Cách nào để tránh trục lợi?

Đấu giá quyền sử dụng đất lâu nay vẫn được coi là phương thức hiệu quả giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Thông qua các phiên đấu giá, người dân có nhu cầu thực sẽ được tiếp cận các dự án đất một cách công khai với đầy đủ các điều kiện chuẩn xác về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, tại một số quận, huyện của Hà Nội thời gian qua đã xuất hiện tình trạng "cò" tham gia đấu giá, bỏ giá "ảo" để trục lợi. Không hiếm trường hợp trong một phiên đấu giá đất có cả nhóm người nhà, nhóm bạn làm ăn cùng tham gia với các mức bỏ giá khác nhau, trong đó có một vài người sẵn sàng bỏ giá trúng ở mức vượt rất cao so với mặt bằng thị trường. Hoặc một số đối tượng tham gia đăng ký đấu giá với khối lượng thửa đất lớn, kèm với đó là bỏ thầu giá thật cao. Nhưng, điểm giống nhau của các trường hợp này là sau khi ký biên bản trúng đấu giá, mặt mũi tươi rói bước ra khỏi "sàn" đấu đều lẳng lặng không nộp tiền mua thửa đất và chấp nhận mất tiền đặt cọc.

Tất nhiên, khi giá được nâng cao lên đến mức "ảo" thì lợi ích thực sự lại rơi vào chính các đối tượng đã cùng tham gia lũng đoạn phiên đấu giá. Số tiền đặt cọc bị mất chẳng thấm vào đâu so với phần lợi ích mà họ nhận được. Có những nhóm khách luôn sẵn sàng trực chờ tham gia bất kể phiên đấu giá đất nào được tổ chức, miễn khu đất đó có khả năng sinh lợi. Chiêu thức trục lợi này không chỉ gây "nhiễu" cho công tác quản lý và kế hoạch đấu giá đất, mà còn khiến những người dân có nhu cầu thực sự khó xác định được giá trị thực của đất.

Đại diện một số quận, huyện và đơn vị trực tiếp điều hành các phiên đấu giá đất cũng thừa nhận tình trạng này và cho rằng, để xuất hiện tình trạng bỏ giá "ảo", chịu mất tiền đặt cọc để trục lợi là bởi mức tiền đặt cọc theo quy định hiện hành quá thấp, chỉ 10-15% so với giá trị tài sản. Nhiều lần, các địa phương đã đề nghị phải nâng mức tiền đặt cọc lên 30% nhằm nâng cao chất lượng đấu giá. Tuy nhiên, muốn nâng mức đặt cọc này lại không thuộc thẩm quyền của địa phương hoặc cơ quan đứng ra tổ chức đấu giá mà phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, nghiên cứu cập nhật và sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong đó có điều khoản đặt cọc đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các cơ quan quản lý.

Đề xuất nâng tiền đặt cọc đấu giá đất lên 30%

(HNMO) - Đó là đề xuất của ông Nguyễn Văn Liệu - Giám đốc Công ty cổ phần AIC Hà Nội tại hội thảo góp ý cho dự án Luật đấu giá tài sản Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội diễn ra ngày 11-10.

Kính Lúp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/853988/cach-nao-de-tranh-truc-loi