Cách chức trạm trưởng kiểm lâm để lâm tặc 'xẻ thịt' cổ thụ

Trong phạm vi vài trăm mét thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn tại địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) có đến 13 cây gỗ dổi cổ thụ đã bị lâm tặc đốn hạ, một số cây đã được xẻ thành súc nằm lăn lóc. Sự việc diễn ra nhiều ngày nhưng lực lượng kiểm lâm không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cùng cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện kiểm tra khu vực hiện trường chặt phá rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 183.

Vụ chặt hạ rừng lớn nhất Bình Định

Theo thống kê của Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, tổng khối lượng gỗ dổi bị chặt hạ ước tính lên tới 42,5m3 gỗ. Hiện trường để lại là 13 cây gỗ dổi đường kính từ 40 đến 80cm, thuộc khoảnh 2 và khoảnh 4, tiểu khu 183 xã Vĩnh Hảo, đã bị cưa không thương tiếc; trong đó, tại khoảnh 2 có 10 cây, khoảnh 4 có 3 cây. Gỗ đã bị xẻ ra từng phách, nằm lăn lóc quanh các thân cây bị đốn hạ.

Sau khi chặt số dổi trên, lâm tặc đã cưa xẻ một số và vận chuyển đi nơi khác. Số gỗ còn sót lại chưa xẻ hiện còn 22 lóng gỗ tròn, với tổng khối lượng 22,6m3 và 2 tấm gỗ xẻ khối lượng 0,284m3. Hiện số gỗ này đang được giữ nguyên tại hiện trường để phục vụ công tác điều tra, giám định thiệt hại và khám nghiệm hiện trường.

Theo các thương lái chuyên mua bán gỗ ở tỉnh Bình Định, gỗ dổi rất thông dụng trong xây dựng, nhất là làm cửa. Gỗ dổi có đường kính mặt từ 70cm trở lên hiện trên thị trường có giá trên 20 triệu đồng/khối, gỗ có mặt 40cm có giá 16 triệu đồng/khối.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa điểm xảy ra vụ chặt hạ chỉ cách tỉnh lộ 637 chừng 100m; nằm giữa 2 Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lò Than, cách mỗi trạm khoảng 15km. Thế nhưng, không hiểu sao lâm tặc vẫn thực hiện việc chặt phá, cưa xẻ hàng chục cây rừng và vận chuyển đi tiêu thụ một cách dễ dàng!

Theo ông Trần Phước Phi - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, số cây dổi kể trên bị lâm tặc chặt hạ vào khoảng đầu tháng 10/2016.

“Cuối tháng 9/2016, qua công tác tuần tra, kiểm soát chúng tôi nhận thấy khu vực rừng trên không có dấu hiệu bị xâm hại. Nhưng sau đợt kiểm tra vào đầu tháng 10/2016 vừa qua, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ phát hiện 13 cây gỗ dổi đã bị cưa hạ”, ông Phi cho biết.

Trước câu hỏi của chúng tôi, vì sao khu vực rừng bị phá chỉ cách tỉnh lộ 637 chừng 100m, lại nằm giữa 2 trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng cán bộ bảo vệ rừng lại không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, ông Phi giải thích: “Các đối tượng khai thác gỗ trái phép thực hiện vào đêm khuya, chọn những cây gần đường giao thông để thực hiện nhanh gọn. Đồng thời, các đối tượng rất tinh vi, lựa chọn thời điểm vào những ngày mưa để tránh lực lượng tuần tra và ít người đi đường qua lại phát hiện tiếng máy cưa”.

Ông Phi cho biết thêm: “Điểm khai thác trái phép ở giữa 2 Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lò Than và Hang Hũ, nhưng sự túc trực, kiểm tra chưa chặt chẽ để xe vận chuyển gỗ trót lọt. Việc khai thác gỗ trái phép với số lượng nhiều cây, diễn ra trong 4 ngày nhưng phát hiện và ngăn chặn không kịp thời để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng với quy mô lớn nên không loại trừ khả năng phá rừng có tổ chức. Các đối tượng lâm tặc rất liều lĩnh, quá tự tin để phá rừng. Qua điều tra ban đầu, chúng tôi nhận thấy vụ khai thác gỗ trái phép này có tính chất phức tạp, có dấu hiệu hình sự. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đang phối hợp với Công an huyện Vĩnh Thạnh và ngành chức năng có liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm”.

Một cây gỗ dổi ở khoảnh 4, tiểu khu 183 có đường kính 76cm bị lâm tặc cưa hạ.

Cũng theo ông Quang, để ngăn chặn các vụ phá rừng tương tự, hiện Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập chốt kiểm tra bảo vệ rừng cách hiện trường khoảng 200m; vừa tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng, vừa bảo vệ, giữ nguyên hiện trường vụ khai thác gỗ để phục vụ công tác điều tra. Các thành viên của chốt này đang túc trực 24/24 giờ.

Ông Huỳnh Ngọc Bảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cho biết: “Trước đây, tại huyện Vĩnh Thạnh cũng xảy ra trường hợp chặt hạ cây gỗ có đường kính lớn từ 50 - 60cm trở lên nhưng chỉ lẻ tẻ một vài cây; còn số lượng 13 cây dổi có đường kính lớn bị chặt hạ cùng một lúc như thế này thì đây là trường hợp đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định”.

Cách chức trạm trưởng

Theo ông Phi, sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức họp, yêu cầu những người có liên quan tường trình sự việc và kiểm điểm trách nhiệm.

Theo đó, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã xử lý trách nhiệm, thôi giữ nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ của ông Huỳnh Ngọc Sơn Hà; chuyển công tác đối với ông Nguyễn Mạnh Thương là cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ.

Đồng thời yêu cầu tường trình và kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Xuân Thạch phụ trách bộ phận quản lý bảo vệ rừng và ông Nguyễn Thế Lạc, ông Đinh Văn Lâm điều động tăng cường đến hiện trường kiểm tra để đề xuất giải pháp xử lý nhưng không hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi công an điều tra kết luận, tùy mức độ liên quan sẽ có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh điều động ông Nguyễn Xuân Thạch làm Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hang Hũ.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh yêu cầu lãnh đạo Ban quản lý Rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh gồm ông Trần Phước Phi - Phó Giám đốc phụ trách (được Chủ tịch UBND huyện giao phụ trách điều hành hoạt động của Ban quản lý Rừng phòng hộ) và ông Trần Văn Hóa - Phó Giám đốc (người được phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo phụ trách địa bàn) phải kiểm điểm trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng trái phép và báo cáo giải trình.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, ông Trần Quốc Lại - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã giao cho cơ quan công an điều tra xác minh làm rõ để xử lý. Đối với đơn vị chủ rừng nơi để xảy ra vụ việc thì đã kiểm điểm từ cán bộ địa bàn đến lãnh đạo. Còn hình thức xử lý vụ việc vẫn đang chờ kết quả từ cơ quan điều tra”.

Nhiều cây gỗ dổi có đường kính 70 cm đã bị lâm tặc chặt không thương tiếc.

Ông Lại cho biết: “Có thể đây là vụ khai thác rừng trái phép có tổ chức, vì vậy ngành kiểm lâm và công an đang phối hợp chặt chẽ để điều tra. Qua thời gian điều tra, các cơ quan chức năng đã “khoanh” được một số đối tượng vi phạm, trong đó có nhiều đối tượng ở ngoài tỉnh, thế nhưng bây giờ chưa thể công bố được vì để phục vụ công tác điều tra”.

Đại tá Châu Trinh - Trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi đã giao Đội Cảnh sát điều tra Kinh tế và Chức vụ công an huyện điều tra, xác định và làm rõ các đối tượng có liên quan đã tham gia cưa hạ 13 cây gỗ dổi tại khoảnh 2, khoảnh 4, tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo. Đây là vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng, nên đơn vị đang gấp rút hoàn tất hồ sơ và sẽ khởi tố vụ án trong thời gian tới”./.

Thắng Mỹ - Chơn Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/cach-chuc-tram-truong-kiem-lam-de-lam-tac-xe-thit-co-thu-305728.html