Cách thiết kế cửa chính và cửa sổ cho nhà ở

Một ngôi nhà đẹp chính là sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố công năng, thẩm mỹ và phong thủy. Vì vậy, để đạt được ba yếu tố này, bạn cần đặc biệt lưu ý khi thiết kế để tránh gây tâm trạng bất an hoặc khó khăn trong sinh hoạt gia đình.

1.Thiết kế cửa chính

Cửa chính (hay còn gọi là cửa cái) của ngôi nhà là nơi phân cách giữa thế giới riêng của mỗi gia đình với xã hội bên ngoài. Cửa chính được thiết kế hợp lý, cân đối và sang trọng sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp hoàn thiện của ngôi nhà.

Tùy vào diện tích, số tầng của ngôi nhà mà chọn kích thước cửa cho phù hợp. Việc chọn kích thước cửa phù hợp không chỉ tạo được sự cân đối, hợp lý cho ngôi nhà mà còn tạo ý nghĩa phong thủy tốt. Theo đó, nếu cửa quá lớn so với ngôi nhà thì khí tốt trong nhà sẽ thoát hết ra ngoài, khiến tài vận, may mắn không còn. Ngược lại, cửa quá nhỏ thì không thể thu nạp năng lượng tích cực từ bên ngoài vào nhà.

Trong trường hợp không thể thay đổi hay sửa chữa kích thước của cửa thì có thể hóa giải cửa rộng bằng cách treo chuông gió để ngăn chặn và phát tán khí xấu vào trong nhà. Còn với cửa nhỏ thì buộc phải cơi nới và mở rộng thêm. Ngoài ra, lưu ý không thiết kế cửa quá thấp.

Ngoài kích thước thì hướng cửa chính cũng quan trọng không kém. Theo đó, cửa trước và cửa hậu không được đối diện trực tiếp bởi sẽ khiến khí trong nhà luôn trong tình trạng “lẩn quẩn”, không có sự luân chuyển, nếu có thì cũng là từ cửa trước ra thẳng cửa hậu. Nếu vướng vào tình trạng này thì phải hóa giải bằng cách tạo vách chắn hay đặt một chậu cây to.

Hướng cửa chính tốt nhất phải là sáng sủa, thông thoáng, sạch sẽ, không có bất cứ vật cản, rào cản nào. Tuyệt đối tránh thiết kế cửa chính mà ngay phía trước là cây to, khe núi hay ngõ cụt vì sẽ khiến cả gia đình luôn trong trạng thái bất an vì nguy hiểm luôn rình rập.

Cửa chính cũng không nên hướng thẳng về cây to hoặc khe núi. Cây to ở trước cửa chính sẽ mang khí âm vào trong nhà, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người. Cũng nên tránh cửa chính nhìn vào trong ngõ cụt, bởi ngõ cụt thường tàng tụ âm khí.
Khu vực ngoài của cửa chính phải luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và sáng sủa, tạo cảm giác thoải mái và tiện lợi. Nếu không gian phía trước cửa chính hơi tối, nên có thể thiết kế thêm đèn chiếu sáng.

2. Thiết kế cửa sổ

So với cửa chính thì cửa sổ góp phần tạo vẻ đẹp thẩm mỹ nhiều hơn cho ngôi nhà, nhưng vẫn mang một ý nghĩa phong thủy nhất định. Cửa sổ kết nối không gian bên trong nhà với cảnh quan bên ngoài, là thông đạo giao lưu giữa cuộc sống riêng tư của các thành viên trong gia đình với thế giới bên ngoài.

Mỗi thiết kế nhà ở khác nhau như biệt thự, nhà phố, nhà chung cư… sẽ có một kiểu thiết kế cửa sổ không giống nhau. Ngoài ra, tùy vào cảnh quan bên ngoài mà chọn kiểu và kích thước cửa sổ cho hợp lý. Một thiết kế cửa sổ hài hòa, hợp thẩm mỹ và phong thủy sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho không gian sống.

Những lưu ý khi thiết kế cửa sổ cần phải quan tâm và tuân thủ là:

- Đầu cửa sổ phải cao hơn đầu người.

- Cửa sổ nên có kích thước rộng và sử dụng mành che, rèm cửa để vừa che chắn, vừa trang trí cho cửa sổ.

- Số lượng cửa sổ phải hợp lý. Nhà nhiều cửa sổ có thể khiến ngôi nhà trở nên “thái quá” vì nhiều năng lượng. Nhưng nhà ít cửa sổ lại tạo cảm giác tách biệt và khép kín.

- Cửa sổ phải đảm bảo nhận ánh sáng và gió tốt nhất, nhưng cũng phải đặc biệt an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ra, khi thiết kế cửa sổ cần chú ý 4 điều cơ bản là đảm bảo an toàn (ngăn trẻ không bị ngã, chống trộm); Không chọn lưới bảo vệ quá dày sẽ gây nên nhiều bất lợi như tính thẩm mỹ kém, ảnh hưởng tới tầm nhìn; Cửa sổ thông thoáng và nhận nhiều ánh sáng; Cửa đảm bảo kín gió khi cần.

Đoan Trang (tổng hợp)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/cach-thiet-ke-cua-chinh-va-cua-so-cho-nha-o.html