Cách một chuyên gia dạy trẻ phản ứng khi người lớn đòi ôm, thơm

Một lần bé nghịch nước ướt quần, bà nội kéo tụt quần của bé với mục đích để thay quần cho cháu nhưng hơi nặng tay, bé liền hét lên giận dữ “bà lạm dụng, lạm dụng”!

Những câu chuyện đau lòng về xâm hại tình dục trẻ em mấy ngày gần đây khiến nhiều người ám ảnh. Chưa bao giờ các phụ huynh, đặc biệt là có con gái, lo lắng hơn lúc này.

Chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện dạy con 2 tuổi của thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương - chuyên viên tham vấn trị liệu tâm lý, Cty CP Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống - như một ví dụ điển hình nhất về việc giáo dục con trước mối hiểm họa nói trên.

Theo thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương, nguyên nhân khiến cho các vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa được giải quyết một cách tức thì có nhiều lý do. Có thể có những lý do X, Y, Z nào đó về ông A, ông B như dư luận đang đặt ra, nhưng nhìn chung về mặt luật pháp để thực thi giải quyết vấn đề nhạy cảm và bức thiết này thì chúng ta đang thiếu một quy trình hoàn thiện.

Ngoài ra một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa là chúng ta không giáo dục trẻ em kỹ năng phòng tránh bị xâm hại tình dục ngay từ bé. Từ gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội… đều thiếu hụt việc giáo dục trẻ những kỹ năng này.

Giáo dục kỹ năng tránh xa nguy cơ bị xâm hại tình dục đang là khoảng trống đáng lo ngại ở Việt Nam

Chúng tôi xin trích lời thạc sĩ Đoàn Thị Hương:

“Là người trực tiếp can thiệp nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục nên tôi cảm nhận rất rõ nỗi đau thầm kín, nỗi đau chồng lên nỗi đau của những nạn nhân cũng như gia đình họ bởi quá nhiều “khoảng trống” như ta đã thấy. Ý thức được điều này nên khi tôi có con, tôi đã dạy cháu những kỹ năng tránh xa nguy cơ bị xâm hại tình dục ngay từ khi cháu bắt đầu có ý thức về cơ thể mình.

Khi con tôi lên 2 tuổi, tôi dạy cháu tuyệt đối không để người khác ngoài bản thân cháu được chạm vào vùng nhạy cảm, ngoại trừ tôi và bà nội khi phải làm vệ sinh tắm rửa cho bé. Bình thường ngay cả mẹ cũng không được đụng vào vùng bí mật của con.

Với trẻ nếu chỉ nói lý thuyết suông không sẽ không có tác dụng, bởi trẻ thường học qua hành động cụ thể. Do vậy tôi thường dạy con bằng cách lặp đi lặp lại rất nhiều lần thông qua việc chơi với con mỗi ngày. Ví dụ: Trong lúc chơi với bé, tôi nói “cho mẹ thơm cái má cái nào”, bé sẽ chìa má để cho tôi thơm; “cho mẹ thơm cái tay nào” – bé lại chìa tay ra. Tôi lại nói “cho mẹ thơm cái mông nào”, bé phản ứng quyết liệt: “Không”, mẹ hỏi “vì sao?”, bé trả lời “Bạo lực”, sau đó sửa ngay lại là “Lạm dụng” và cả hai mẹ con cùng cười (bé nói nhầm xâm hại là bạo lực vì khoảng thời gian đó tôi mới dạy cháu cả bài Bạo lực là xấu).

Nhờ tập đi tập lại nhiều lần nên ngay từ khi 2 tuổi bé đã có sự phản ứng rất chuẩn xác bởi những hành vi mang tính nguy cơ cao bị xâm hại. Có một lần bé nghịch nước ướt quần, bà nội bất ngờ kéo tụt quần của bé với mục đích để thay quần cho cháu nhưng theo kiểu “cưỡng bức”, không nói cho cháu biết là bà đang thay quần cho cháu nên con tôi đã phản ứng một cách hết sức bất bình giận giữ. Cháu hét to lên rằng “bà lạm dụng, lạm dụng”!

Sau đó tôi phải trò chuyện với cả bà và cháu để hóa giải “hiểu lầm” này và rút kinh nghiệm, nhưng tôi mừng vì con tôi đã rất nhạy cảm và có phản ứng với tình huống “bị tụt quần” khi chưa nói rõ lý do và chưa hỏi ý kiến của cháu – dù đó là để vệ sinh cho cháu".

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/cach-mot-chuyen-gia-day-tre-phan-ung-khi-nguoi-lon-doi-om-thom-20170314093226586.htm