Các loại hình thiên tai diễn biến bất thường, vượt xa dự báo

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai (22/5/1946 - 22/5/2017), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống thiên tai T.Ư cho biết, các loại hình thiên tai diễn ra bất thường, vượt xa khỏi những dự báo.

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban T.Ư hộ đê, tiền thân của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai ngày nay. Từ đó đến nay, ngày 22/5 hàng năm đã trở thành một ngày đầy ý nghĩa, mang tính lịch sử và truyền thống đối với sự nghiệp phòng, chống thiên tai ở Việt Nam.

Mưa lớn gây ngập úng rau màu tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức tháng 5/2016.

Việt Nam được đánh giá là một trong số 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xảy ra liên tục dồn dập trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, tính mạng, tài sản của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Riêng trong năm 2016, nước ta phải hứng chịu 20 loại hình thiên tai trong tổng số 21 loại hình thiên tai trên thế giới, trừ sóng thần.
Ngay từ đầu năm 2017, nhiệt độ ấm bất thường, mưa lớn xảy ra trên khắp các vùng miền, nhiều khu vực bờ sông, bờ biển, cửa sông đã và đang xảy ra sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của Nhân dân. Chính vì vậy, nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong thời gian tới cũng đang đứng trước những thách thức lớn, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục có những diễn biến bất thường, trái quy luật.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Ngày truyền thống phòng chống thiên tai (22/5) nhắc nhở chúng ta là thiên tai xảy ra thường xuyên không trừ một vùng nào trên cả nước và với mức độ ngày càng khắc nghiệt. Do đó, mọi tổ chức từ khu vực Nhà nước, xã hội và toàn dân cần luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đưa ra các hoạt động ứng phó phù hợp nhất. Đây cũng là dịp để các cấp chính quyền có kế hoạch rút kinh nghiệm qua từng năm, lựa chọn phương án tốt nhất và thông tin để người dân ý thức được trách nhiệm của mình, phối hợp với hệ thống chính trị, cùng với toàn xã hội trong công tác phòng chống thiên tai. “Thông qua đây Việt Nam cũng muốn gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ chung sức với Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai đảm bảo phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai T.Ư cũng cho hay, tác động biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn lực rất lớn nhưng hiện nguồn lực đầu tư của chúng ta chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Năm 2016, tổng kinh phí T.Ư đầu tư cho công tác ứng phó với thiên tai khoảng 5.600 tỷ đồng, chưa tính đến các công trình đầu tư thiết chế hạ tầng khác. Để nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải rút ra kinh nghiệm, rà soát, tổng kết và đánh giá lại qua đó nêu cao tinh thần cảnh giác, bổ sung kịp thời vào các chiến lược đề án phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Phòng chống thiên tai là công việc của toàn dân, toàn xã hội để góp phần giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, Ban chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành. Trong đó nhấn mạnh, theo dự báo thời gian tới tình hình thiên tai sẽ xảy ra ngày càng phức tạp, khó lường và dữ dội hơn, đặt ra nhiều thách thức cho đất nước. Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, lực lượng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, đoàn kết hiệp đồng trong phòng chống thiên tai, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/neu-cao-tinh-than-canh-giac-voi-thien-tai-288658.html