Các xã vùng cao Nghệ An: Học sinh vượt khó đến trường

Hôm nay (5.9), cả nước đồng loạt khai giảng năm học mới. Trẻ em có quyền đi học, nhưng đối với nhiều vùng sâu vùng xa, để giành “quyền” cho mình, các em đã phải nỗ lực rất nhiều.

Đi bộ 20km đến trường

Chỗ ăn của các em học sinh nội trú của Trường THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Cảnh Thắng

Trước khi khai giảng 2 tuần, em Lỳ Y Pâu, học sinh lớp 8, trú tại bản Noọng Hán, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã chia tay gia đình, địu gùi đi bộ 20km đến trường. Do xã Đoọc Mạy không đủ số học sinh nên các em trong xã phải xuống xã Na Loi để học. Con đường từ Noọng Hán ra trung tâm xã Đoọc Mạy một bên là núi đá cheo leo, một bên là vực thẳm. Ngay cả người dân ở Noọng Hán, nếu phải đi xe máy ra trung tâm cũng phải một người đẩy, một người cầm lái chứ chẳng thể ngồi chung. Y Pâu rời nhà từ sáng sớm nhưng đến tối mịt mới đến trường. “Nhớ nhà, thương bố mẹ lắm nhưng vẫn muốn đi học” – Y Pâu tâm sự.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Huồi Tụ, Kỳ Sơn do thiếu nước nên sau mỗi buổi học các em
đi lấy nước về dùng. Ảnh: C.T

Chống học “cài răng lược”

Với các huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang, năm học mới đúng thời điểm bà con đang thu hoạch ngô và chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Do đó nhiều học sinh vẫn đi học thất thường kiểu “cài răng lược”. Để chống lại tình trạng này, ngay thời gian nghỉ hè, thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các giáo viên nắm sát sĩ số của lớp mình. Em nào nghỉ học quá 2 ngày đều có cô giáo và trưởng bản đến tìm hiểu lý do và đưa các em trở lại lớp.

Đi học vất vả thế nhưng tỉ lệ học sinh đến trường của xã Đoọc Mạy rất cao. Ông Lý Giống Dìa – Chủ tịch UBND xã Đoọc Mạy cho hay: 100% các cháu trong độ tuổi đi học đều đến trường. Những bản khó như Đoọc Mạy tỉ lệ lại càng cao, chúng tôi không phải vận động nhiều.

Đến trường không dễ, nhưng năm nay, số học sinh của Trường Tiểu học Lượng Minh (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) đã tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, số phòng học vẫn không tăng. Thầy giáo Lô Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để đảm bảo phòng học cho học sinh, nhà trường tính đến chuyện nhường cả phòng làm việc của thầy cô cho các em. Hiện trường có 34 lớp với hơn 500 học sinh nhưng lại chia thành 9 điểm trường lẻ khác nhau, có những điểm trường cách trường chính hàng chục km nên việc đầu tư cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn.

Còn ký túc xá của trường THCS Lưu Kiền (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An) mới được xây mới nhưng lại chưa có cơ sở vật chất bên trong. Phòng tự học, phòng bếp là một ngôi nhà gỗ cũ kỹ, tạm bợ khiến cho công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn. “Mọi khó khăn chúng tôi có thể cố gắng khắc phục, nhưng chỗ ăn, ở của các em không đảm bảo sẽ cản trở không nhỏ việc các em tới trường, có nguy cơ các em bỏ học”- cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Vượt qua lũ dữ

Năm nay, cô và trò ở tỉnh Lào Cai sẽ trải qua một năm học khó khăn. Theo thống kê, tỉnh Lào Cai có hơn 80 điểm trường bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét xảy ra vào ngày 5.8, trong đó có 2 điểm trường bị xóa sổ hoàn toàn. Tại Trường Tiểu học Cốc San số 2, sau khi lũ rút, chỉ còn lại vài chiếc bàn ghế bị giập gẫy, sách vở ngập trong bùn. Tại Trường Tiểu học Quang Kim số 1, khi lũ ập đến, sân trường bị bùn đất ngập dày đến 0,5m, nước ngập cao 1m, bùn nước làm đổ 200m tường rào, lún gãy 432m2 nền lớp học, nhiều đồ dùng dạy học bị hỏng...

Niềm vui trước ngày khai giảng của học sinh vùng biển ở thị xã Kỳ Anh

Bà Đỗ Mai Thông - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: Ngay sau khi nước lũ rút, phòng đã kịp chỉ đạo các trường học bắt tay vào khắc phục hậu quả của mưa lũ. Đến nay các trường đều đã sẵn sàng để đón năm học mới. Tuy nhiên phải mất rất nhiều thời gian nữa các trường bị thiệt hại do mưa lũ mới có thể khắc phục được hậu quả do lũ quét để lại. Bởi lẽ có khá nhiều sổ sách như: Học bạ học sinh, hồ sơ phổ cập giáo dục... bị đất vùi lấp không thể khôi phục được.

Trên đỉnh Pu Khăm cao hơn 1.200m so với mực nước biển thuộc xã Quang Huy, huyện Phù Yên, Lào Cai, cô giáo Định Thị Phương, giáo viên mầm non điểm trường Pu Khăm, cho biết: “Vài ngày trước khai giảng trời mưa sầm sập, trong khi điểm trường của tôi tới khu trung tâm bản Ó – nơi dự kiến diễn ra khai giảng vừa xa, đường sá đi lại không thuận lợi. Do đó, việc đưa các em học sinh đi khai giảng khá khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi đã có kế hoạch dự phòng để các em học sinh vẫn được hưởng không khí háo hức của ngày khai giảng”.

Với học sinh vùng vừa bị ảnh hưởng mưa lũ nặng nề như ở bản Na Va, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thì ngày tựu trường rất là mong mỏi. Xúng sính trong bộ quần áo đồng phục mới được các nhà hảo tâm trao tặng cùng chiếc balo mới màu hồng, em Lò Duy Khang, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Sập Vạt, bảo: “Cháu rất mong đợi ngày khai giảng bởi ở trường cháu có nhiều bạn bè và thầy giáo, cô giáo. Vừa qua cháu bị trôi hết quần áo, sách vở và cả giấy khen học sinh xuất sắc nên năm nay cháu phải học tốt để lấy lại những giấy khen đó cho mình".

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cac-xa-vung-cao-nghe-an-hoc-sinh-vuot-kho-den-truong-705922.html