Các nền kinh tế đang phát triển cần tăng cường vùng đệm để đối phó rủi ro

Các nền kinh tế đang phát triển vẫn đóng vai trò là đầu tầu của tăng trưởng toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng sản lượng đang chậm lại, đòi hỏi các nước này phải chú trọng tới các chính sách thúc đẩy tăng năng suất, đồng thời, tăng cường các vùng đệm để đối phó với rủi ro từ Khu vực đồng euro và chính sách tài khóa của Mỹ để có thể lấy lại đà tăng trưởng trước khủng hoảng.

Đây là nhận định tại Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày hôm nay, 21/1.

Theo ông Andrew Burns, Trưởng nhóm Kinh tế Vĩ mô, tác giả chính Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013, mặc dù rủi ro đã giảm khi các thị trường tài chính đã có nhiều cải thiện đáng kể sau động thái Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ đồng euro. Ngay cả tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính ở các nước đang phát triển cũng có dấu hiệu hạ nhiệt khi luồng vốn quốc tế đã lập kỷ lục mới sau khi giảm 30 - 40%% hồi tháng 5 - 6/2012. Thêm vào đó, chênh lệch lãi suất trái phiếu ở các nước đang phát triển (EMBIG) đã giảm 127 điểm cơ bản từ tháng sau, và hiện đã thấp hơn so với mức chênh lệch bình quân trong dài hạn. Thị trường chứng khoán các nước đang phát triển cũng đã tăng 12,6% từ tháng sáu, trong khi thị trường cổ phiếu ở các nước thu nhập cao tăng 10,7%.

Tuy nhiên, khu vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế có phản ứng rất khiêm tốn, sản lượng của các nền kinh tế đang phát triển đã tăng tốc, song bị cản trở bởi mức đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh đều suy yếu ở các nền kinh tế phát triển. Mặc dù những cơn gió ngược từ quá trình tái cơ cấu và thắt chặt tài khóa vẫn đang tiếp tục gây khó khăn cho các nước có thu nhập cao, song tình trạng căng thẳng này sẽ giảm bớt và cho phép tăng trưởng toàn cầu có thể tăng tốc thêm một chút trong vài năm tới. Dự báo của WB cũng cho thấy, tăng trưởng GDP toàn cầu nhìn chung sẽ giữ ở mức 2,4% trong năm 2013, trước khi dần mạnh lên để đạt mức 3,1% vào năm 2014 và 3,3% trong năm 2015. Bên cạnh đó, GDP các nước đang phát triển dự báo sẽ tăng lên 5,5% trong năm 2013, 5,7% năm 2014 và 5,8% năm 2015. Tăng trưởng khu vực đồng Euro dự báo chỉ khôi phục được con số dương vào năm 2014, sau khi đã âm 0,1% vào năm 2013, sau đó lên được mức 0,9% năm 2014 và 1,4% năm 2015. Có thể thấy, tăng trưởng ở các nước thu nhập cao đã bị hạ thấp so với các dự báo trước đó ở mức 1,3% năm 2013, 2% năm 2014 và 2,3% năm 2015.

Tình trạng yếu kém ở các nước có thu nhập cao làm cho tăng trưởng của các nước đang phát triển cũng ảm đạm theo. Để đảm bảo khả năng chống đỡ tốt trước các rủi ro theo chiều hướng xấu, các nước đang phát triển cần dần khôi phục lại các vùng đệm tài khóa và tiền tệ đã suy kiệt, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và an ninh lương thực.

Theo đó, tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự báo tăng 7,9% trong năm 2013 trước khi bình ổn ở mức 7,5% cho đến năm 2015, trong đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm 2013, sau đó giảm xuống 7,9% cho đến năm 2015. Nếu không tính Trung quốc, tăng trưởng của khu vực dự báo đạt trung bình 5,9% trong giai đoạn 2013 - 2015.

GDP của khu vực châu Mỹ Latin và Caribe với một môi trường chính sách điều hòa hơn, luồng vốn mạnh hơn, đặc biệt là FDI và cầu bên ngoài mạnh hơn sẽ giúp cho nền kinh tế khu vực tăng trưởng lên mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2013 - 2015.

Đáng chú ý, tăng trưởng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình bất trắc về chính trị và mất ổn định ở một số quốc gia với dự báo giảm xuống còn 3,4% trong năm 2013, sau đó tăng lên 4,3% trong năm 2015.

Còn ở Nam Á, GDP khu vực dự báo sẽ tăng 5,7% trong năm 2013, 6,4% năm 2014 và 6,7% năm 2015 dưới ảnh hưởng của những cải cách chính sách ở Ấn Độ, hoạt động đầu tư nhộn nhịp hơn, cầu xuất khẩu được cải thiện, cụ thể, tăng trưởng ở Ấn Độ dự báo sẽ tăng 6,5% trong năm tài khóa 2013, và đến năm 2015 tăng lên 7,3%.

(HTH)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/cac-nen-kinh-te-dang-phat-trien-can-tang-cuong-vung-dem-de-doi-pho-rui-ro/20131/127348.dfis