Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lao động bị xử phạt như thế nào?

ND- Bộ Tư pháp: Phạt tiền từ ba triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính.

Phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng đối với các hành vi: áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật. Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. * Những hành vi bị cấm trong sử dụng nhà ở cho sinh viên thuê? Bộ Xây dựng: Những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà ở cho sinh viên thuê: Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở sinh viên; chuyển nhượng, chuyển đổi hoặc cho thuê lại phần diện tích đã thuê; đưa người khác vào ở trong phòng ở thuê của mình; tiếp khách trong phòng quá giờ quy định; tạo ra hoặc tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, pháo nổ, chất nổ, chất gây cháy, hóa chất độc hại; tạo ra hoặc tàng trữ, sử dụng dưới mọi hình thức các chất ma túy và các chế phẩm độc hại; tàng trữ, lưu hành hoặc truyền bá phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc và các văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh theo quy định của pháp luật; tổ chức hoặc tham gia các hoạt động đánh bạc, số đề, mại dâm dưới bất cứ hình thức nào; có hành động, tác phong thiếu văn hóa; tụ tập gây rối mất trật tự trị an dưới bất kỳ hình thức nào; gây ô nhiễm môi trường; gây tiếng ồn vượt quá mức quy định; cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian phần sử dụng chung; phá hoại hoặc tự ý sử dụng diện tích sử dụng chung, tài sản công trong khu nhà ở trái mục đích quy định; nuôi gia súc, gia cầm trong phòng ở, khu nhà ở. * Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất giống vật nuôi? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phải bảo đảm chất lượng con giống theo tiêu chuẩn hiện hành hoặc tiêu chuẩn do các cơ sở sản xuất giống vật nuôi công bố. Thường xuyên chọn lọc, loại thải, bảo đảm chất lượng đàn giống, giống gốc trước khi sản xuất bán con giống. Thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các tiêu chuẩn đã công bố. Thực hiện kiểm dịch đầy đủ trước khi xuất bán con giống. Cơ sở sản xuất giống không công bố tiêu chuẩn chất lượng, không thực hiện kiểm dịch thì không được phép xuất bán con giống ra thị trường. Không được xuất bán con giống khi trong vùng, cơ sở có dịch thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi có dấu hiệu dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phải báo ngay cho cơ quan thú y sở tại và thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. * Quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn? Bộ Tài chính: Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn được quy định như sau: + Đối với chất thải rắn thông thường phát thải từ hoạt động của cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề là không quá 40.000 đồng/tấn. + Đối với chất thải rắn nguy hại không quá 6.000.000 đồng/tấn. + Trường hợp cần thiết, tùy tính chất, đặc điểm của từng loại chất thải rắn, từng địa bàn và từng loại đối tượng nộp phí, địa phương được quy đổi mức thu phí tính theo đơn vị m3 từng loại chất thải rắn hoặc theo từng đối tượng nộp phí cụ thể hoặc theo đơn vị tính khác, nhưng phải bảo đảm mức thu cụ thể của từng loại chất thải rắn không vượt quá mức thu nêu trên.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=156816&sub=54&top=37