Các trường ngành Xây dựng tuyển sinh như thế nào?

Với quy định cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường đại học, xem ra công tác tuyển sinh của các trường đại học top dưới và các trường cao đẳng, trung cấp năm 2017 không dễ dàng. Với những đặc thù riêng, các trường thuộc ngành Xây dựng tuyển sinh như thế nào?

Quảng cáo tuyển sinh khá hấp dẫn của trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị

2 trường hàng đầu thuộc ngành tuyển sinh khá thuận lợi

Vào thời điểm này, các trường đại học trong cả nước đang tuyển sinh bổ sung đợt 2. Rất may là Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM không phải tuyển sinh bổ sung.

Theo kết quả công bố trên website của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, ngay trong đợt 1, nhà trường đã tuyển được 2.180 chỉ tiêu cho 18 ngành. Trừ các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kiến trúc cảnh quan, Công trình tiên tiến ngành kiến trúc có môn thi vẽ mỹ thuật (được nhà trường tổ chức thi riêng và nhân hệ số 2), thì chỉ có 2 ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang có điểm trúng tuyển trên 20 điểm. Các ngành còn lại, các điểm trúng tuyển chỉ ở mức trung bình 15,5 điểm.

Tương tự, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM cũng không phải tuyển bổ sung lần 2. Ngay ở lần xét tuyển đầu tiên, trường đã tuyển được 1.185 chỉ tiêu hệ chính quy cho cơ sở 1 tại TP.HCM; 165 chỉ tiêu cho cơ sở tại TP Cần Thơ; 100 chỉ tiêu cho cơ sở tại TP Đà Lạt.

Đáng ghi nhận là điểm trúng tuyển cơ sở 1 khá cao, thấp nhất 17 điểm ở ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng; cao nhất 20,75 điểm ở các ngành Kỹ thuật xây dựng, Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Thiết kế đồ họa (tất cả các môn thi, bao gồm môn thi vẽ mỹ thuật đều không nhân hệ số).

“Nín thở” chờ kết quả tuyển sinh bổ sung

Không may mắn như 2 trường nói trên, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung trong lần tuyển sinh đầu tiên mới tuyển được 600 chỉ tiêu trên tổng chỉ tiêu cần tuyển là 1.000. Cũng như các trường đại học khác chưa tuyển đủ chỉ tiêu, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung đang xét tuyển bổ sung đợt 2.

Thực ra, đối với một trường đại học thuộc “top 2” đóng trên địa bàn miền Trung, việc tuyển được 600 chỉ tiêu đợt 1 không phải là quá tệ. Mùa tuyển sinh năm ngoái, cũng phải đến lần tuyển sinh bổ sung đợt 2, nhà trường mới đạt tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung Vũ Ngọc Anh cho biết: Để thu hút thí sinh, vào mùa tuyển sinh, ban tuyển sinh của nhà trường về hầu hết các tỉnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đến các trường THPT giới thiệu với học sinh cuối cấp các ngành đào tạo, uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc định hướng nghề nghiệp cho các em chuẩn bị tốt nghiệp THPT rất hạn chế. Các em có xu hướng thích và đăng ký các ngành học, các trường có vẻ “kêu”, thậm chí có tính quốc tế như quản trị kinh doanh, kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế... Nhưng đây là những ngành học cơ hội việc làm sau này mơ hồ. Ngược lại, ngành Xây dựng luôn có nhiều cơ hội việc làm, nhưng ít em lựa chọn. Những em lựa chọn ngành Xây dựng hoặc là trong gia đình đã có người làm trong ngành định hướng, hoặc là các em có suy nghĩ nghiêm túc, chín chắn về cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Theo Hiệu trưởng Vũ Ngọc Anh, ngành Xây dựng vẫn luôn là ngành có cơ hội việc làm tốt. Đơn cử, năm 2017 là năm đầu tiên nhà trường có khóa sinh viên hệ đại học chính quy tốt nghiệp ra trường, bao gồm 200 kỹ sư xây dựng và 38 kiến trúc sư. Có nhiều em ngay trong quá trình bảo vệ tốt nghiệp đã khoe có việc làm. Hầu hết các em ra trường đều có hồi âm tốt về việc được tuyển dụng. Thực tế này sẽ góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho nhà trường trong các mùa tuyển sinh tiếp theo.

Hiệu trưởng Vũ Ngọc Anh kỳ vọng: Năm nay, nhà trường cũng sẽ đạt được kết quả khả quan như năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả cụ thể như thế nào thì vẫn phải “nín thở” chờ đợt tuyển sinh bổ sung lần 2…

Cuốn hút thí sinh bằng cơ hội việc làm

Trường đại học tuyển sinh đã khó thì các trường cao đẳng, trung cấp càng tuyển sinh khó hơn. Bởi dù ít nhiều đã cải thiện tư duy nhưng phần đông người Việt vẫn muốn học đại học làm thầy hơn là học cao đẳng, trung cấp làm thợ. Trong bối cảnh như thế, các trường cao đẳng, trung cấp xoay xở như thế nào?

Trong mùa tuyển sinh này, trên một diễn đàn báo chí, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị Bùi Hồng Huế thu hút sự chú ý của thí sinh và người nhà một cách khôn ngoan khi chia sẻ: Đối với ngành Xây dựng, có 6 nhóm nghề đang được các DN trong và ngoài nước “trải thảm đỏ” đón chào do nhu cầu cao nhưng nhân lực chất lượng, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật làm việc trực tiếp lại khan hiếm. Đó là các ngành nghề Điện dân dụng và công nghiệp, Điện tự động hóa, Lắp đặt đường ống công nghệ, Xây dựng dân dụng - công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật xây dựng và Cấp thoát nước.

Đây là những nhóm nghề đang được đào tạo tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị. Trên website của nhà trường cũng treo paner quảng cáo đậm nét các ngành “hot” trong mùa tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, sơ cấp 2017 - 2018, chính là các ngành nói trên.

Cũng trên website này, giao diện chính luôn là hình ảnh học sinh, sinh viên của nhà trường đạt các giải cao trong các cuộc thi tay nghề quốc tế. Bên cạnh đó, thông tin các DN tuyển dụng nhân sự luôn được cập nhật thường xuyên, liên tục. Đây có lẽ là một cách truyền thông hiệu quả cho những ai thực sự mong muốn có được cơ hội việc làm phù hợp, có tính khả thi cao trong tương lai.

Còn các trường cao đẳng, trung cấp nghề khác thì sao? Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo “Nhà trường - DN trong đào tạo nhân lực kỹ thuật ngành Xây dựng”. Thông tin được đưa ra tại hội thảo là các cơ sở đào tạo của ngành Xây dựng đã và đang gắn công tác đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động DN. Tuy vậy, các trường vẫn vô cùng chật vật khi giải “bài toán khó”: Tuyển sinh.

Quý Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/cac-truong-nganh-xay-dung-tuyen-sinh-nhu-the-nao.html