Các trường dân lập tiếp thị học sinh điểm chấp chới ở cả hai nguyện vọng

Năm nay, Hà Nội có 76.000 thí sinh thi vào 10, trong khi chỉ tiêu vào các trường THPT công lập của Hà Nội chỉ khoảng 57.000, như vậy sẽ có 19.000 thí sinh sẽ phải vào học các trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiện nhiều phụ huynh và học sinh như ngồi trên lửa, đặc biệt những em có điểm chấp chới ở cả hai nguyện vọng 1, 2.

Sau khi Hà Nội công bố điểm thi, căn cứ vào mức điểm chuẩn vào các trường THPT công lập của năm học trước, nhiều học sinh đang ở mức điểm “mạo hiểm”, tức là chấp chới cả hai nguyện vọng. Nguyên nhân là do các em làm bài không tốt, thêm nữa, do trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2 có mức điểm chuẩn không chênh nhau nhiều. Và để trúng tuyển nguyện vọng 2, bắt buộc thí sinh phải có điểm thi cao hơn điểm nguyện vọng 1 từ 1,5 điểm.

Chị Trần Thị Kim ở Hà Đông, có con đăng ký nguyện vọng 1 vào Lê Quý Đôn (Hà Đông) (năm ngoái điểm chuẩn là 51) và nguyện vọng 2 vào Quang Trung (Hà Đông) (năm ngoái có điểm chuẩn là 48). Tuy nhiên, năm nay con chị Kim chỉ được 50 điểm, như vậy, khả năng trượt cả hai nguyện vọng là có thể xảy ra. Rất nhiều thí sinh được 51,5 điểm, nguyện vọng 1 đăng ký THPT Việt Đức, nguyện vọng 2 vào THPT Hai Bà Trưng, trong khi năm trước Việt Đức lấy 52 điểm, mà xu hướng điểm chuẩn thì tăng, giảm trong phạm vi 1 điểm nên cũng rất “mạo hiểm”.

Cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên một trường THCS của quận Ba Đình thì chọn nguyện vọng phù hợp với sức học của con sẽ quyết định thành bại của kỳ thi. Nhiều học sinh có học lực khá nhưng lại đăng ký vào trường tốp đầu thì khả năng đỗ sẽ rất khó khăn.

Căng thẳng khi chờ đợi điểm chuẩn.

Chị Nguyễn Minh Hạnh, nhà ở phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho biết: “Con tôi thi được 47 điểm, cháu đăng ký vào THPT Tây Hồ, với điểm này tôi hy vọng cao là con đỗ. Lúc đầu cháu khăng khăng đăng ký vào THPT Nguyễn Trãi, rất may là cuối cùng tôi đã thuyết phục được cháu, nếu không với mức điểm này thì rớt Nguyễn Trãi”.

Không phải học sinh nào cũng định hướng được việc chọn lựa nguyện vọng chính xác. Có học sinh điểm cộng 4 năm THCS và điểm thi nghề chỉ được 18,5 điểm, sức học trung bình khá nhưng lại đăng ký thi vào trường có điểm chuẩn năm học trước là 50 điểm, thì khả năng đỗ rất khó khăn. Trong thời gian chờ đợi điểm chuẩn, nhiều phụ huynh đã nhanh chân nộp hồ sơ vào trường dân lập.

“Hơn 9h ngày 21-6 vừa có điểm, tôi nhìn bảng điểm của con chỉ bằng điểm chuẩn năm ngoái, để chắc ăn, tôi tới trường Lômônôxôp nộp đơn xét tuyển ngay. Thế mà lúc tôi đến đã có đông phụ huynh tới nộp rồi”- chị Phương Nga có con thi vào THPT Cầu Giấy cho biết.

Theo chị Nga thì khi mua đơn, Ban tuyển sinh của trường có nhắc phụ huynh sau khi có điểm là phải đến nộp đơn ngay. Nộp càng sớm thì càng có nhiều cơ hội. Trường Lômônôxôp năm nay xét tuyển những học sinh đạt 45 điểm, dưới điểm đó thì chờ xem xét.

Đánh vào tâm lý hoang mang sốt ruột của các phụ huynh, một số trường dân lập đã tiếp thị mạnh mẽ, nhằm giành giật thí sinh. Chị Trần Minh Thu ở Tây Hồ có con thi vào lớp 10 với số điểm cao hơn điểm chuẩn năm ngoái 3,5 điểm cho biết: “Tối qua tôi nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ giới thiệu trong ban tuyển sinh của Trường THPT Hà Thành, chị ngỏ ý mời con tôi vào học ở trường Hà Thành.

Người phụ nữ đó còn nói, nếu học ở dân lập, con tôi sẽ có học bạ đẹp, để sau này sẽ xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng hoặc điểm cộng vào kỳ thi THPT Quốc gia. Nhưng tôi biết chủ trương đó là không có thật, trừ một số trường đại học dân lập dùng kết quả học bạ và bảng điểm cấp 3 để xét tuyển vào đại học. Tôi cho rằng, các trường dân lập không thể vì mục đích lôi kéo thí sinh mà đưa ra thông tin không chính xác, gây hoang mang cho phụ huynh học sinh”.

Theo kinh nghiệm của nhiều phụ huynh đã và đang có con thi vào lớp 10, khi chưa có điểm chuẩn, phụ huynh nên bình tĩnh. Tránh nôn nóng để không bị chi phối bởi các thông tin đưa đẩy bên ngoài, dẫn đến nộp vội hồ sơ vào các trường dân lập khi điểm của con em rất cao.

Ngày 7-7, sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia

Thông tin về quy trình chấm thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Mặc dù năm nay, việc chấm thi là do các Sở GD&ĐT chủ trì, tuy nhiên để đảm bảo khách quan, công bằng, cán bộ các trường đại học cũng tham gia tất cả các khâu của quá trình chấm thi, từ việc là thành viên của ban chấm thi, trực tiếp chấm thi cho đến thanh tra, giám sát công tác chấm thi.

Đặc biệt, trong suốt quá trình chấm thi, Bộ sẽ cử các đoàn thanh tra của Bộ tới các điểm chấm thi của các tỉnh để giám sát công tác chấm thi, đảm bảo kết quả thi hoàn toàn trung thực, khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh.

Theo kế hoạch dự kiến của Bộ GD&ĐT, kết quả thi THPT quốc gia sẽ được công bố chậm nhất ngày 7-7, sau khi các Sở gửi dữ liệu điểm thi về Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia để so sánh đối chiếu. Việc công bố kết quả thi sẽ do cả Bộ GD&ĐT cũng như 63 tỉnh, thành chủ trì các cụm thi thực hiện đồng loạt để tránh hiện tượng nghẽn mạng từng xuất hiện trong các năm trước.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/cac-truong-dan-lap-tiep-thi-hoc-sinh-diem-chap-choi-o-ca-hai-nguyen-vong-447007/