Cách cư xử thấm đẫm tình người

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu một tấm gương liêm khiết khi thông báo rộng rãi sẽ không tiếp khách đến chúc mừng vào ngày 20/11 tức Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay. Hẳn là Bộ có ý nhắc khéo ngành mình không nên nhận quà vào dịp này chăng?. Tuy nhiên, ngày 20/11 năm nay rơi vào đúng chủ nhật, cơ quan đóng cửa là đương nhiên, có gì phải thông báo.

Ảnh minh họa từ internet.

Có lẽ đây lại mắc vào “lỗi diễn đạt”, nên hiểu đúng là “không tiếp khách đến chúc mừng vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam” thì rõ ràng hơn và không bị bắt bẻ!

Dịp này, ôn cố, tri tân, rất nhiều tấm gương mẫu mực của nhà giáo được đăng tải cùng với những sự tri ân người thầy của toàn xã hội. Trong đó, có những câu chuyện cảm động như ở một trường đào tạo phát thanh – truyền hình, hai thầy giáo nộp học phí cho các sinh viên để các em được vào thi; hoặc, cô giáo 30 năm miệt mài dạy trẻ khuyết tật; người thầy hàng chục năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em ở một vùng quê nghèo,...

Xã hội đang xôn xao về một trường hợp Cảnh sát 113 truy đuổi người vi phạm giao thông khiến một người chết thì sau đó, tại Mỹ Tho, Công an đã cho mượn xe ô tô 16 chỗ đi rước dâu tại TP. Hồ Chí Minh cho kịp giờ vì xe của dân trên đường đi rước dâu bị bọn bất lương đập phá. Sau đó, người nhà trả tiền xăng nhưng Công an Mỹ Tho cũng “mừng cưới” luôn, thật may mắn cho đôi vợ chồng trẻ và gia đình hai họ! Dư âm của việc “hôi của” của chiếc xe tải bị cháy còn chưa dứt thì ở Long An, một chiếc xe chở vịt bị lật, bà con xúm lại mua hơn trăm con vịt bị chết ngạt cho tài xế, đó là một hình ảnh gây xúc động.

Trong cuộc sống hàng ngày, xuất hiện các hành vi “trái tai, gai mắt”, thậm chí có những hành xử vô đạo của một số người và không ít sự vô cảm thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả và các hành vi đó lập tức bị phê phán và cả lên án dè bỉu nữa. Không phải là vẫn còn mà là sự tiếp diễn của truyền thống tôn trọng đạo lý, cách cư xử thấm đẫm tình người, những nghĩa cử cao đẹp luôn luôn và thường trực trong mỗi con người, trong dòng chảy của cuộc sống thường nhật.

Cái xấu và cái tốt đan xen nhau, khi cái tốt ở thế thượng phong sẽ đẩy lùi cái xấu và ngược lại. Thế nên, vấn đề quan trọng là môi trường để cái tốt được cổ vũ, làm theo, để cái “thiện căn ở tại lòng ta” có điều kiện thể hiện và phát huy.

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/cach-cu-xu-tham-dam-tinh-nguoi-306359.html