Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4

Bão số 4 đổ bộ trực tiếp vào đất liền đi qua tỉnh Quảng Trị khiến địa phương này phải gánh chịu thiệt hại nặng nề với hàng nghìn ha cây công nghiệp, cây lâu năm cùng hoa màu bị hư hại nặng, hàng trăm nhà dân bị tốc mái. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 4.

Vườn cao su bị đổ gãy tại xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, bão số 4 khiến 300 nhà dân bị tốc mái, nhà chợ cá trong cảng cá Cửa Tùng bị tốc mái hoàn toàn và hư hỏng nặng; 300 m kè ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh bị sạt lở nặng; 213 lều quán kinh doanh, cơ sở chế biến thủy sản của huyện Vĩnh Linh bị tốc mái, hư hại nặng; hơn 900 ha lúa bị ngập úng, tập trung ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Đông Hà; hơn 300 ha cao su bị đổ gãy từ 30-50% chủ yếu tập trung tại các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh…

Huyện Triệu Phong là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 4 với trên 600 ha lúa bị ngập sâu trong nước từ 30-50cm, 321 ha hoa màu bị hư hại nặng, 31 nhà dân bị tốc mái...

Ông Phan Quang Giải - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: Dù trời đã ngừng mưa nhưng cánh đồng lúa của các xã Triệu Ái, Triệu Sơn, Triệu Trung… vẫn đang chìm sâu dưới nước. Diện tích lúa này đang thời kỳ trổ bông, nếu bị ngập lâu trong nước, nguy cơ mất trắng. Địa phương đang tập trung phương án tiêu úng kịp thời để cứu lúa. Riêng tại đê ngăn mặn Vĩnh Yên, xã Triệu Phước đã tiến hành mở 12 cửa xả để thoát nước...

Trong sáng 26/7, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đã đi kiểm tra một số địa phương bị thiệt hại nặng khác như Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần gấp rút hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây bị gãy đổ, kịp thời tiêu úng cho diện tích lúa bị ngập nước…, giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Cánh đồng lúa bị ngập sâu trong nước của xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh), những ngày qua, ảnh hưởng mưa bão khiến gần 4.800 ha lúa hè thu chủ yếu ở giai đoạn đòng trổ và chín trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đổ ngã.

Cụ thể, huyện Tiểu Cần có khoảng 2.323 ha lúa bị đổ ngã, huyện Cầu Ngang bị đổ ngã 992 ha từ, huyện Cầu Kè gần 900 ha bị đổ ngã; huyện Càng Long có 340 ha bị đổ ngã và huyện Châu Thành bị đổ ngã 197 ha.

Ông Nguyễn Hữu Nê, cán bộ Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, lúa bị đổ ngã tùy tỷ lệ diện tích sẽ làm giảm năng suất lúa. Ở Trà Vinh, đa phần lúa bị đổ ngã chiếm 10 - 30%.

Tuy nhiên theo dự báo, những ngày tới, mưa bão, triều cường diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, lúa vừa chín tới là triển khai thu hoạch ngay; đối với các diện tích bị đổ ngã, nông dân cần bơm rút nước thường xuyên, tránh ngập úng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, các xí nghiệp vận hành hệ thống cống đầu mối hợp lý để chủ động tiêu úng, bảo vệ sản xuất cho người dân.

Tuy diện tích lúa hè thu đổ ngã ảnh hưởng không đáng kể đến năng suất lúa nhưng hơn 10 ngày nay giá lúa tươi giống chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giảm 200 - 300 đồng/kg. Theo một số thương lái, nguyên nhân chính khiến giá lúa giảm là do nhiều diện tích đổ ngã làm giảm chất lượng lúa, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vụ lúa hè thu 2017, nông dân tỉnh Trà Vinh xuống giống khoảng 74.000 ha, đạt 95% kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh thu hoạch hơn 9.000 ha, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha.

Thanh Thủy - Thanh Hòa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/cac-dia-phuong-khac-phuc-hau-qua-mua-bao-20160913121208885.htm