Cách nào lấy lại vỉa hè cho người đi bộ?

Sau hai tháng liên tục ra quân rầm rộ với quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, chiến dịch lập lại trật tự lòng đường và lề đường ở quận 1 – TP.HCM do ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Quận dẫn đầu, đã tạm ngừng.

Ước mơ biến quận trung tâm Sài Gòn trở thành một Singapore thu nhỏ, dường như đã thất bại, khi sự bát nháo đã tái hiện. Phải chăng, đây là một bài học về cách làm nhanh, làm vội trong việc chấn chỉnh nếp sống đô thị?

Ông Đoàn Ngọc Hải trong chiến dịch lập lại trật tự lòng đường và lề đường ở quận 1 – TP.HCM

Phải thừa nhận rằng, hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải xuống tận hiện trường chỉ huy xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, đã từng mang lại rất nhiều sự phấn chấn cho cộng đồng. Ai cũng nhận thấy vấn nạn vỉa hè không còn giành cho người đi bộ, và ai cũng mong đường thông hè thoáng. Nhất là người dân vẫn cho rằng có những người được hưởng đặc quyền, đặc lợi để ngang nhiên vi phạm các quy định bảo đảm văn minh giao thông.

Cho nên, việc ông Đoàn Ngọc Hải ra quyết định phạt hành chính xe biển xanh đậu đỗ trái phép, khiến cộng đồng rất tán thưởng. Kể cả xe của hoa hậu quý bà, hoặc xe của người mẫu chân dài, hoặc xe của ca sĩ nổi tiếng cũng không thoát khỏi sự rạch ròi “sai phải phạt” mà ông Đoàn Ngọc Hải áp dụng triệt để. Thực sự, quận 1- TP.HCM đã có những ngày tràn đầy khí thế và tràn đầy hy vọng. Thế nhưng, vỉa hè được giải cứu bằng nhiều hành vi hơi sốt ruột của ông Đoàn Ngọc Hải.

Ông Đoàn Ngọc Hải cho đập bức tường lấn chiếm hành lang đường bộ, thì ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Hải cho phá bỏ trạm gác an ninh trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước thì khiến nhiều người băn khoăn. Mặt khác, những tiếng búa đập chan chat, những tiếng máy khoan rền rỉ, và những tiếng đôi co gay gắt, lại làm nảy sinh nhiều hệ lụy không mấy tốt đẹp.

Ở đây, phải xác định với nhau, một khi pháp luật đã quy định rõ ràng, thì không ai được quyền nhân danh bất cứ thứ gì để vi phạm, kể cả nhân danh miếng cơm manh áo hoặc nhân danh đói nghèo vất vả. Vỉa hè dành cho người đi bộ, chứ vỉa hè không ưu tiên cho người bán hàng rong hoặc những hộ kinh doanh cá thể. Thái độ cương quyết và đúng đắn của ông Đoàn Ngọc Hải có thể gây tranh cãi, nhưng hoàn toàn hợp lý. Chỉ có một chuyện khiến ông Đoàn Ngọc Hải mất điểm, đó là sự kiên định cẩu xe ô tô cho bằng được, dù người chủ sở hữu đã có mặt để giải quyết vi phạm. Xe đậu sai quy định, luật giao thông quy định chỉ niêm phong và cẩu xe khi không có tài xế hợp tác xử lý hiện trường. Đằng này, ông Đoàn Ngọc Hải dẫn theo một đoàn liên ngành có cả cảnh sát giao thông thì tại sao lại cẩu xe một cách cứng nhắc như vậy.

Chưa kể vấn đề ồn ào xáo trộn, riêng vấn đề bến bãi ở một khu trung tâm đông đúc như quận 1 - TP.HCM đã cực kỳ vướng mắc. Người vi phạm có phủ nhận hành vi sai trái của họ đâu. Và khi họ đã tình nguyện nộp phạt thì cứ xuất biên lai và cho xe di chuyển tiếp, chứ sao lại niêm phong và cẩu đi.

Theo thời giá hiện hành, xe ô tô đậu đỗ không đúng chỗ, thì bị xử phạt hành chính 700 ngàn đồng. Vậy mà, khi cẩu xe đi thì phí cẩu xe bị tính đến 900 ngàn đồng. Việc cẩu xe đã không hợp lý mà phí cẩu xe càng không hợp lý. Tổ chức nào đứng ra làm nhiệm vụ cẩu xe, và chi phí cẩu xe được xác lập bởi cơ quan nào? Phí cẩu xe phải dựa vào tính toán hợp lý, cự ly bao xa thì thu bao nhiêu tiền, chứ không thể hồn nhiên huy động xe cẩu đến và ra giá 900 ngàn đồng.

Công nhân phá dỡ các bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè

Ông Đoàn Ngọc Hải từng làm cán bộ thuế, chắc ông phải biết dù một đồng thu của dân để nộp vào ngân sách cũng phải minh bạch theo một nghị quyết nhất định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành. Chính vì hành vi thích thú cẩu xe và mức phí cẩu xe choáng ngợp mà thiện cảm của số đông dành cho ông Đoàn Ngọc Hải giảm sút rất nhiều. Một người đã quản lý kinh tế cơ sở và bây giờ quản lý hành chính cấp quận như ông Đoàn Ngọc Hải mà mắc phải những sơ hở như vậy thì thật đáng tiếc!

Sau hai tháng ra quân, đúng, chỉ hai tháng rộn ràng, đoàn liên ngành do ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu, không thấy xuất hiện nữa. Dĩ nhiên, không phải đường đã thông và hè đã thoáng một cách bền vững để chiến dịch lập lại trật tự đô thị được phép tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ. Sự rút lui vào im lặng của ông Đoàn Ngọc Hải được chính ông giải thích: “Quận ủy Quận 1 ra một văn bản và UBND quận 1 cũng ra một văn bản yêu cầu tôi phải ngưng xuống đường dẹp dọn trật tự lòng lề đường. Tôi phải tuân thủ chấp hành”.

Như vậy, nhiều cơ quan Nhà nước cũng nhận ra những tồn tại bất ổn trong chiến dịch cực kỳ hưng phấn của ông Đoàn Ngọc Hải. Bắt đầu từ một ý thức vì lợi ích chung và bắt đầu từ một tinh thần vì xã hội tiến bộ, ông Đoàn Ngọc Hải chỉ hơi chông chênh về mặt phương pháp thực hiện. Ông Đoàn Ngọc Hải chắc chắn không phải là một “ngôi sao cô đơn”, nếu có cách làm căn cơ và hiệu quả hơn. Ông Đoàn Ngọc Hải đã dùng sự sốt ruột để giải quyết phần ngọn của vấn đề, mà không chú tâm đến phần gốc của vấn đề cần một “phác đồ điều trị” khác!

Ông Đoàn Ngọc Hải dường như không tránh khỏi cay đắng khi tạm ngưng kế hoạch lấy lại vỉa hè mà ông từng sục sôi nhiệt huyết “không làm được thì cởi áo về vườn”.

Ông Đoàn Ngọc Hải tâm sự: “Công sức của anh em trong những tháng cao điểm giờ gần như trở về số 0. Tôi thấy rõ cảnh nhếch nhác trên vỉa hè rất khó chịu, nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm. Công tác xử lý vi phạm của cấp dưới đang có vấn đề. Anh em ở phường làm không xong, vì cứ nhìn ngó cấp trên thì làm sao xong việc được. Nếu muốn được lòng tin của nhân dân thì mỗi cán bộ của quận 1 cần phải quyết tâm hơn nữa, không ngại đụng chạm, không ngại đụng lợi ích nhóm”.

Người Việt có thói quen ích kỷ là nơi nào thuận lợi đều có thể họp chợ. Người có vốn buôn bán lớn, người gieo neo buôn bán nhỏ. Tất cả đều bày ra vỉa hè, thậm chí lấn chiếm cả lòng đường. Pháp luật thì đầy đủ và cặn kẽ, nhưng thực thi thì tùy thời tiết vui buồn của những người có trách nhiệm. Cái “ngại đụng chạm” và cái “lợi ích nhóm” mà ông Đoàn Ngọc Hải ưu tư là có thật. Người dân làm gì, dù chỉ bày một mẹt trái cây ra lề đường, chính quyền đều biết. Thế nhưng, sự di du và sự thờ ơ đã khiến hành vi ấy càng chây ì và càng nảy nở. Một khu trung tâm đô thị như quận 1- TP.HCM thì vỉa hè cũng có giá trị “tấc đất tấc vàng”.

Muốn giải cứu vỉa hè thực sự, không phải chuyện một sớm một chiều

Người thì bày bàn ghế kinh doanh, người thì làm chỗ trông giữ xe, việc nào cũng hái ra tiền hết. Và tất nhiên, cái tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” thì ai mà không tranh thủ để mong duy trì thu nhập cá nhân. Vỉa hè bỗng dưng được cho thuê bằng nhiều cách, có thể là hợp đồng cho thuê ngắn hạn có đóng dấu hẳn hoi, hoặc có thể là hợp đồng bí mật được giao kèo miệng giữa người hét ra lửa và người thấp cổ bé họng. Ngay cả các công trình xây dựng lấn chiếm cũng vậy. Một cái gật đầu mơ hồ cho xây dựng, thì khi công trình đã hoàn thành sẽ rất khó khăn cho người muốn tháo dỡ. Tất cả ràng buộc dích dắc với nhau như mê hồn trận.

Muốn giải cứu vỉa hè thực sự, không phải chuyện một sớm một chiều. Lãnh đạo cấp quận dù được dư luận ủng hộ thì khả năng kiểm soát mâu thuẫn phát sinh khi xử lý vi phạm cũng khá hạn chế. Phải có sự đồng lòng và sự quyết chí của cấp cao hơn. Để trật tự đô thị quận 1 – TP.HCM trở lại thảm cảnh tồi tệ như cũ, sẽ là nỗi chua chát không của riêng ai. Bí thư TP.HCM – Nguyễn Thiện Nhân trong buổi tiếp xúc với các cán bộ hưu trí cũng đã lắng nghe những nỗi day dứt tương tự. Và ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng không thể thúc thủ trước vấn đề vỉa hè bị tái chiếm, nhưng “làm sao đảm bảo tính kế hoạch, tính bền vững để sắp tới tiếp tục thực hiện”.

Khi ông Đoàn Ngọc Hải ra quân ở quận 1 - TP.HCM đã tạo cảm hứng cho nhiều lãnh đạo các quận, huyện khác của thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam, cũng như lãnh đạo nhiều địa phương khác. Hiện tại, ông Đoàn Ngọc Hải đã đứng sang một bên, nhưng người dân vẫn hy vọng sẽ có những ông Đoàn Ngọc Hải khác tiếp tục sứ mệnh giải cứu vỉa hè Sài Gòn!

TÂM HUYỀN (Kiến thức gia đình số 22)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cach-nao-lay-lai-via-he-cho-nguoi-di-bo-post195628.html