Cách chức người, không thể cách chức… chức vụ

Một nhầm lẫn khá phổ biến của nhiều người là không phân biệt được con người và chức vụ. Khi nói đến Tổng thống Mỹ, chẳng hạn, luôn có hai hàm ý: chức vụ Tổng thống và một con người cụ thể đang giữ chức vụ này.

Ông Vũ Huy Hoàng trả lời thắc mắc người dân trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên sóng truyền hình quốc gia khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh: tin tức online

Những lễ nghi những quy định những thủ tục lễ tân là nhằm tạo cho cái chức vụ Tổng thống một uy quyền cần thiết để tiến hành những nhiệm vụ được Hiến pháp quy định. Con người cụ thể ở một thời điểm cụ thể nhận sự đối xử đó là do cái chức vụ quy định chứ không phải cho bản thân người đó.

Vì thế việc cách chức một người đã về hưu, không còn giữ chức vụ đó nữa vừa không thực chất vừa tạo ra những hệ lụy quan trọng phải tính tới.

Gần đây nhất, Ban Bí thư có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trên tờ Dân Việt, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – nhận định: “Việc cách chức này có nghĩa là không công nhận ông Vũ Huy Hoàng là Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2016”.

Đó là chuyện bên Đảng, có thể có những quy định riêng nhưng ví dụ nếu tiền lệ này được áp dụng cho hệ thống hành chính, giả thử hiệu trưởng một trường đại học có những sai phạm bị phát hiện sau khi đã về hưu, nay có quyết định cách chức hiệu trưởng của ông ta. Giả thử tiếp, việc cách chức này có nghĩa không công nhận ông này là hiệu trưởng của trường đó trong giai đoạn đó. Vậy không lẽ hàng ngàn tấm bằng tốt nghiệp của sinh viên do ông hiệu trưởng này ký bỗng nhiên trở nên vô giá trị?

Thử nghĩ mà xem, bạn đang cầm trong tay sổ hồng chứng minh quyền sở hữu ngôi nhà của bạn do một công chức nào đó, thay mặt nhà nước ký. Không lẽ giả dụ ông này bị cách chức theo kiểu “hồi tố” thì sổ hồng của bạn xem như bỏ đi? Không hề có chuyện đó. Bởi chức vụ và con người như đã nói ở trên là hai thực thể khác nhau. Ông hiệu trưởng ký tên lên bằng tốt nghiệp không phải vì bản thân ông ấy muốn mà được; không phải ông thích ai rồi cứ ký đại để phát cho họ tấm bằng… Tất cả đều phải theo một trình tự thủ tục hành chính và ông hiệu trưởng ký tên để thực thi chức năng mà chức vụ của ông được giao phó.

Trở lại với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, ở đây chúng ta không bàn đến các sai phạm của ông ta vì các cơ quan chức năng đã làm rõ. Vấn đề là liệu có thể cách chức Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông ta hay không, cách chức như thế nào, có nên hay không, có tạo ra những tiền lệ gì không?

Ông Vũ Huy Hoàng được Chính phủ đề nghị, Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công thương. Quốc hội khóa trước cũng đã miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng của ông này khi Chính phủ trước hết nhiệm kỳ. Nay xét về mặt quy định pháp luật, chuyện cách chức Bộ trưởng theo kiểu “hồi tố” là không khả thi.

Giả thử bằng cách nào đó vẫn tiến hành việc cách chức này được theo đúng luật định, hóa ra việc này chỉ là nhằm không công nhận ông Hoàng là Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2011-2016? Mà không công nhận ông ta là Bộ trưởng, vậy ai là Bộ trưởng Bộ Công thương giai đoạn đó?

Nên nhớ chính ông Vũ Huy Hoàng trong cương vị là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thay mặt Việt Nam để ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng 11 vị bộ trưởng các nước khác vào ngày 4-2 đầu năm nay! Không lẽ cách chức Bộ trưởng ông này rồi văn bản TPP trở thành vô giá trị? Không thể có chuyện đó. Vậy thiết nghĩ cũng không nên tuyên bố theo góc độ đạo đức, kỷ luật nội bộ của một tổ chức để sau này khó rút lại.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153596/cach-chuc-nguoi-khong-the-cach-chuc%e2%80%a6-chuc-vu.html/