Cách phân biệt hải sản an toàn

Sau khi liên bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chính thức về môi trường biển cùng việc khai thác, sử dụng hải sản tại các vùng biển Hà Tĩnh...

*Sau khi liên bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chính thức về môi trường biển cùng việc khai thác, sử dụng hải sản tại các vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, các Bộ đã khuyến cáo người dân có thể ăn hải sản sống ở tầng nổi, không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý. Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn là làm thế nào để phân biệt được hải sản được đánh bắt ở tầng nổi hay tầng đáy? Ở phạm vi trong hay ngoài 20 hải lý? Để giúp bạn đọc giải tỏa những băn khoăn, PV báo SK&ĐS đã trao đổi với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học để làm rõ thêm về vấn đề này.

*Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: “Không khó để phân biệt cá đánh bắt ngoài vùng 20 hải lý”:

“Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo thực hiện giám sát tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ, cung cấp danh sách hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung để ngư dân lưu ý. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm được bốc dỡ từ tàu đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu giám sát 2-3 ngày/lần, tùy theo điều kiện thực tế địa phương. Các cơ quan chức năng và ngư dân có thể dễ dàng phân biệt hải sản tầng đáy và tầng mặt. Bởi để đánh bắt ở khu vực ngoài 20 hải lý thì chỉ có tàu hiệu suất 90CV mới được phép. Hơn nữa hiện nay, trên các các tàu đều có gắn định vị hải trình và ngư dân đều phải giải trình đánh bắt ở ngư trường nào và nó đều được thể hiện trên hải trình. Nếu phát hiện tàu đi không đúng hải trình và khai thác cá tầng đáy trong 20 hải lý, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu đi kiểm nghiệm, đồng thời có biện pháp xử lý với chủ tàu hoặc ngư dân. Người dân bình thường có thể không phân biệt được hải sản tầng nổi, tầng đáy nhưng chúng ta đã làm các giải pháp để sản phẩm hải sản đánh bắt ra thị trường là an toàn, người tiêu dùng có thể yên tâm.

Các kỹ thuật viên đang lấy mẫu để xét nghiệm hải sản.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao cho Bộ Y tế lấy mẫu kiểm tra nếu bảo đảm an toàn thì cho tiêu thụ; nếu không an toàn sẽ phải tiêu hủy, đền bù theo quy định. Bộ TN&MT có trách nhiệm hướng dẫn tiêu hủy nếu hải sản không đảm bảo an toàn và tiêu thụ ngoài thị trường thì trách nhiệm của Bộ Công Thương phải có hướng dẫn tiêu thụ như thế nào cho an toàn. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo sản xuất (bao gồm cả khai thác và nuôi trồng…). Đối với việc tiêu hủy, nơi chôn lấp phải cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch…, không làm ô nhiễm môi trường.

*Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): “Phân tích giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm khai thác”:

Hải sản tầng nổi có tập tính di cư từ vùng này sang vùng khác nên không bị ảnh hưởng bởi vùng đáy biển chưa an toàn trong vùng biển 15km trở vào. Trong khi đó, hải sản tầng đáy ít di cư, chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng đáy biển chưa an toàn, đúng như công bố của Bộ Y tế.

Không khó để phân biệt giữa hải sản gần bờ, xa bờ, hải sản an toàn theo như nội dung khuyến cáo của Bộ NN&PTNT. Hiện nay, đối với sản phẩm hải sản khai thác mới, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương tiến hành lấy mẫu và phân tích giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm khai thác. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ (ngoài 20 hải lý) đều được Sở NN&PTNT các tỉnh cấp một loại giấy phép. Khi tàu về bến, xuất bán hải sản cũng trình kèm theo giấy phép đó. Đây cũng được xem như loại giấy chứng nhận vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, hiện nay, ở các bến tàu, cảng cá đều có các cán bộ của Chi cục Thủy sản ở các địa phương giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng cá theo từng loài. Chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải đưa cho cán bộ giám sát các giấy tờ gồm: sổ hải trình được cơ quan Biên phòng xác nhận phù hợp với hoạt động của tàu; nhật ký khai thác, nhật ký thu mua vận chuyển. Sau đó, cán bộ giám sát sẽ cấp giấy xác nhận ATTP chia làm hai bản: một gửi cho chủ tàu và một lưu ở Chi cục Thủy sản.

*GS.TSKH Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam: “Đáp ứng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sức khỏe của nhân dân”:

Thông tin về việc Bộ Y tế công bố là hết sức nhân văn, đáp ứng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, việc này cần phải rõ ràng hơn nữa, công bố không sử dụng cá tầng đáy trong vòng 20 hải lý thì cần phải có giải pháp mang tính thực tiễn hơn chứ không phải công bố có tính chất thông tin như vậy. Do đó, cần phải tập trung các chuyên gia nghiên cứu các giải pháp an sinh cho người dân trong vùng biển hiện đang còn nhiều băn khoăn như hiện nay khi chưa chắc chắn về mặt độc tố thì người dân vẫn phải sống và sinh hoạt bình thường. Cần thiết phải huy động tổng lực hệ thống chính trị và các chuyên gia để cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường chương trình quan trắc, cảnh báo của Bộ TN&MT về mức độ an toàn đối với hải sản và môi trường biển miền Trung cho người dân biết.

Trần Lâm - K.Giang

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cach-phan-biet-hai-san-an-toan-n122809.html