Cách nào giúp con bỏ thói ỷ lại?

Ngay từ nhỏ, hai đứa con của vợ chồng anh Vinh chị Nga có thói quen ỷ lại, thích dựa dẫm vào cha mẹ của chúng...

Ảnh minh họa

Từ việc nhỏ đến việc lớn, bất cứ lúc nào nhờ vả được, bọn trẻ cứ thoải mái, vô tư nhờ anh chị làm dùm việc này, lo dùm việc kia. Thấy con càng lớn, thói ỷ lại càng có chiều hướng phát triển, vợ chồng anh Vinh cảm thấy khó chịu, nhưng chưa nghĩ ra cách nào dạy dỗ các con.

Một trong những điều làm cho các bậc cha mẹ lo âu nhất, là nỗi sợ rằng con cái họ sẽ lớn lên với thói quen ỷ lại ngày càng lớn. Đây là nỗi lo của hầu hết các bậc cha mẹ, nhất là với những gia đình khá giả, ăn nên làm ra, thì nỗi lo có thể càng nhiều. Liệu con cái của họ sẽ trở nên chây lì, lười biếng, không làm được trò trống gì và không thể đóng góp cho xã hội.

Con gái của chị Hồng, nhân viên kiểm toán công ty T, tuy đang học đại học năm thứ nhất đã biết tranh thủ kiếm việc làm thêm để phụ giúp gia đình. Mặc dù hoàn cảnh gia đình không phải thiếu thốn nhưng thấy con biết lo sớm, chị Hồng cảm thấy an tâm hơn, vả lại con bé có thể thu xếp ổn thỏa giữa việc học và làm, nên chị không ngại khuyến khích con.

Từ ngày có việc làm thêm, con gái chị Hồng tỏ ra chững chạc, trưởng thành hơn các bạn đồng lứa. Đây là điều chị Hồng tự hào nhất. Những đứa trẻ có việc làm, thậm chí là công việc bán thời gian hay việc làm tình nguyện, có xu hướng dễ thành công hơn, cả ở góc độ cá nhân lẫn chuyên nghiệp, so với những trẻ không có việc làm. Công việc giúp trẻ học hỏi, rèn luyện tính kỷ luật, đồng thời giúp trẻ cảm thấy đỡ chán.

Chúng ta cũng dễ nhận ra rằng thường thì cha mẹ gần như không thấy được điểm mạnh và yếu của con cái, nên khó có thể nhận xét một cách khách quan. Nhờ làm việc, trẻ không chỉ có cơ hội học hỏi còn nhận được những lời nhận xét trung thực. Thực tế, đây là một trong những cách tốt nhất để chống lại thói ỷ lại.

Đứa con trai vừa tốt nghiệp đại học của vợ chồng anh Công chị Liễu được cha mẹ giao cho tiếp quản một tiệm hàn cơ khí. Sau gần một năm hoạt động, cửa tiệm ế ẩm, phải đóng cửa vì ít khách hàng. Thấy con trai nản chí, anh Công vừa buồn vừa giận, bởi vì anh muốn con cái nối nghiệp mình, khuếch trương công việc mà vợ chồng anh cố gắng cả đời mới gầy dựng được.

Trong khi đó, thằng bé cứ một mực đòi ở nhà cho khỏe, chứ không chịu nỗ lực như cha mẹ nó. Giận con có tính ỷ lại, không biết cố gắng, vợ chồng anh Công bỏ mặc nó muốn làm gì thì làm.

Có trường hợp các bậc phụ huynh là những người làm chủ, giao cho con cái những nhiệm vụ gần như bất khả thi, chẳng hạn yêu cầu con cái phải xoay chuyển một công việc đang gặp khó khăn, bế tắc và không có cơ hội sinh lợi nhuận. Họ muốn trẻ thấu hiểu, thậm chí là sống lại với những trải nghiệm của họ, những người đã vượt qua sóng gió để thành công.

Điều này cũng thường xảy ra ở những gia đình khác, khi con cái buộc phải làm theo những nghề nghiệp mà cha mẹ không có sự quan tâm và thường là không có tài năng. Với tình huống này, cha mẹ cần xác định đúng năng lực của trẻ để có sắp xếp công việc phù hợp, tránh “phủ đầu” trẻ bằng những từ như ỷ lại, lười biếng...

Một giải pháp khác, là đừng để con bạn phải rơi từ trên cao xuống nhưng cũng đừng che chắn chúng khỏi những tảng đá cứng của số phận. Chẳng hạn làm thay trẻ mọi thứ, sau đó bất ngờ buộc trẻ phải tự làm mọi thứ, khiến trẻ hụt hẫng, mất phương hướng. Hãy để trẻ cảm nhận nỗi đau, sự thất bại, để hình thành tính cách kiên cường. Bởi vì sự kiên cường là một phẩm chất phát triển tốt trong môi trường của tình yêu thương nghiêm khắc. Tuy nhiên, tránh để trẻ chịu đựng quá sức...

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cach-nao-giup-con-bo-thoi-y-lai-post176305.html