Các lực lượng nào tham gia chiến dịch tái chiếm Mosul?

Tối 16-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi đã xuất hiện trên truyền hình cùng các tướng lĩnh quân đội. Ông long trọng tuyên bố quân đội Iraq đã bắt đầu chiến dịch tái chiếm Mosul.

Mosul có đông đảo dân là tín đồ dòng Sunni. Bởi thế để trấn an người dân về nguy cơ xung đột tôn giáo, Thủ tướng Haidar al-Abadi bảo đảm lực lượng chỉ đạo chiến dịch là quân đội và cảnh sát Iraq đồng thời chỉ có lực lượng này tiến vào Mosul. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố chiến dịch này là đòn quyết định đối với IS và Mỹ tin tưởng các đối tác Iraq sẽ chiến thắng.

Mosul - TP lớn thứ hai của Iraq - là pháo đài cố thủ cuối cùng của IS ở Iraq. Mosul đã bị IS chiếm đóng khá dễ dàng vào tháng 6-2014 một phần bởi dân địa phương không tin tưởng quân đội Iraq do dòng Shiite cầm đầu. Hiện có 3.000-9.000 quân IS trong TP.

Tham gia chiến dịch giải phóng Mosul có nhiều thành phần như sau:

Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu chắc chắn giữ vai trò yểm trợ chiến dịch. Về phía chính phủ có các thành phần gồm quân đội Iraq; cảnh sát Iraq (gồm cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát bán quân sự của trung ương và cảnh sát địa phương); lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố đi đầu trong các trận đánh quyết định chống IS.

Liên quân bán quân sự Hashd al-Sha’bi (Các Đơn vị động viên nhân dân) mới thành lập năm 2014 theo dòng Shiite. Nhóm mạnh nhất trong liên quân là Ketaeb Hezbollah (Đạo quân bên Thượng đế) do Iran hậu thuẫn. Iran cung cấp cố vấn và yểm trợ một số lực lượng đánh IS ở Iraq. Ngoài ra còn có lực lượng dân quân người Kurd hoạt động tự do và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại một căn cứ quân sự gần Mosul.

Chiến dịch tái chiếm Mosul có thể là trận đánh lớn nhất ở Iraq kể từ khi quân đội Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003. Từ nhiều tháng nay, các lực lượng Iraq đã củng cố các vị trí xung quanh Mosul và mới đây tái chiếm TP Qayyarah cách Mosul 60 km, bước đệm cho chiến dịch tái chiếm Mosul.

Trả lời kênh truyền hình France 24, chuyên gia Fabrice Balanche nhận định chiến dịch tái chiếm Mosul sẽ diễn ra hết sức khó khăn. Như trong chiến dịch tái chiếm Manbij (Syria) hồi tháng 8 vừa qua, lực lượng người Kurd phải mất sáu tháng chuẩn bị.

Sau khi chiếm đóng Mosul, quân IS chắc chắn đã xây dựng các vị trí phòng thủ kiên cố. Chúng cũng sẽ sử dụng dân làm lá chắn sống. Nếu liên minh quốc tế muốn hạn chế thiệt hại về dân thường thì sẽ phải xoay xở khó khăn. Giải pháp cuối cùng chỉ có thể là mở một hành lang cho quân IS thoát ra để tránh tình trạng chúng cố thủ đến cùng. Chiến dịch Manbij cũng đã áp dụng giải pháp này.

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/cac-luc-luong-nao-tham-gia-chien-dich-tai-chiem-mosul-659163.html