Cách thức xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 có gì mới?

Năm 2016, việc xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ) có nhiều điểm mới. Thí sinh đăng ký một số nguyện vọng nhất định, sau đó không được rút ra nộp vào như trước, nghĩa là thí sinh chỉ đăng ký một lần, không được thay đổi nguyện vọng trong các đợt xét tuyển.

Thí sinh không được rút hồ sơ trong các đợt xét tuyển

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2016, Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh bằng cách rút ngắn thời gian xét tuyển. Theo đó, thời gian đăng ký ở các đợt xét tuyển chỉ còn 12 ngày đợt 1 và 10 ngày ở các đợt bổ sung.

Thí sinh lưu ý, trong các đợt xét tuyển, thí sinh không được rút lại hồ sơ đã nộp. Đây chính là điểm khác biệt so với xét tuyển năm 2015. Do đó, thí sinh cần hết sức cân nhắc trước khi đăng ký nộp hồ sơ. “Tất cả thông tin hướng dẫn cho thí sinh đều nằm ở trên trang thông tin của các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ…

Do vậy, thí sinh cũng nên tham khảo trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Những điểm quan trọng thí sinh cần lưu ý đó là phải căn cứ vào những ngành nào yêu thích của thí sinh, sau đó căn cứ vào kết quả thi, so sánh điểm trúng tuyển của các ngành đó với năm trước rồi quyết định làm sao cho phù hợp nhất”- ông Nghĩa đưa ra lời khuyên.

Cũng theo ông Nghĩa, một điểm mới đáng lưu ý khác là trong năm 2016, thí sinh có thể đăng ký vào tối đa hai trường, dẫn đến việc thí sinh có thể trúng tuyển cả hai trường. Do nhiều trường hợp trúng tuyển cùng lúc hai trường như vậy, các trường ĐH không thể xác định được có bao nhiêu thí sinh học ở trường mình để có thể công bố chỉ tiêu cho đợt xét tuyển tiếp theo.

Vì vậy trong lịch xét tuyển năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận với trường mình trúng tuyển là có nguyện vọng học bằng cách nộp cho trường bản chính của giấy chứng nhận kết quả thi (mỗi thí sinh chỉ được cụm thi cấp 1 bản chính).

Các thí sinh chỉ trúng tuyển một trường cũng phải đăng ký xác nhận nhập học. “Kết quả trúng tuyển đợt I được công bố trước ngày 14-8. Thí sinh trúng tuyển đợt I nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học trước 17g ngày 19-8 (theo dấu bưu điện nếu nộp qua bưu điện). Nếu thí sinh nào không nộp giấy báo điểm thì nhà trường coi như em không học và sẽ hủy kết quả trúng tuyển” - PGS.TS Trần Văn Nghĩa lưu ý.

Các trường ĐH tư vấn về cách thức xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 cho thí sinh Hà Nội.

Làm tròn điểm xét tuyển thế nào?

Theo ông Trần Văn Nghĩa, quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016 quy định điểm bài thi trắc nghiệm vẫn được tính trên thang điểm 10 nhưng được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Theo qui định này, hội đồng chấm thi sẽ phải lấy từ 0,01 đến 0,99 điểm đối với bài thi trắc nghiệm. Nếu thí sinh được 4,99 điểm thi THPT Quốc gia 2016 cũng không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên.

Trong trường hợp đạt từ 4,991 đến 4,994 sẽ được làm tròn thành 4,99 điểm. Chỉ từ 4,995 đến 4,999 thì mới được cộng tròn thành 5 điểm. Chính vì vậy, đối với những môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể thấy điểm thi của mình lẻ đến hai chữ số thập phân hoặc lẻ ở những mức như 7,3 hay 9,6 hoặc 9,8, chứ không tròn 7,5 hay 9,5 hoặc 9,75 như năm trước.

Đối với những môn thi tự luận, có thể thí sinh cũng có điểm thi lẻ. Đó là những trường hợp bài thi có kết quả chấm của ba cán bộ chấm thi lệch nhau. Trong trường hợp đó, điểm của bài thi là tổng điểm ba lần chấm chia ba. Tuy nhiên, số trường hợp này không nhiều.

Kết quả cuối cùng cũng chỉ làm tròn đến hai chữ số thập phân.Ví dụ như bài thi được 6,257 sẽ làm tròn lên thành 6,26 điểm, còn nếu là 6,254 điểm sẽ làm tròn xuống thành 6,25 điểm, thay vì làm tròn thành 6,3 như trước đây. Đặc biệt, thí sinh sẽ không được làm tròn điểm từng môn thi mà khi xét tuyển, cộng tổng điểm ba môn mới được làm tròn đến 0,25 điểm. Ví dụ thí sinh được 23,35 điểm sẽ được làm tròn thành 23,25. Nếu thí sinh được 17,55 hay 17,60 sẽ được làm tròn thành 17,5 điểm.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/cach-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-cao-dang-nam-2016-co-gi-moi-401472/