Các địa phương xử lý rốt ráo thủy điện vi phạm do VietnamPlus phản ánh

Sau loạt bài “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc," do VietnamPlus đăng tảỉ, cơ quan chức năng các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các thủy điện sai phạm.

Dự án Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang thi công một số hạng mục khi chưa có ĐTM. (Ảnh: H.C/Vietnam+)

Liên quan đến nội dung loạt bài thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã được Báo điện tử VietnamPlus phản ánh, mới đây, cơ quan chức năng các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các dự án thủy điện vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng do thủy điện gây ra.

Hà Giang dừng toàn bộ hoạt động thi công thủy điện Sông Lô 2

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Hoàng Văn Nhu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi báo chí phản ánh việc dự án thủy điện Sông Lô 2 thi công “vượt đèn đỏ,” khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động thi công của dự án.

Dự án do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, cách trung tâm tỉnh Hà Giang khoảng 15 km. Dự án này khởi công từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt ĐMT từ ngày 13/1/2010.

Tuy nhiên, do công trình điều chỉnh quy mô (từ 27 MW lên 28 MW) nên theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại ĐTM, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt mới được triển khai thi công. Vậy nhưng, từ năm 2015 đến nay, dự án này vẫn thi công theo ĐTM cũ được phê duyệt bởi Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Trên cơ sở đó, ngày 23/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức khảo sát địa điểm thực hiện dự án điều chỉnh thủy điện Sông Lô 2. Tại thời điểm khảo sát, chủ đầu tư đang thi công hạng mục đê bao bờ trái và đê bao bờ phải, đây là hai hạng mục thuộc phạm vi của dự án điều chỉnh, nhưng chưa được phê duyệt ĐTM. Hành vi này vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Từ kết quả kiểm tra, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 3488/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình, yêu cầu dừng ngay toàn bộ hoạt động thi công xây dựng dự án thủy điện Sông Lô 2; xử lý các vi phạm và yêu cầu chủ đầu tư dự án khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình dừng toàn bộ hoạt động thi công dự án thủy điện Sông Lô 2; đồng thời xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Nhà máy thủy điện Bản Rạ, tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cao Bằng: Thủy điện Bản Rạ đã đền bù thiệt hại cho người dân

Cũng liên quan đến nội dung trong loạt bài “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc,” Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc (chủ đầu tư Nhà máy ) chi trả dứt điểm tiền đền bù thiệt hại hoa màu (do nhà máy gây ra) cho người dân xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Thời gian hoàn thành trước 30/6/2017.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, mới đây, Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc đã tiến hành chi trả đền bù sản lượng hoa màu bị thiệt hại hai năm 2013, 2014 cho các hộ nhân dân bị thiệt hại, số tiền gần 800 triệu đồng. Tổng cộng cả 3 năm số tiền doanh nghiệp này đã chi trả là hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc tổ chức thi công xây dựng cầu Bản Mom, hoàn thành dứt điểm các tuyến mương còn lại theo đúng cam kết, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, thời gian hoàn thành trước ngày 30/10/2017.

Trước khi thi công, chủ đầu tư phải trình hồ sơ thiết kế cầu lên cấp có thẩm định, phê duyệt theo quy định; đồng thời chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh, Ủy ban Nhân dân xã Đàm Thủy và người dân để đầu tư xây dựng, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Nếu đến mốc thời gian nêu trên, phía Công ty cổ phần thủy điện Đông Bắc vẫn không chấp hành theo cam kết, tỉnh sẽ tiếp tục có chế tài xử lý,” ông Lê Hải Hòa - Phó Chánh Văn phòng, phụ trách Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng nói.

Riêng với dự án thủy điện Hoa Thám (5,8MW) do Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Năng lượng Đông Bắc làm chủ đầu tư, triển khai thi công trên địa bàn huyện Nguyên Bình từ năm 2007 và tạm dừng thi công từ tháng 11/2011, do chủ đầu tư thiếu vốn.

Dự án Thủy điện Hoa Thám có tổng mức đầu tư dự kiến trên 200 tỷ đồng, trong đó 70% sử dụng vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Cao Bằng (chủ đầu tư đã vay tổng cộng gần 59 tỷ đồng). Từ năm 2004 đến nay, Công ty này đã thay đổi 8 lần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nhiều lần thay đổi lãnh đạo, giám đốc…

Dự án Thủy điện Suối Mu xây dựng tại khu vực Thác Mu, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Trả lời về hướng xử lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đối với dự án thủy điện Hoa Thám sẽ được triển khai thế nào, ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết: Tại cuộc họp ngày 28/7 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã đồng ý cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Bắc tiếp tục đầu tư thi công dự án. Nhưng đồng thời phải cam kết thực hiện đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành trong quý ba năm 2018. Sở Công Thương, Sở Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm giám sát tiến độ thực hiện của chủ đầu tư.

Hòa Bình rà soát, xử lý thủy điện Suối Mu thi công "vượt đèn đỏ"

Liên quan đến thông tin dự án (công suất 9MW) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư, đã triển khai thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa có Giấy phép xây dựng hơn một năm trời, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan vào cuộc kiểm tra xử lý.

Dự án Thủy điện Suối Mu khởi công xây dựng ngay trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn từ đầu năm 2016. Theo khảo sát của phóng viên, đến tháng 7/2017, dự án này đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công trình.

Lý giải về việc dự án thủy điện Suối Mu thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, ông Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho biết, chức năng của đơn vị chỉ là thẩm định hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng. Theo trình tự, khi chủ đầu tư gửi toàn bộ hồ sơ đảm bảo các yêu cầu trong hồ sơ thì Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Còn việc xử lý thuộc về địa phương.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Sơn lại cho rằng, chính quyền địa phương không có chức năng giám sát, kiểm tra hay xử phạt những vấn đề sai phạm của dự án thủy điện Suối Mu vì đây là dự án được triển khai theo chủ trương của tỉnh.

Tiếp tục liên hệ với ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ông Khánh cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã đề nghị các đơn vị chức năng (như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây Dựng, Sở Công Thương) rà soát, kiểm tra các sai phạm của thủy điện Suối Mu như thông tin báo chí phản ánh.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ thông tin báo cáo từ các đơn vị chuyên môn,” ông Khánh nói./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://vietnamplus.vn/cac-dia-phuong-xu-ly-rot-rao-thuy-dien-vi-pham-do-vietnamplus-phan-anh/459736.vnp