Cách nào giải bài toán cân đối ngân sách?

821 nghìn tỷ đồng là tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 10 tháng qua, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng, tổng chi ngân sách 10 tháng đã lên tới 980,5 nghìn tỷ đồng. Những con số đó cho thấy, mục tiêu cân đối ngân sách vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.

Trong năm 2017, tỷ lệ điều tiết ngân sách từ các địa phương về trung ương sẽ căn cứ vào diện tích và dân số. Trong ảnh: TP Hồ Chí Minh là địa phương phải điều tiết nhiều hơn cho trung ương. Ảnh: Đặng Loan

Bội chi ở mức cao

Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN 10 tháng vừa qua tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh việc số thu nội địa tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2015, vẫn còn một số khoản thu đạt thấp, như thu phí, lệ phí chỉ đạt 75,5% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 68,8% dự toán, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2015. Nhiều khoản thu đạt thấp là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành như khai thác, chế biến dầu khí; thủy điện; than... gặp khó khăn, khiến số thu nộp NSNN giảm.

Trong khi nhiều khoản thu đạt thấp thì nhu cầu chi phục vụ đầu tư phát triển vẫn tăng mạnh. 10 tháng qua, tổng chi NSNN đã tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2015. Riêng khoản chi đầu tư phát triển ước đạt 163,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% cùng kỳ năm 2015. Điều này đã khiến tỷ lệ bội chi NSNN trong 10 tháng ước đạt 159,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh nguồn thu NSNN còn nhiều khó khăn, quan điểm của Chính phủ là coi tiết kiệm trong chi tiêu, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên. Để phân bổ chi ngân sách đồng đều giữa các địa phương, việc cân nhắc tỷ lệ phân bổ sẽ đóng vai trò quan trọng. Đối với năm 2017, tỷ lệ điều tiết thu ngân sách từ địa phương về trung ương sẽ căn cứ vào diện tích, dân số, đặc điểm địa lý, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội... rất khác nhau của mỗi địa phương.

Theo dự kiến, tỷ lệ điều tiết (tỷ lệ thu ngân sách địa phương được giữ lại) của Hà Nội sẽ giảm từ 42% xuống 32%, TP Hồ Chí Minh từ 23% xuống 17%, Đà Nẵng từ 85% xuống 55%... Tỷ lệ điều tiết giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực của các địa phương. Tuy nhiên, khi cân đối định mức phân bổ chi thường xuyên, với các địa phương trọng điểm thu, có điều tiết thu về ngân sách trung ương sẽ được ưu tiên cao nhất. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt sẽ được phân bổ tăng thêm 70% định mức chi hoạt động kinh tế để xử lý các vấn đề về môi trường, bảo đảm an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai.

Tránh mỗi địa phương một hướng

Về việc cắt giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, năm 2017 không chỉ riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, mà còn nhiều tỉnh khác có đóng góp về ngân sách trung ương sẽ bị cắt giảm tỷ lệ điều tiết của ngân sách địa phương, tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương. Với sự thay đổi này, mỗi địa phương sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với tổng quy mô GDP khoảng 5,1 triệu tỷ đồng, nếu không tiết kiệm chi tiêu thì sẽ phải vay nợ, dẫn tới trần nợ công sẽ vượt qua con số 65% GDP. Vì vậy, Chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu công của năm 2017 và đưa dự toán bội chi NSNN giảm từ 5,3% xuống 3,5% GDP. Bội chi không chỉ giảm về tỷ lệ, mà còn giảm về con số tuyệt đối từ 254 nghìn tỷ đồng, xuống 178 nghìn tỷ đồng.

Trong dự toán NSNN năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, Quốc hội dành 14.450 tỷ đồng để xử lý hỗ trợ thêm cho các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, bảo đảm tỷ lệ điều tiết của các địa phương này không giảm quá lớn...

Cũng theo ông Cường, để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thì phải có nguồn lực để phục vụ. Chính phủ phải có nguồn lực để điều hành, tránh tình trạng 63 tỉnh là 63 nền kinh tế, mỗi tỉnh đi theo một hướng. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tìm ra ngành nào, khu vực nào là trọng điểm để tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, thì đầu tư. Như vậy, nếu địa phương có những ngành, những công trình thuộc trọng điểm đầu tư phục vụ tái cơ cấu kinh tế, địa phương đó sẽ lại được đầu tư nhiều hơn, số còn lại sẽ chấp nhận đi sau.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, trên thực tế các địa phương luôn được ấn định số thu ngân sách hằng năm theo chỉ tiêu được trung ương giao. Điều này đã khiến tốc độ tăng thu cao kỷ lục và tạo ra những bất cập. Đơn cử, số thu từ doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh; thu phí, lệ phí ở TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011-2015 tăng cao kỷ lục, lần lượt là 43,6% và 29,6% mỗi năm, trong khi mức tăng chung của cả nước chỉ là 6%. Nếu Chính phủ đã cân nhắc, tính toán cẩn thận thì nên công khai, minh bạch công thức tính toán để tạo sự đồng thuận.

Việc điều tiết các khoản thu phân chia phần ngân sách địa phương được hưởng sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách điều chỉnh giảm là phù hợp với quy định của Luật NSNN, nhưng nếu giảm quá lớn cũng ảnh hưởng đến nguồn lực bảo đảm các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các địa phương. Do đó, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, mong sẽ thêm nhiều địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, từ đó giảm bớt trách nhiệm điều tiết cho các địa phương trọng điểm thu như hiện nay.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/854782/cach-nao-giai-bai-toan-can-doi-ngan-sach