Các sự kiện bất động sản nổi bật năm 2016

Năm 2016, thị trường BĐS diễn biến sôi động. Một năm với nhiều dấu ấn đặc biệt sắp trôi qua, trước thềm năm mới, cùng nhìn lại những sự kiện BĐS nổi bật trong năm.

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06, siết chặt tín dụng BĐS

Tháng 6/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư 06 nhằm sửa đổi Thông tư 36, quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nội dung Thông tư 06 có 2 vấn đề chính liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS: Thứ nhất, tăng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 200% (thay vì 250% như dự thảo đưa ra hồi đầu năm), và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017.

Thứ hai, thực hiện giảm có lộ trình tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% (hết 2016) xuống 50% (năm 2017) và 40 % (từ 2018). Đây là cách tiếp cận hợp lý có lộ trình và tầm nhìn. Do đó, tác động của Thông tư 06 lên thị trường BĐS sẽ không lớn và gây sốc như dự thảo sửa đổi trước đó.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngân hàng thương mại vẫn cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng dành cho các dự án BĐS, nhà đầu tư cũng sẽ có thêm thời gian để thích ứng với những điều chỉnh mới. Do đó, thị trường đã có những phản ứng tích cực đầu tiên so với kỳ vọng lo ngại trước đây đối với dự thảo Thông tư 36.

Thông tư 06 được đánh giá là một sự điều chỉnh kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trước thực tế tín dụng ngân hàng đang rót mạnh vào các dự án bất động sản, đặc biệt là hiện tượng tập trung vốn cho một số dự án lớn của các tập đoàn.

Kết thúc gói vay 30.000 tỷ đồng

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013. Đây là gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Lãi suất gói này khoảng 6% cố định trong vòng 15 năm, thấp hơn lãi vay thương mại của các ngân hàng rất nhiều.

Tuy nhiên, gói vay này sẽ chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấm dứt giải ngân vào 31/12/2016 sau 3 năm triển khai thực hiện.

Được biết, đến 30/11/2016, gói tín dụng này đã giải ngân 29.239 tỷ đồng, dư nợ là 24.166 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước dự kiến đến 31/12/2016 (thời điểm kết thúc chương trình) sẽ giải ngân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Đã có trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở…

Việc kết thúc gói 30.000 tỷ là sự kiện có tác động rất lớn tới sự phát triển của các dự án nhà ở xã hội. Ghi nhận thực tế trong năm cho thấy, kể từ khi gói ngừng giải ngân, các dự án nhà ở xã hội đã lâm vào cảnh giãn tiến độ và không bán được hàng.

Sau kết thúc của gói 30.000 tỷ, Chính phủ đã thông qua việc triển khai một gói tín dụng ưu đãi khác với lãi suất 4,8%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gói ưu đãi này vẫn chưa được triển khai do các bộ ngành chưa thống nhất bố trí nguồn vốn cụ thể.

Ảnh minh họa

Công khai các dự án “cắm” ngân hàng, dự án không đảm bảo PCCC

Được ví như “quả bom thông tin” của thị trường BĐS 2016, việc các cơ quan chức năng công bố hàng loạt dự án thế chấp ngân hàng và công khai danh sách các dự án không đảm bảo về PCCC đã gây rúng động thị trường.

Khởi đầu từ vụ chung cư Harmona (quận Tân Bình, TP. HCM) chậm trả vay và bị ngân hàng siết nợ đã đẩy hàng trăm khách hàng vào tình cảnh mất nhà. Từ đó, dư luận đã yêu cầu cơ quan chức năng phải công bố thông tin về các dự án thế chấp ngân hàng.

Theo đó, vào cuối tháng 7/2016, Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. Ngay khoảng 1 tuần sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cũng công bố danh sách 34 dự án rơi vào tình trạng đang thế chấp.

Việc công bố danh sách với nhiều “ông lớn” và các dự án đình đám đã gây ra cú sốc lớn cho thị trường khiến giao dịch sụt giảm mạnh. Ngay sau đó, các chuyên gia đã lên tiếng giải thích việc thế chấp dự án để vay vốn là điều hết sức phổ biến trong kinh doanh bất động sản - vốn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Sau đó, thị trường đã dần ổn định và giao dịch trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng sau biến cố này, việc công khai thông tin, đặc biệt thông tin thế chấp đã trở thành một tiêu chí đối với các dự án bất động sản.

Cùng với đó, vào tháng 8/2016, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho biết, qua kiểm tra tổng số 1.075 công trình nhà cao tầng trên địa bàn (trong đó có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động) có 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Những công trình này không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan này kiến nghị, đưa công trình vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu, không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt, trong năm 2016 liên tục xảy ra các vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng, việc công khai danh sách các dự án không đảm bảo an toàn PCCC đặc biệt thu hút sự quan tâm của dự luận.

Hoạt động M&A diễn ra sôi động

Trong năm 2016, thị trường BĐS ghi nhận nhiều thương vụ M&A gây tiếng vang. Điển hình là Hải Phát, trong năm nay, đơn vị này đã thâu tóm một loạt dự án như : T2 Victory Thăng Long, CT2-105 Usilk City, 4,7 ha quỹ đất thành phẩm dự án Phú Lương, 7.200 m2 tại Hà Đông.

Tập đoàn Mường Thanh với thương vụ chi 1.500 tỷ mua lại Cienco5 Land, qua đó chính thức sở hữu dự án Thanh Hà. Bên cạnh đó, có Sunshine Group chi cả nghìn tỷ mua lại dự án Mai Trang Tower đổi tên thành Sunshine Center. Novaland mua lại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước tại Đà Nẵng từ tay Công ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn Quốc).

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng hoạt động khá tích cực: Keppel Land mua lại 40% dự án Empire City; CapitaLand chi 52 triệu USD thâu tóm đất vàng phường Cầu Kho, Quận 1, Frasers Centrepoint Limited (FCL) mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển nhà G Homes…

Cơn “địa chấn” nhà giá rẻ

Dễ nhận thấy trong năm 2016, thị trường BĐS ấm lên, nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi phân khúc nhà giá rẻ để hướng đến các phân khúc trung và cao cấp.

Tuy nhiên, ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup cũng đã chính thức công bố ra mắt thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity - Dòng bất động sản với mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng/căn. Trong giai đoạn đầu, Tập đoàn này đồng loại triển khai xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn. Thông tin này đã gây ra một cơn “địa chấn” đối với thị trường nhà giá rẻ.

Ngay sau đó, đại diện Mường Thanh cũng cho biết, trong tháng 12/2016, tập đoàn này sẽ tung ra 3.000 căn hộ có giá chỉ 10 triệu đồng/m2, diện tích 50-60 m2. Đây được coi là tuyên bố “bán nhà rẻ hơn nữa” của đơn vị chuyên bán nhà bình dân Mường Thanh.

Trước đó, Vihajico – đơn vị nổi danh với khu đô thị cao cấp Ecopark – cũng đã bất ngờ ra mắt 2 dự án giá rẻ và bán hết hàng nghìn căn hộ chỉ trong thời gian ngắn. Hai ông lớn khác là Geleximco và FLC cũng nhảy vào cạnh tranh bằng các dự án Gemek Premium, Gelexia Riverside và FLC Garden City.

Sự đổ bộ của các ông lớn và đặc biệt là động thái tham gia của Vingroup đã khiến thị trường nhà giá rẻ trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, thời gian tới hứa hẹn sẽ tạo ra cơn sốt nhà giá rẻ cũng như tạo sức cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp bất động sản về phân khúc thị trường này

Lục Giang (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/cac-su-kien-bat-dong-san-noi-bat-nam-2016-d32560.html