Các nước phát triển cũng gặp thách thức khi xây thành phố thông minh

Chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày 23/11 tại Hà Nội, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, hiện nay ngay cả các nền kinh tế phát triển cũng đang gặp phải những thách thức trong việc xây dựng các thành phố thông minh, kết nối, an toàn và bền vững.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc tọa đàm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng về đô thị thông minh diễn ra ngày 23/11/2016 tại Hà Nội.

Chương trình tọa đàm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng về đô thị thông minh vừa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Bộ TT&TT Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay, ngày 23/11/2016 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 31 doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng đại diện Sở TT&TT của ba thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, DTT…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, xây dựng và phát triển thành phố thông minh hơn, hay nói ngắn gọn là xây dựng smartcity đang trở thành chủ đề nóng trên thế giới và tại Việt Nam những năm gần đây. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã kéo theo không ít những thách thức, điểm hình như: sự gia tăng về dân số kèm theo tình trạng dân số già, thách thức về môi trường, xu thế cắt giảm ngân sách, yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và sự phát triển bền vững…

“Tất cả những thách thức đó đã tạo áp lực buộc quá trình đô thị hóa phải điều chỉnh để tiến tới hình thành một số thành phố đáng sống hơn, phát triển bền vững hơn. Các thách thức trên buộc quá trình đô thị hóa phải xử lý bởi những giải pháp “thông minh”. Khi một thành phố triển khai các giải pháp này, thành phố đó đang trong quá trình trở nên thông minh hơn. Một trong số các yếu tố đóng vai trò quan trọng cho quá trình dịch chuyển này là CNTT-TT”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cho biết, từ đầu năm 2016, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện học tập kinh nghiệm phát triển tại các đô thị tiên tiến, xây dựng mô hình đô thị thông minh điển hình phù hợp với Việt Nam; đánh giá các nền tảng công nghệ quan trọng, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật CNTT và rà soát hiện trạng ứng dụng CNTT-TT để đánh giá các điều kiện cần thiết tiến tới xây dựng thành phố thông minh.

Cũng trong thời gian này, một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, TP.HCM, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh.

Đánh giá cao sự tham gia của 31 doanh nghiệp, tổ chức Hoa Kỳ đã cùng Đại sứ Ted Osius tham dự buổi tọa đàm, Thứ trưởng nhận định, điều này thể hiện sự quan tâm của cá nhân Đại sứ cũng như đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tới thị trường CNTT-TT nói riêng và với sự phát triển của Việt Nam nói chung.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề xuất Đại sứ Ted Osius và các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề, cụ thể: hai bên cần chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển đô thị thông minh, không chỉ các thông tin kỹ thuật, giải pháp công nghệ mà các vấn đề về các đô thị thông minh; phía Việt Nam tạo điều kiện cung cấp thông tin để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp cận, đánh giá tính sẵn sàng và đề xuất sự tham gia có hiệu quả vào quá trình phát triển các đô thị thông minh của các địa phương tại Việt Nam; hai bên cùng nhau xác định các điều kiện cần thiết để đề xuất các cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hai nước nhằm phát huy tối đa năng lực về công nghệ của Hoa Kỳ cũng như tiềm năng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nêu ra một số vấn đề ngỏ để các bên cùng suy nghĩ, thảo luận như: Tại các đô thị Việt Nam hiện nay chúng ta chưa đối mặt với nguy cơ dân số già, mật độ dân số cũng chỉ là vấn đề của Hà Nội và TP.HCM; Vậy thách thức hay các vấn đề cấp bách của đô thị Việt Nam là gì?

Thứ trưởng cho rằng, trong quá trình phát triển đô thị phải liên tục điều chỉnh dựa trên các thay đổi, bên cạnh sự thay đổi về mặt công nghệ (dễ nhận biết và điều chỉnh nhất) thì còn có sự thay đổi về văn hóa, xã hội và dân cư.

“Quá trình dịch chuyển sang thành phố thông minh không thể thiếu một nền tảng pháp lý chặt chẽ được xây dựng nhằm thích ứng và hỗ trợ cho việc vận hành của thành phố thông minh. Trong toàn bộ quy trình này, CNTT-TT chỉ là một công cụ để giúp một thành phố giải quyết một hay nhiều vấn đề cụ thể chứ không phải là mục tiêu phát triển của thành phố. Chính vì vậy, việc phát triển, xây dựng một thành phố thông minh hơn không chỉ thuần túy dựa vào các giải pháp công nghệ mà cần quan tâm đến cả những vấn đề khác”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng, các công nghệ thành phố thông minh sẽ có tác động rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của một khu vực.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho biết, ngay cả các nền kinh tế phát triển hiện nay cũng đang gặp phải những thách thức trong việc xây dựng các thành phố thông minh, kết nối, an toàn và bền vững.

Theo nhận định của ông Ted Osius, các công nghệ thông minh có thể giúp các Chính phủ, cơ quan chính quyền xử lý những khó khăn, thách thức hiện tại cũng như tương lai đối với những việc mà các thành phố đang phải gánh vác trách nhiệm rất nặng nề trong việc tạo ra một môi trường vừa đáng sống, vừa phù hợp cho làm việc và còn phải đảm bảo tính bền vững, vận dụng được những biến đổi về công nghệ để thúc đẩy phúc lợi của người dân.

“Các công nghệ thành phố thông minh không chỉ liên quan đến những người dân định cư tại các thành phố mà còn có một tác động rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của một khu vực bởi lẽ thành phố thông minh là động lực phát triển kinh tế”, Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh.

Theo một nghiên cứu mới đây, thị trường về thành phố thông minh trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, y tế, xây dựng, cơ sở hạ tầng, quản trị… trên toàn cầu sẽ có giá trị lên tới 1.500 tỷ USD vào năm 2020. Trên một diện rộng hơn, Internet vạn vật (IoT) cũng như CPS - các hệ thống thực tại ảo hay vật lý ảo đến nay đã chiếm được khoảng trên 32.000 tỷ USD về hoạt động kinh tế. Con số kể trên được dự báo sẽ còn tăng trong tương lai, khi những hệ thống này đem tới những cải thiện, chăm sóc y tế; quản trị về thiên tai hay một loạt vấn đề của sản xuất tiên tiến ở nhiều ngành khác nhau.

Không chỉ đối với kinh tế, việc phát triển thành phố thông minh còn ảnh hưởng, tácđộng trực tiếp đến đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh của một xã hội. Doanh nghiệp thông minh sẽ phải điều chỉnh theo các xu hướng hiện tại để trở nên sáng tạo và thông minh. Thành phố thông minh sẽ trở thành trung tâm sáng tạo trong tương lai và là vườn ươm các doanh nhân thành công.

Đánh giá về buổi tọa đàm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng về đô thị thông minh được tổ chức hôm nay (23/11) tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh, tọa đàm nhằm kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động trong các lĩnh vực về an toàn thông tin, y tế điện tử, điện lưới điện tử với các doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực thành phố thông minh tại Việt Nam. “Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có mặt trong buổi Tọa đàm đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực họ đang hoạt động và họ đang hỗ trợ phát triển các thành phố thông minh tại Mỹ”, ông Ted Osius cho hay.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/cac-nuoc-phat-trien-cung-gap-thach-thuc-khi-xay-thanh-pho-thong-minh-146101.ict