niên đang ngủ ở phía ngoài. Vào phòng ngủ của chủ quán, Nhân đãdí dao khống chế để cưỡng bức chị này.

Bị bắt sau 5 ngày bỏ trốn, Nhân khai đây không phải lần đầu tiên có hành vi khiếm nhã với chủ nhà. 2 tháng trước, anh ta đã đột nhập căn nhà mình từng tới dọn dẹp thuê, khống chế gia chủ lấy tiền rồi tìm cách hiếp dâm song bị chống cự quyết liệt. Không giở trò đồi bại được, Nhân đâm dao vào mông và tay của nữ chủ nhà rồi mới bỏ đi.

Trong tháng 8 tại Hà Nội, tên trộm Chu Văn Trường khi đang lục lọi ở tầng 3 căn nhà cao tầng ở ngõ 165 Xuân Thủy đã bị con trai chủ nhà là Nguyễn Quang Anh (18 tuổi) tỉnh giấc, phát hiện. Không hoảng sợ bỏ chạy, Trường còn cầm dao đoạt mạng Quang Anh để lấy bằng được chiếc máy tính Macbook Air và điện thoại di động.

Tháng 12/2015, cũng tại Hà Nội, kẻ nghiện ma túy Nguyễn Văn Kỳ khi lẻn vào ăn trộm nhà dân ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã chém chết 2 bố con gia chủ và gây thương tích cho nhiều người khác. Tại Yên Bái trong tháng 4 năm đó còn xảy ra vụ đạo chích Lý Văn Trúc (19 tuổi) do bị nữ chủ nhà phát hiện đã đánh chị này bất tỉnh, trói tay đẩy xuống con suối gần đó.

Trung tá Đào Trung Hiếu (nguyên đội phó điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội) cho hay tội phạm có tâm lý chung rất sợ bị phát hiện, đa số chỉ có mục đích ban đầu lấy tài sản, chứ không phải gây án với chủ nhà. Tuy nhiên, chúng sẽ rất manh động nếu cảm thấy bị nguy hiểm. "Nỗi sợ hãi bị lộ khiến kẻ gian trở nên tàn độc, quyết làm tất cả để thoát thân", ông Hiếu nói.

Tiến sĩ Tâm lý học Chu Văn Đức cho rằng với tội phạm yếu tố xã hội là điều kiện nảy sinh hành vi, còn yếu tố tâm lý quyết định việc thực hiện hành động đó. Thiếu kỹ năng sống, "u mê" trong những bộ phim bạo lực là những nhân tố xấu tác động, thúc đẩy hành vi của những người có ý đồ phạm tội.

Đồ họa: Nên vờ ngủ khi phát hiện kẻ gian đột nhập lúc nửa đêm.

Để đảm bảo an toàn tính mạng khi có kẻ đột nhập, trung tá Đào Trung Hiếu khuyên gia chủ cách xử lý như sau:

- Cần xác định mạng sống của mình và những người trong nhà vào thời điểm đó là quan trọng nhất, không vì tâm lý tiếc tài sản mà giằng co lấy lại. Bạn hãy tảng lờ như ngủ say, không la hét hay xông vào bắt giữ.

- Khi bị khống chế, bạn phải tuyệt đối phục tùng không để chúng bị kích động, song cố gắng nhớ đặc điểm nhận dạng để báo cơ quan công an.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/cach-xu-tri-khi-phat-hien-ke-trom-trong-nha-101813/