Các thị trường nháo nhào đề phòng ông Trump thắng cử

Khi ông Trump bất ngờ thu hẹp khoảng cách với bà Clinton, nhiều thị trường đã xoay chiều. Các nhà đầu tư càng thấy bất an khi lịch sử diễn biến của Chỉ số S&P 500 cho thấy ứng cử viên đảng Cộng hòa có 86% cơ hội thắng cử.

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Denver ngày 5/11. Ảnh: AP/TTXVN

“Lời tiên tri tổng thống”

Xem xét kết quả Chỉ số S&P 500 trong khoảng thời gian từ 31/7-31/10 từ năm 1944 tới nay, người ta thấy quyền lực của đảng cầm quyền sẽ có 82% cơ hội giữ vững nếu Chỉ số S&P 500 đi lên. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, một cuộc chuyển giao quyền lực sang đảng khác sẽ xảy ra với tỉ lệ chính xác lên tới 86%.

Ngày 30/9 năm nay, chỉ số S&P 500 giảm 0,12%, mấp mé mức mở đầu của tháng 7, đẩy “số phận” cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 vào tay tháng 10. Ngày 31/10, chỉ số S&P 500 giảm 1,94%. Tính đến ngày 4/11, chỉ số S&P 500 bước vào ngày giảm thứ 9 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong hơn 35 năm qua. Các nhà đầu tư không tránh khỏi thấp thỏm bởi theo truyền thống, điều này chỉ ra rằng tỷ phú địa ốc Donald Trump có 86% cơ hội mở toang cánh cửa vào Nhà Trắng.

Nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thực sự giành hiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường hải ngoại được dự báo sẽ đi xuống. Theo công ty dự báo Macroeconomic Advisors, mức giảm giá trị cổ phiếu ở Mỹ sẽ là 8% trong khi theo một báo cáo của Viện Brookings đưa ra từ cuối tháng 10, khoảng giảm sẽ rơi vào 10 – 15% và nền kinh tế thậm chí còn có thể sa sút mạnh hơn.

Dù ông Trump là doanh nhân có tiếng, song nhiều nhà kinh tế nhận định chiến thắng của ông sẽ không khác gì một Brexit phiên bản Mỹ, gây sốc cho cả thị trường nội địa lẫn toàn cầu. Trong mắt của Phố Wall, Donald Trump là "ông vua của bất định" trong khi những gì không thể dự báo trước là những điều những người làm kinh tế không mong muốn.

Dẫu vẫn tuyên bố nền kinh tế Mỹ sẽ hưởng lợi của chính sách tranh cử của mình, song ông Trump lại lớn tiếng chống các hoạt động tự do thương mại, thêm một chỉ dấu cho một tương lai phát triển kinh tế không tốt đẹp. Đó chính là lý do khiến Phố Wall nói riêng và các thị trường nói chung ưa thích bà Clinton chiến thắng.

30 còn chưa Tết

Nền kinh tế càng mong muốn một chiến thắng của đảng Dân chủ và tin rằng ông Trump là mối đe dọa với sự phát triển và thịnh vượng bao nhiêu, màn trình diễn của chỉ số S&P 500 thời gian qua càng khiến nó càng nhuốm màu hỗn loạn bấy nhiêu.

Bà Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử ở Philadelphia, Pennsylvania ngày 5/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước những lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giữa lúc các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, đồng USD mất giá bất chấp báo cáo việc làm khả quan của nước Mỹ dự báo khả năng Cụ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 12, vàng thế giới ngày 4/11 vững giá hướng tới mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ trung tuần tháng 9. Nếu triều đại Donald Trump được lập nên, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ chọn vàng làm giải pháp an toàn và rời bỏ thị trường cổ phiếu.

Cuối tháng 10, thị trường chứng khoán đã đánh cược vào chiến thắng của bà Clinton. Chỉ số chứng khoán của Mỹ đã đi lên sau hai cuộc tranh bà Clinton tạo được đà tiến. Nhưng sau cuộc tranh luận thứ 3, khi nhiều người tin rằng bà Clinton đã thắng thuyết phục, thị trường chứng khoán lại gần như không dịch chuyển.

Dù kết quả khảo sát cho thấy bà Clinton vẫn dẫn trước ông Trump, song đang bị thu hẹp kể từ cuộc tranh luận thứ 3 và đặc biệt là sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử có thể liên quan tới ứng cử viên đảng Dân chủ.

Theo trang RealClearPolitics, khoảng cách hơn 7 điểm bà Clinton thiết lập trước đối thủ ở hai tuần trước giờ chỉ là cách biệt 2,2 điểm %. Nếu như nhà sản xuất sách Ireland Paddy Power hôm 18/10 cược trên 1 triệu USD vào chiến thắng của bà Clinton đồng thời chỉ đánh giá khả năng chiến thắng của ông Trump là 18%, con số đó giờ tăng lên mức 28,6%.

Theo phân tích của các chuyên gia, đây không phải là tín hiệu tốt cho nền kinh tế bởi việc các nhà đầu tư cổ phiếu Mỹ đặt cược vào một chiến thắng hiển nhiên của bà Clinton sẽ khiến họ rơi vào trạng thái không sẵn sàng cho khả năng xảy ra một cú sốc mang tên Donald Trump.

Thời gian gần đây, đồng peso của Mexico đã trỗi dậy như một loại chỉ dấu thể hiện sức mạnh của chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Donald Trump vốn gắn liền với các tuyên bố xây tường ngăn người Mexico nhập cư trái phép và chính sách phản đối các thỏa thuận thương mại bao gồm hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ.

Từ đầu tháng 11, đồng peso mất giá và có biên độ dao động lớn trong ngày 3/11 chỉ trong vài tiếng đồng hồ, từ chỗ mất 0,9% giá trị so với đồng USD rồi vọt lên tăng 0,6% giá trị. Biên độ dao động lớn của đồng peso như chính tâm trạng của các nhà đầu tư thế giới những ngày này: lo âu và chỉ còn lại niềm tin để bấu víu.

Vũ Anh (Tổng hợp )

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-thi-truong-nhao-nhao-de-phong-ong-trump-thang-cu-20161106181430335.htm