Các địa phương nên công bố dịch sốt xuất huyết

Các địa phương nên công bố dịch từ đó mới tạo được sự đồng lòng của cả cộng đồng trong công tác phòng chống dịch.

Đây là khuyến cáo của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 11/8.

Nhiều địa phương tăng cường chiến dịch phun thuốc muỗi phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trên cả nước, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay công tác phòng chống dịch của ngành Y tế vẫn chưa hiệu quả, trong đó nổi lên nghi vấn muỗi Ades truyền bệnh đã kháng lại hóa chất diệt muỗi đang sử dụng. Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân cho rằng đã có những cách thực hiện chưa đúng trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Đó là việc phun hóa chất không đúng giờ, pha hóa chất không đúng cách, phun không đúng mục tiêu, phun qua loa cho xong việc và trước khi phun không tiến hành diệt lăng quăng, giảm mật độ lăng quăng tại khu vực phun. “Nếu không giảm mật độ lăng quăng xuống, sau 6-7 ngày, lăng quăng đó sẽ nở ra muỗi và muỗi lại nhiều như cũ chứ không phải là do muỗi kháng với hóa chất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân nhận định.

Về việc công bố dịch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân kiến nghị các địa phương khi công bố dịch cần công bố những thông tin quan trọng như: Tên bệnh, thời gian, phạm vi, quy mô để người dân biết nơi nào có dịch, nguyên nhân phát sinh dịch, các đường lây truyền, tính nguy hiểm, biện pháp phòng chống dịch, nơi điều trị… Việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch là quan trọng nhất bởi nếu không có biện pháp phòng chống đồng nhất sẽ dễ xảy ra những hiểu lầm về cách thức phòng chống trong người dân. Ví dụ, có ý kiến cho rằng, vi rút sốt xuất huyết Duegue sẽ chết nếu quá nóng, do đó trong thời gian bị bệnh sốt xuất huyết không cần phòng chống, bảo vệ. Tuy nhiên, vi rút Duegue sẽ chết sau 30 phút nếu ở nhiệt độ 56 độ C và chết sau 1-2 phút trong môi trường 100 độ C. Như vậy, trong suốt quá trình bệnh phát tác, cần bảo vệ, phòng chống muỗi đốt cho người bệnh vì đây chính là nguồn lây cho cả cộng đồng.

Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 69.085 trường hợp nhập viện, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 10/8 có hơn 12.200 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: Sử dụng hệ thống GIS xác định và khoanh vùng ổ dịch; giám sát các điểm nguy cơ; tổ chức và duy trì các đội xung kích diệt lăng quăng tại các khu dân cư và tăng cường xử phạt theo Nghị định 176 các trường hợp vi phạm để phát sinh ổ dịch, phát sinh ổ lăng quăng trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay, Thành phố đã xử phạt 98 trường hợp vi phạm.

Đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc kéo giảm số ca mắc sốt xuất huyết, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đề nghị Thành phố kêu gọi người dân cùng chung tay với ngành Y tế, mỗi tuần dành 10 phút dọn dẹp vệ sinh trong nhà, xung quanh khu vực mình sinh sống, loại bỏ vật chứa nước có phát sinh lăng quăng để phòng ngừa sốt xuất huyết cho chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cac-dia-phuong-nen-cong-bo-dich-sot-xuat-huyet/53695.html