Các loại rau, củ quả bà bầu nên tránh

Ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình mang thai của phụ nữ. Có những loại rau, củ quả rất tốt cho thai phụ nhưng cũng có những loại nên tránh. Những loại nên tránh là:

Rau chùm ngây: Chùm ngây (ảnh) có tên khoa học là Moringa oleifera. Trong chùm ngây có alpha-sitosterol gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Vì thế các nhà khoa học nhắc nhở “phụ nữ có thai không được ăn rau chùm ngây”. Các siêu thị, các chợ nếu bán loài rau này phải ghi rõ “Không dùng cho phụ nữ có thai” để tránh hậu quả đáng tiếc. Rau chân vịt: Nhiều phụ nữ cho rằng ăn rau chân vịt để tránh nguy cơ bị thiếu máu. Sự thật không phải như vậy. Theo một nghiên cứu mới đây tại Nhật Bản, rau chân vịt làm tình trạng thiếu máu nặng thêm. Nguyên nhân do rau chân vịt có nhiều acid trong cỏ, làm cho chất sắt của nó không được ruột non hấp thụ, thậm chí còn bị đẩy ra khỏi cơ thể. Ăn rau chân vịt càng nhiều càng gây trở ngại cho việc thu chất sắt khiến tình trạng thiếu máu nặng thêm. Măng: Trong măng (đặc biệt là măng tươi) có độc chất glucozit sinh acid xyanhydric, khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, gặp chất chua glucozit bị thủy phân và giải phóng acid xyanhydric (HCN). Chính acid này gây ngộ độc, nôn mửa, giống như khi bị ngộ độc sắn. Phụ nữ mang thai thường được khuyên không nên ăn. Nhưng nếu thèm quá, thỉnh thoảng có thể ăn nhưng phải luộc chín với nhiều nước. Chỉ ăn măng đã luộc chín, bỏ nước luộc đi. Trái nhãn: Theo Đông y, trái nhãn tính ôn, vị ngọt, rất dễ trợ hỏa bởi vậy sẽ có hại cho thai phụ, gây tăng nhiệt cho thai, dễ gây ra khí huyết không điều hòa, làm cho vị khí ngược lên, dẫn đến nôn mửa. Phụ nữ khi có thai phần lớn xuất hiện âm hỏa hư, có triệu chứng nóng trong và thường có các hiện tượng như táo bón, tiểu tiện đỏ xẻn, rêu lưỡi khô và vàng, miệng đắng, họng rát. Nếu ăn long nhãn chẳng những không có tác dụng bồi bổ, ngược lại còn làm tăng nóng trong, động huyết động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sẩy thai, đặc biệt là phụ nữ có thai thời kỳ đầu đến bảy, tám tháng càng phải kiêng ăn long nhãn. Thế nhưng sản phụ sau khi sinh con mà ăn long nhãn hoặc uống nước long nhãn thì lại rất tốt. Sản phụ sau sinh nếu xuất hiện các triệu chứng váng đầu, chóng mặt hoa mắt, vã mồ hôi, mạch nhỏ, lưỡi nhạt (hiện tượng huyết hư khí thoát) có thể ăn cháo nóng nấu với long nhãn, nhân sen, hồng táo và gạo nếp sẽ có tác dụng ích khí bổ huyết. Nếu sản phụ có hiện tượng phù nhẹ, uống nước long nhãn còn có tác dụng điều trị tích cực. Cũng có thể hầm gà với một chút long nhãn. Trái sơn tra (táo mèo): Sơn tra giá trị dinh dưỡng cao, lại có chức năng tiêu hóa thức ăn và khai vị rất hiệu quả. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều loại quả này. Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu cho biết sơn tra làm hưng phấn tử cung, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, gây sẩy thai và đẻ non. Đu đủ xanh: Có nhiều nghiên cứu cho thấy đu đủ xanh hoặc hường có chứa rất nhiều enzyme và mủ, có thể gây nên sự co thắt tử cung, gây sẩy thai. Mặc dù vậy, đu đủ xanh hầm với móng giò lại là món ăn lợi sữa đối với phụ nữ sau khi sinh. Củ khoai tây nảy mầm: Ở phần mầm và chân mầm khoai tây chứa độc tố solanen (độc tố này chủ yếu tồn tại trong các thực phẩm nảy mầm hay thối). Hàm lượng solanen trong mầm non mỗi cân khoai tây có thể lên đến 5.200 mg. Sau khi hấp thụ solanen vào máu sẽ hòa tan máu và có thể làm tê liệt các hoạt động, tê liệt hệ hô hấp, gây kích thích niêm mạc dạ dày và dễ gây tử vong. Phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều khoai tây chứa kiềm sinh vật cao, tích trữ trong cơ thể có thể gây dị dạng thai nhi sau này. Nước dừa: Trong thời gian ba tháng đầu mang thai, phụ nữ không nên uống nước dừa thường xuyên bởi mặc dù có tác dụng tốt nhưng nước dừa có tính hàn, dễ gây lạnh bụng, ảnh hưởng đến thai nhi. Khi bước qua tháng thứ sáu, thai phụ có thể bắt đầu uống nước dừa đều đặn hằng ngày. Lúc này, nước dừa có tác dụng bổ sung lượng chất lỏng và muối bị hao hụt trong cơ thể, có tác dụng tốt cho ối thai phụ. Gừng, ớt: Hai loại củ, quả này có tính nóng khá cao, nếu thai phụ ăn nhiều dễ mắc bệnh táo bón. Nguy hiểm hơn, gừng dễ gây mỏng mạch máu, máu đóng cục, đau cơ… Vì thế, thai phụ không nên ăn gừng, ớt quá thường xuyên. NHẬT LINH (tổng hợp)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110824103119640p1060c1104/cac-loai-rau-cu-qua-ba-bau-nen-tranh.htm