Các nước cũng tranh cãi gay gắt luật sư tố thân chủ

Câu hỏi luật sư nên hay không nên tố giác lại là vấn đề luật học còn gây tranh cãi tại rất nhiều nước có ngành tư pháp phát triển trên thế giới.

Các LS có nhiệm vụ bảo vệ thân chủ trước tòa án, tuy nhiên cũng đồng thời có nghĩa vụ không đưa ra bằng chứng giả mạo trước tòa. Một LS cố ý sử dụng hoặc đưa ra lời khai giả có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia pháp lý trên thế giới cũng xảy ra những tranh cãi gay gắt về nghĩa vụ của một LS đối với khách hàng và trách nhiệm của họ với tư cách là một nhân viên bảo vệ pháp luật của đất nước.

Điển hình là trường hợp của LS Staple Hughes ở bang Bắc Carolina của Mỹ hồi năm 2004 đã gây ra những ý kiến trái chiều trong Hội LS Mỹ. Đứng trước tòa án, LS Staple Hughes cho biết 22 năm trước, khách hàng của ông, người mà bây giờ đã qua đời, đã thú nhận rằng chính ông ta mới là kẻ giết người chứ không phải người đàn ông tên Lee Wayne Hunt đang bị phạt tù chung thân. “Đối với tôi tại thời điểm đó, đạo đức cho phép và bắt buộc tôi phải nói ra sự thật” - tờ The New York Times dẫn lời ông Hughes nói sau đó.

Tuy nhiên, lời khai này của ông đã bị thẩm phán bác bỏ vì cho rằng ông Hughes “đã vượt quá giới hạn nguyên tắc hành nghề”. LS Staple Hughes sau đó đã bị xử lý kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc của một LS. Theo thẩm phán Thompson của Tòa án Cấp cao quận Cumberland ở Fayetteville và một số chuyên gia pháp lý khác, nghĩa vụ giữ bí mật cho khách hàng là rất quan trọng đối với một LS và điều này sẽ không bị xâm phạm cho đến khi qua đời hoặc khi khách hàng đồng ý tiết lộ thông tin. “Các LS không phải là những người cung cấp thông tin bí mật” - ông Stephen Gillers, giáo sư đạo đức pháp lý tại ĐH New York, nói.

Trong khi đó theo The New York Times, một số chuyên gia về đạo đức lại cho rằng các LS được phép tố giác hành vi sai trái của thân chủ của mình để cứu một người vô tội khỏi bị tử hình, hoặc để ngăn chặn một hành vi gây hậu quả nghiêm trọng có khả năng sẽ xảy ra trong tương lai.

Theo đạo luật về đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội LS Mỹ, việc nói dối trước tòa sẽ khiến LS bị kỷ luật hoặc nặng hơn là bị rút giấy phép hành nghề. Điều này đồng nghĩa nếu thân chủ có sai phạm thì LS hoặc không bào chữa nữa hoặc tìm cách không nói về sai phạm đó, chứ không được nói dối.

Bộ quy tắc về đạo đức và ứng xử dành cho các LS Mỹ khuyên rằng nếu một LS biết rằng thân chủ của mình có dự định không trung thực hoặc muốn đưa ra chứng cứ giả trước tòa, LS nên tìm cách thuyết phục thân chủ không làm những hành động đó. Nếu việc thuyết phục không đạt được kết quả, các LS có quyền từ chối biện hộ cho thân chủ. Trong trường hợp vẫn tiếp tục đại diện cho thân chủ, LS phải đảm bảo từ chối cung cấp lời khai và chứng cứ giả trước tòa. Nếu chỉ có một phần lời khai của thân chủ là sai, LS có thể cho phép thân chủ trình bày nhưng không được gợi ý hoặc cho phép thân chủ trình bày phần lời khai sai sự thật đó.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/cac-nuoc-cung-tranh-cai-gay-gat-704938.html