Cách nào để kiềm chế cơn ghen?

Bi kịch của ghen tuông và ghen tuông mù quáng để lại cho xã hội những câu chuyện đau buồn; trong đó có không ít vụ án mạng. Tình huống xuống tay với vợ hoặc người sống như vợ chồng hay người yêu rồi tự sát (mà không chết) đã đặt ra nhiều câu hỏi: “Yêu đến đâu mà lại có kiểu hành xử bất cần, mù quáng đến như vây?”. Câu hỏi này, ngay cả người trong cuộc cũng không thể trả lời trọn vẹn…

Giống như yêu, ghen tuông không có tuổi. Và cũng như yêu, khi lòng ghen tuông nổi lên, con người ta có thể gây ra nhiều chuyện mà lúc thường họ chẳng bao giờ nghĩ tới. “Tại lúc đó ghen quá nên tôi mới làm như vậy, chứ giờ thì…”. Câu nói của bị cáo Nguyễn Văn Cốc, 68 tuổi, quê Đồng Tháp tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Giết người diễn ra ngày 5-10 mới ngập ngừng nhưng nhiều người hiểu ý vế sau lời ông nói là: “Giờ quá ân hận vì thấy sự ngu muội của mình”. Ai cũng bảo, ông Cốc già như vậy rồi còn sinh lòng ghen tuông làm gì?”. Bản thân ông cũng cho rằng: “Không hiểu tại sao mình làm vậy!”. Nói thế nghĩa là ông đã bừng tỉnh và biết đau đớn, sợ hãi bởi hệ quả của sự mê muội từ cơn ghen mà mình đã gây nên.

Bị cáo Nguyễn Văn Cốc đã xuống tay với vợ trẻ vì ghen. Ảnh tư liệu

Theo cáo trạng, ông Cốc có vợ con ở quê là xã Định Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nhưng vài năm trước, ông ta đến thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng làm thuê và sống như vợ chồng với chị Trần Thị Loan, 43 tuổi. Đang sống yên ổn thì ông Cốc nhận thấy “vợ” có biểu hiện lạnh nhạt nên nảy sinh lòng ghen tuông vì nghi ngờ chị Loan có người khác. Tối 18-6, khi cả hai thức dậy chuẩn bị ra chợ bán hàng thì chị Loan nói “sắp đi công chuyện”. Nghe đến vậy, ông Cốc mười mươi khẳng định sự nghi ngờ của mình là có thật nên vứt bỏ hàng hóa để cãi vã với “vợ” trẻ. Đỉnh điểm ông nói "Nếu vậy thì cả hai chết", rồi chạy ra sau lấy cây búa đập vào đầu chị Loan. Khi nạn nhân tắt thở, ông ta đánh thêm 6 búa nữa vào mặt chị này. Ngoài ra bị cáo còn được cho là đã cố tạo ra hiện trường giả một vụ tự tử khi đặt thi thể chị Loan lên giường và lấy dây kẽm quấn vào cổ nạn nhân rồi chạy xe về Đồng Tháp. Về gần đến nhà, ông này lại điện thoại cho hàng xóm thông báo đã giết chết vợ hờ rồi uống thuốc trừ sâu tự tử nhưng được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời. Với hành vi đó, bị cáo Nguyễn Văn Cốc đã bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt 20 năm tù về tội “Giết người”. HĐXX còn buộc bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân trên 90 triệu đồng gồm tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần.

Theo kết quả điều tra ban đầu thì năm 2011, Thắng và chị Kim cưới nhau, sau đó sinh được 2 người con. Cuộc sống nghèo khó nên năm 2015, hai vợ chồng quyết định đưa con cái đi Bình Dương làm thuê kiếm sống nhưng chỉ được hơn một năm, giữa họ nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn. Buồn chán, Thắng mang 2 con bỏ về quê còn chị Kim vẫn một mình ở lại Bình Dương sinh sống, làm việc. Thời gian sau đó, Thắng thường xuyên gọi điện thoại cho vợ và hai vợ chồng vẫn mâu thuẫn, ngay cả khi sống xa nhau. Một lần, Thắng gọi vợ nhưng nhấc máy lại là giọng một người đàn ông. Nghi vợ thay lòng, sáng 28-9, Thắng gọi điện thoại cho chị vợ nhờ báo tin con gái bị bệnh và bảo vợ về chăm sóc cho con. Biết tin, chị Kim lập tức bắt xe khách về quê. Khoảng 22g đêm cùng ngày, Thắng ra Quốc lộ 91 đón vợ như không có chuyện gì xảy ra. Sau khi ăn cơm, cả hai cùng 2 con vào phòng ngủ. Tuy nhiên, chừng hơn 1 giờ đồng hồ sau đó, Thắng bất ngờ dùng dao đâm vợ 7 nhát khiến nạn nhân chết tại chỗ. Thấy vợ đã tắt thở, Thắng uống thuốc sâu rồi chạy ra phía sau nhà bếp ném hung khí xuống ruộng và nằm vật vã trên sàn nước. Lúc này mẹ ruột Thắng phát hiện bất thường đã gọi người đến can thiệp kịp thời, cứu sống Thắng.

Ai cũng muốn được yêu thương hết lòng và hết lòng yêu thương người mình yêu. Tuy thế, yêu đến chết hay vì yêu, vì được yêu mà phải chết thì không ai mong muốn. Như trường hợp của ông Cốc, ông nói rằng vì quá yêu và quá ghen nên mới xuống tay giết chị Loan. Cả Thắng cũng lí giải động cơ giết vợ của mình với lý do tương tự. Lối giải thích của cả ông Cốc, cả Thắng đều không được chấp nhận vì rõ ràng, cả hai đều ghen tuông bóng gió và chỉ nghi vợ có người khác đã vội vã có hành vi mù quáng. Và ở cả hai vụ án, hai người đàn ông hành động không phải vì yêu mà vì sự vị kỷ của bản thân, rõ ràng hơn là trường hợp của Thắng bởi nếu còn yêu thương vợ, anh ta đã chẳng nỡ nào đưa hai con về quê, bỏ mặc vợ mưu sinh một mình nơi đất khách.

Vẫn biết trái tim có quy luật riêng và nhiều khi quy luật này là vô cùng khắc nghiệt nhưng những vụ án mạng vì ghen tuông vẫn khiến xã hội phải đớn đau, trăn trở. Không phải ai khi nổi cơn ghen cũng có lối hành xử mù quáng nhưng sau mỗi vụ án kiểu này, mỗi người cũng nên suy nghĩ nghiêm túc về cách hành xử của mình trong tình yêu. Ghen tuông được ví như một cơn khủng hoảng tinh thần và biên pháp hữu hiệu để xử lý khủng hoảng này là mỗi người thường xuyên tự củng cố và xác định, ngoài tình yêu còn có nhiều loại tình cảm, nhiều mối quan hệ quan trọng; nhiều giá trị khác trong cuộc sống như tình cảm với cha mẹ, gia đình, con cái, công việc, bạn bè… . Mục đích để khi vấp phải vấn đề trong tình yêu thì có nhiều người, nhiều mối quan tâm khỏa lấp; tránh việc xảy ra mâu thuẫn, nghi kỵ với vợ/chồng hay người yêu đã vội vàng nghĩ đến lối giải quyết bi quan, tiêu cực là cái chết cho cả hai vì sẽ gây nên nỗi đau không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/cach-nao-de-kiem-che-con-ghen-119806