Cách xử trí khi bị rắn độc cắn

Tuyệt đối không được hút nọc độc của bằng cách chích, rạch, châm, chọc tại vùng bị rắn cắn và không được chườm đá.

Trong một tháng trở lại đây, trung bình ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập Bệnh viện Bạch Mai.

Hiện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 6 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có 2 bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải thở máy. Đó là một bệnh nhân nam 39 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang bị rắn cạp nia cắn khi đang đi làm đồng.

Bệnh nhân bị rắn độc cắn phải thở máy.

Bệnh nhân này chủ quan, chỉ đến khi có biểu hiện tức ngực, khó thở mới đến đến bệnh viện nên sau hơn 1 tháng điều trị tích cực nhưng vẫn trong tình trạng não bị tổn thương, nguy cơ tử vong cao.

Một nam bệnh nhân khác, 46 tuổi, ở Đăng Ninh, Nam Định cũng bị rắn cạp nia cắn, bệnh nặng, chi phí điều trị lớn, nhưng lại không tham gia bảo hiểm y tế. Nhiều lần, gia đình có ý định xin đưa người bệnh về nhưng thấy bệnh nhân này vẫn còn cơ hội sống nên các thầy thuốc kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ.

Trong số những người bị rắn cắn, nhập viện còn có một phụ nữ 61 tuổi ở Bắc Ninh, 20 năm làm nghề bắt rắn nước để bán. Trong một lần sơ ý và không biết là rắn độc nên đã bị hổ mang chúa cắn vào tay.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tai nạn rắn cắn xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm vì thời điểm này là mùa sinh sôi, phát triển của chúng. Sai lầm lớn nhất của bệnh nhân là sau khi bị rắn cắn, cứ ở nhà, áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi ngộ độc nặng thì mới đến bệnh viện.

Đối với người bị rắn độc cắn cần động viên tinh thần, không để bệnh nhân tự đi lại. Cần cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp, vì nếu vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập sâu vào cơ thể. Bên cạnh đó, cần áp dụng biện pháp băng ép bất động khi bị rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa hoặc rắn biển cắn; sau đó giữ nguyên trạng thái bất động, băng ép của bệnh nhân, rồi đưa đến cơ sở y tế.

Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo. Tuyệt đối không được hút nọc độc của bằng cách chích, rạch, châm, chọc tại vùng bị rắn cắn và không được chườm đá.

Điều trị ngộ độc do rắn độc cắn thường dài ngày và chi phí tốn kém, khoảng từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Vì vậy cần tham gia bảo hiểm y tế để được chi trả tối thiểu tới 80%./.

Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/suc-khoe/cach-xu-tri-khi-bi-ran-doc-can-618857.vov