Các thủ lĩnh quân thánh chiến đang trốn chạy khỏi Mosul

Ngày 19/10, một sỹ quan quân đội Mỹ tham gia liên minh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cho biết, các thủ lĩnh quân thánh chiến đang trốn chạy khỏi Mosul trong khi quân đội Iraq siết chặt các gọng kìm tại thành phố phía Bắc đất nước này.

Ảnh minh họa.

Mosul là địa điểm cách đây 2 năm, kẻ cầm đầu IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập “caliphate” - Vương quốc Hồi giáo, song giờ nơi đây chỉ còn là thành trì quan trọng cuối cùng của tổ chức cực đoan này tại Iraq.

Abu Bakr al-Baghdadi và IS coi Mosul là thủ phủ của “nhà nước” mới mà chúng nuôi tham vọng dựng lên.

Tâm điểm

Trong chiến dịch quân sự lớn nhất từ nhiều năm nay của quân đội Iraq, các lực lượng vũ trang đã giành lại quyền kiểm soát hàng chục ngôi làng, phần lớn vùng phía Đông và phía Nam Mosul, lên kế hoạch cho nhiều mũi tấn công vào thành phố này.

Thiếu tướng Gary Volesky, Chỉ huy trưởng lực lượng bộ binh chống IS của liên quân, nói: “Chúng tôi đang nói với những tay súng của IS rằng các thủ lĩnh của chúng đã bỏ rơi chúng. Chúng tôi đã thấy nhiều kẻ tìm cách đào tẩu khỏi Mosul”. Trao đổi với báo giới, ông cho biết nhiều tay súng người nước ngoài trong số khoảng 3.000-4.500 chiến binh IS có thể sẽ bị kẹt lại thành phố này. Ông lưu ý rằng giới chức và quân đội Iraq sẽ giám sát chặt chẽ những người rời khỏi Mosul và cả những chiến binh nước ngoài tìm cách trà trộn vào dòng người di tản. Ông nói: “Chúng sẽ rất khó trà trộn vào với người dân địa phương bởi có nhiều tay súng là người nước ngoài”.

Dân khổ

Hiện vẫn còn hàng trăm nghìn dân thường đang kẹt lại trong thành phố này với điều kiện sinh hoạt tồi tệ và lương thực thiếu thốn. Nhiều người đang phải trú trong các khu hầm khi quân đội đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào IS.

Ông Abu Saif, 47 tuổi, một người dân tại thành phố Mosul nói với AFP: “Tối qua chúng tôi không thể ngủ được vì tiếng ồn của các cuộc không kích. Đã có những tiếng nổ vô cùng lớn… Nhiều gia đình đã bắt đầu cạn lương thực, hiện nay tại Mosul không hề có bất cứ hoạt động giao thương nào… Thành phố đã bị tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài”.

Cho đến nay mới chỉ có một số ít dân thường chạy thoát khỏi vùng chiến sự, song các tổ chức cứu trợ đang lo ngại rằng sắp tới đây số người buộc phải rời khỏi nhà cửa tại Iraq sẽ là lớn nhất trong gần ba năm xảy ra các diễn biến bạo lực.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Stephen O’Brien, phụ trách các vấn đề nhân đạo nói: “Trong ngày thứ ba của chiến dịch, nhiều thông tin cho biết các chiến dịch quân sự chủ yếu được tiến hành tại các khu vực thưa thớt dân cư, và tính tới thời điểm này, chúng tôi chưa thấy có bất kỳ làn sóng di cư đột biến nào”.

Nhiều dân thường đã thoát khỏi thành phố Mosul và tới được các khu vực an toàn hơn. Một số người thậm chí đã tìm được các trại tị nạn ở vùng biên giới đang bị giằng xé bởi chiến tranh của Syria.

Tổ chức cứu trợ Save The Children cho biết: “Hàng nghìn người dân Iraq trong tuyệt vọng đang chạy trốn cuộc tấn công ở Mosul để tới các trại tị nạn quá tải tại Syria”. Theo tổ chức này, trong vòng 10 ngày qua, đã có khoảng 5.000 người Iraq tìm tới trại tị nạn Al-Hol ở phía bên kia biên giới Syria.

Quây kín, diệt gọn?

Tại phía Đông Mosul, các lực lượng vũ trang đã chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Qaraqosh, cách đó khoảng 15km và từng là thị trấn theo Cơ đốc giáo lớn nhất tại Iraq.

Những thông tin về việc quân đội giành lại quyền kiểm soát Qaraqosh đã được những người theo đạo Cơ đốc, từng chạy trốn khỏi thị trấn này, đón nhận một cách vui mừng.

Các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ nhất của Iraq, lực lượng đóng vai trò thay đổi cục điện đáng kể trong các chiến dịch chống IS gần đây, đã được triển khai để đánh bật những kẻ thánh chiến ra khỏi thị trấn này.

Vào năm 2014, thị trấn Qaraqosh từng là nơi sinh sống của khoảng 50.000 người, với ít nhất là 7 nhà thờ. Đây được coi là địa điểm linh thiêng với khoảng hơn 300.000 tín đồ Cơ đốc giáo ở Iraq.

Lực lượng vũ trang của người Kurd (Peshmerga) cũng đã chuẩn bị để tấn công các cứ điểm của IS tại một số mặt trận phía Bắc trong khi quân đội liên minh sẽ siết chặt gọng kìm ở Thung lũng Tigris.

Ông Aymenn al-Tamimi, một chuyên gia về chủ nghĩa thánh chiến tại Diễn đàn Trung Đông, nói: “IS có quá nhiều kẻ thù và cả thế giới đang hợp lực chống lại chúng”.

Hàng chục nghìn binh sỹ vũ trang đã được huy động trong chiến dịch tái chiếm Mosul, và con số này hoàn toàn vượt trội so với số lượng các tay súng của IS tại thành trì này.

Các nhà lãnh đạo và chỉ huy quân sự trên toàn thế giới cảnh báo rằng bất chấp nhiều dấu hiệu cho thấy bước đầu của cuộc tổng tiến công đã diễn ra suôn sẻ song đây có thể sẽ là một trận chiến kéo dài và căng thẳng.

Sau khi giành lại được nhiều thị trấn và làng mạc ở ngoại ô Mosul, với sự hậu thuẫn của các máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu, quân đội Iraq dự kiến sẽ bao vây thành phố này trước khi tiến vào bên trong. Quân đội Iraq có thể sẽ mở một lối thoát cho các tay súng IS tại phía Tây để giảm thiểu thương vong và thiệt hại.

Tuy nhiên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cho rằng “không cần phải để các kẻ khủng bố chạy từ nước này sang nước khác, thay vào đó, quân đội nên tiêu diệt chúng tại chỗ”.

Ông cho biết Nga tập trung vào việc ngăn chặn “các tay súng đào tẩu khỏi Mosul”, và “những kẻ tìm cách trốn sang Syria”...

Thanh Minh (TH)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/cac-thu-linh-quan-thanh-chien-dang-tron-chay-khoi-mosul-d27419.html