Các tỉnh miền Trung đang 'ôm hôn thắm thiết' nhưng mạnh ai nấy làm

'Các tỉnh miền Trung đang nằm sát nhau, gặp nhau thì các anh bắt tay và 'ôm hôn thắm thiết' nhưng trên thực tế, các địa phương đang mạnh ai nấy làm', ông Thiên phát biểu.

VIDEO: Miền Trung loay hoay tìm 'nhạc trưởng' để phát triển

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Duyên hải miền Trung đang thiếu 'nhạc trưởng', tỉnh nào cũng làm cảng biển, khu kinh tế... mà thiếu mối liên kết để phát triển bền vững.

Diễn đàn Kinh tế miền Trung diễn ra sáng nay (25/9) tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 500 lãnh đạo 9 tỉnh, thành miền Trung.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cách đây 3 năm, trên cương vị là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông đã dự Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ nhất với chủ đề "Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới".

"Đèn nhà ai nấy rạng"

Thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh miền Trung năm 2016 là 2,673 triệu đồng/người/tháng, bằng 87,6% cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du miền núi phía Bắc (66,7%) và Tây Nguyên (84,0%).

Ngoại trừ ba tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận, các tỉnh còn lại đều có tỷ lệ hộ nghèo (năm 2016) trên 7% - theo khái quát của TS Trần Du Lịch.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ rất quan tâm tới diễn đàn lần này. "Tối qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo 9 tỉnh và phân công tôi tham dự diễn đàn hôm nay", ông Huệ cho biết.

Ông cho rằng đã đặt vấn đề liên kết vùng nhưng 6 năm qua, sự hợp tác và phát triển của tỉnh miền Trung vẫn chưa đạt kỳ vọng.

"Việc phát triển theo kiểu đèn nhà ai nấy rạng vẫn tồn tại", ông Huệ nói.

Theo Phó thủ tướng, liên kết vùng là câu chuyện thời sự. Ở Việt Nam vấn đề này rất được quan tâm, vì không thể nào phát triển được khi mà cơ cấu kinh tế 63 tỉnh/thành phố giống nhau và không gian địa lý bị chia cắt.

Ông đề nghị diễn đàn làm rõ cơ chế chính sách liên kết đến nay còn thiếu cái gì?

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thẳng thắn nói dù lãnh đạo các tỉnh miền Trung hô hào rất nhiều, đến nay thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn so với cả nước.

"Các địa phương chưa xác định được ngành kinh tế mũi nhọn. Nói thẳng ra, các anh chưa giải thích được khái niệm 'mũi nhọn' là gì, thì sao có chính sách để nó phát triển", ông Thiên nói.

Vị này cũng cho rằng nguyên nhân khiến miền Trung chưa phát triển là do các tỉnh đều có tiềm năng giống nhau. Địa phương nào cũng có cảng biển, quốc lộ 1A và đường sắt chạy qua. Người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với những cây trồng như ngô, lúa, rau, khoai... Còn ngư dân chỉ biết bám biển với mong muốn kiếm ít cá, con tôm để sinh nhai.

Ông Thiên không ngần ngại phê phán: "Tôi xin lỗi các anh, nói một câu ví von là các tỉnh miền Trung đang nằm sát nhau. Gặp nhau thì các anh bắt tay và 'ôm hôn thắm thiết' nhưng trên thực tế, các địa phương đang mạnh ai nấy làm".

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Thiên phản bác lập luận của một số chuyên gia cho rằng miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế. Ông nói điện, đường, trường trạm thì ở đâu cũng có.

"Theo tôi, cái hạn chế nhất của miền Trung là thiếu sự liên kết. Phát triển địa phương theo kiểu đèn nhà ai nấy rạng", ông Thiên nói.

Tại diễn đàn, ban tổ chức đã đặt ra câu hỏi để các địa phương trả lời theo hình thức bấm nút điện tử. Có 80% đại biểu dự hội nghị cho rằng các tỉnh miền Trung chưa có sự liên kết và kém liên kết.

Rào cản lớn nhất khiến các tỉnh này chưa liên kết là thiếu hệ thống động lực chung cho cán bộ làm việc (43% đại biểu bấm nút). 20% người bấm nút cho rằng các tỉnh miền Trung thiếu sự quan tâm của Trung ương.

Cần một 'nhạc trưởng'

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với những phát biểu thẳng thắn của ông Thiên. Theo Phó thủ tướng, khi lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã ngồi lại với nhau thì vấn đề đầu tiên phải là lợi ích về kinh tế.

Phó thủ tướng đề nghị các đại biểu phải làm rõ một số rào cản trong vấn đề liên kết vùng.

"Nếu như tiềm năng lợi thế so sánh được phát huy thì phân bổ nguồn lực và tính toán lợi ích địa phương trong điều phối vùng như thế nào, vùng và cả nước đối xử với từng tỉnh như thế nào là vấn đề cần được làm rõ", ông Huệ gợi ý.

Có tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng các tỉnh miền Trung vẫn còn tư tưởng mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết, hỗ trợ cũng phát triển. Ảnh: Đào Hoàng.

Nghị quyết Trung ương đã nhấn mạnh phải có thể chế kinh tế vùng phù hợp. Vùng động lực phải có thể chế tương ứng và vượt trội, vùng khó khăn thì có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển. Bên cạnh đó là xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thử nghiệm thể chế cần thiết, tạo ra cực tăng trưởng có sức lan tỏa cả nước.

Về thể chế điều phối và liên kết vùng, ông Huệ nhấn mạnh sự khác biệt là chúng ta không có chính quyền cấp vùng thì thể chế điều phối thế nào cần nghiên cứu đề xuất với Trung ương và Chính phủ.

Nhấn mạnh thể chế điều phối kinh tế vùng là hết sức quan trọng, Phó thủ tướng nói các tỉnh miền Trung muốn liên kết thì phải cần có "nhạc trưởng".

Tuy nhiên, ông lưu ý cơ chế có "nhạc trưởng" không được làm tăng bộ máy biên chế. Các tỉnh miền Trung đã thành lập ra ban điều phối và bây giờ thêm "nhạc trưởng" thì phải có cơ chế hoạt động.

"Hoạt động như thế nào, các anh nghiên cứu kỹ, rồi đề xuất với Trung ương", ông Huệ đề nghị.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển Vùng Duyên hải miền Trung, đề xuất Chính phủ cần lập cơ chế đặc thù phát triển kinh tế Chu Lai - Dung Quất, làm trung tâm công nghiệp - cảng biển (logistics) - đô thị biển của khu vực.

Theo ông Lịch, lãnh đạo miền Trung phải rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng, không chồng chéo, không xung đột lợi ích, nhất là không dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực về: Cảng biển, đường giao thông, sân bay của vùng.

VIDEO: Mở hướng liên kết tạo động lực phát triển miền Trung

Chiều 24/9, Thường trực Chính phủ họp bàn với lãnh đạo chủ chốt 9 tình, thành miền Trung bàn giải pháp mở hướng liên kết tạo động lực phát triển kinh tế khu vực này.

Đoàn Nguyên - Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cac-tinh-mien-trung-dang-om-hon-tham-thiet-nhung-manh-ai-nay-lam-post782181.html