Cách 'sống chung với lũ' của A Lưới

Trong đợt mưa lũ xảy ra vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa ra một bản báo cáo tổng hợp có những thông tin khá tích cực. Ngay phần đầu của báo cáo, huyện khẳng định, mặc dù nhiều xã bị ngập lụt, có nơi bị cô lập đến vài ba ngày như xã Đông Sơn, nhưng huyện vẫn bảo đảm lương thực giúp dân chống chọi mưa lũ bằng một loạt kho dự trữ “cắm” ở một số vùng xung yếu.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Trưởng Ban phòng, chống lụt bão huyện chia sẻ, trong điều kiện thời tiết bình thường, từ trung tâm huyện đến các xã nếu đi xe thì chỉ mất vài giờ nhưng khi mưa lũ, địa hình bị chia cắt do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, thời gian phải tính bằng ngày. Trong quá khứ, không ít lần huyện, tỉnh phải báo cáo Trung ương lập cầu vận tải bằng máy bay lên thẳng để chi viện lương thực cho A Lưới chống lũ…

Trước thực trạng nêu trên, để hạn chế rủi ro và chủ động hơn trong việc cứu trợ người dân, huyện A Lưới đã rà soát, lập bản đồ các vùng xung yếu thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời bố trí kho dự trữ lương thực bảo đảm số lượng sử dụng đến một tuần tại các xã thường xuyên bị chia cắt, giao chính quyền cấp xã quản lý, phân phối khi có tình huống khẩn cấp.

Huyện cũng lên phương án bảo đảm lương thực cho toàn huyện trong trường hợp huyện bị chia cắt với tỉnh, bằng cách ký hợp đồng đặt mua thực phẩm dự trữ tại các cửa hàng thương mại trên địa bàn. Việc chuẩn bị phải hoàn tất vào đầu tháng 9, trước thời điểm bắt đầu mùa mưa bão. Với cách làm này, huyện sẽ không mất tiền xây kho, tuyển cán bộ trông giữ, và đáng nói là số lương thực này luôn được bảo đảm không quá hạn sử dụng. Ngoài ra, huyện còn ký hợp đồng với cửa hàng xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn để có thể huy động phương tiện, cơ sở vật chất tham gia cứu hộ khi xảy ra bão lụt.

Nhờ thế, trong những ngày bị lũ, cô lập vừa qua, huyện và xã vẫn chưa phải xuất gạo hay mì tôm cứu trợ, bởi lương thực dự trữ trong các hộ dân vẫn còn. Ngay từ đầu mùa mưa bão, cán bộ huyện, cán bộ xã đã đến từng nhà vận động người dân dự trữ lương thực ở nơi cao ráo. Nhiều hộ dân đựng gạo trong bao, treo lên cao dưới mái nhà, vì thế, dù nhà ở bị ngập khá sâu nhưng họ vẫn có gạo ăn chờ nước rút…

Những năm qua, chúng ta luôn nói đến phương châm “bốn tại chỗ”, song khi mưa lũ xảy ra, rất nhiều nơi lập tức rơi vào tình trạng lúng túng, thiếu lương thực, thiếu phương tiện ứng cứu người dân; có nơi, nước vừa dâng đã kêu gọi Trung ương, tỉnh cứu trợ; thậm chí, có nơi còn báo cáo thiệt hại nặng hơn thực tế để trông chờ hỗ trợ từ cộng đồng… Trong bối cảnh đó, cách làm chủ động, sáng tạo của huyện miền núi A Lưới đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáng được ghi nhận, nhân rộng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31223602-cach-song-chung-voi-lu-cua-a-luoi.html