Các dạng câu hỏi thường gặp và gợi ý cách làm bài đọc hiểu

Cô Lê Thị Băng Tuyền và Nguyễn Thị Hồng Phấn (Trường THPT Mạc Đĩnh, Châu Thành, Bến Tre) chia sẻ Đề cương ôn luyện phần lý thuyết đọc hiểu biên soạn từ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy. Trong đó chia sẻ cụ thể các dạng bài thường gặp và gợi ý cách làm bài.

Phần đọc - hiểu văn bản thường gặp các dạng câu hỏi sau:

Dạng 1: Xác định chủ đề, nội dung chính của văn bản

Gợi ý cách làm bài: Xác định chủ đề phải căn cứ vào các từ ngữ lặp đi, lặp lại nhiều lần; mối liên hệ, gắn kết giữa các ý, các vế, các câu (cùng nói về vấn đề gì, nhấn mạnh điều gì ?)

Dạng 2: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ (BPTT)

Gợi ý cách làm bài: Câu trả lời phải nêu được các ý:

Tên gọi của BPTT? BPTT đó thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh, cách nói nào? (chỉ rõ biểu hiện, minh chứng).

Nêu tác dụng của việc sử dụng BPTT trong văn bản (Đây là nội dung khó trình bày. HS cần bám sát văn bản vì sử dụng BPTT chủ yếu là làm nổi bật nội dung chính của văn bản).

Một số kiến thức bổ trợ - các BPTT thường gặp:

BPTT ngữ âm: Tạo nhịp điệu và âm hưởng cho câu văn, câu thơ; Điệp âm: một phụ âm đầu được lặp lại nhiểu lần; Điệp vần: một vần được lặp lại; Điệp thanh: một dấu thanh được lặp lại; Hài thanh: sự hài hòa, linh hoạt trong việc phối hợp các thanh điệu.

Tác dụng chung của các BPTT này là làm cho câu văn, câu thơ có sự nhịp nhàng, trầm bổng, có những hiệu ứng, cảm giác về âm thanh, tạo tính nhạc, khơi gợi cảm xúc .

Các biện pháp tu từ từ vựng:

Nhân hóa: (biến thành, trở nên như con người) lấy những từ ngữ chỉ tâm trạng, suy nghĩ của con người để dùng cho những sự vật vô tri vô giác (đồ vật, con vật, cây cỏ...)

Ví dụ Cứ thế, hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng... (Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành- SGK Ngữ Văn 12 , tập 2)

Câu văn sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa,cây xà nu biết "ưỡn ngực, che chở" cho con người, làm cho cây xà nu trở nên thân thiết gần gũi, không còn là nạn nhân của mưa bom bão đạn mà đã trở thành lá chắn che chở cho dân làng.

Từ đó , thấy được sự anh dũng hiên ngang của xà nu như những người anh hùng bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước. Câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn.

So sánh: đối chiếu hai sự vật, hai hình ảnh với nhau, thường có các từ ngữ so sánh: như, tựa, bằng... theo mô hình "A như B".

Ví dụ: Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành tùng đám mây vẩn trên nền trời như những đám mây đen. (Vợ nhặt- Kim Lân)

Câu văn sử dụng thủ pháp so sánh "đàn quạ" với “đám mây đen”, có tác dụng gợi tả không khí chết chóc, tâm tối, u ám trong nạn đói; gợi lên sự thê lương, buồn bã trong lòng người, làm cho câu văn sinh động và hấp dẫn.

Ẩn dụ: (so sánh ngầm) Dùng sự vật này để chỉ sự vật kia, giữa chúng có điểm giống nhau (tương dồng) nhưng đã ẩn đi vế được so sánh (vế A).

Ví dụ: "Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt" (Đàn ghi ta của Lorca- Thanh Thảo-)

Câu thơ sử dụng BPTT ẩn dụ ở hình ảnh "áo choàng đỏ gắt ". Thanh Thảo dùng hình ảnh này để gợi lên không khí căng thẳng của đấu trường đấu bò tót và sự ngột ngạt, nặng nề, căng thẳng của đấu trường chính trị mà Lorca đang dấn thân vì các đấu trường này có nét giống nhau: đều căng thẳng, gay go, nhiều thách thức đòi hỏi người tham gia phải dũng cảm, táo bạo, bản lĩnh.

(Nói đầy đủ: Đấu trường chính trị, nghệ thuật cũng căng thẳng, ngột ngạt như đấu trường đấu bò tót, nhưng vế đấu trường chính trị, nghệ thuật đã ẩn đi).

Hoán dụ: dùng sự vật hình ảnh này để chỉ hình ảnh, sự vật khác và gữa chúng có quan hệ gần gũi (tương cận), thường đi kèm với nhau.

Ví dụ: "Áo chàm đưa buổi phân li/ Cầm tay nhau, biết nói gì hôm nay" (Việt Bắc-Tố Hữu)

Câu thơ sử dụng BPTT hoán dụ ở hình ảnh "áo chàm"(vế B), dùng hình ảnh này để chỉ người dân Việt Bắc (vế A) (đồng bào miền núi ở Việt Bắc thường mặc áo được nhuộm bởi lá chàm), gợi tả sự mộc mạc mà keo sơn, bền bỉ (áo được nhuộm bởi lá chàm rất khó nhạt màu, bền và chắc).

Lưu ý: Cách phân biệt ẩn dụ và hoán dụ: Trước hết là xác định được hai vế A và vế B. Nếu hai vế này đặt được vào mô hình so sánh "A như B" nhưng ẩn đi vế A thì đó là ẩn dụ. Không đặt được vào mô hình A như B là hoán dụ .

Chẳng hạn: Người cha mái tóc bạc / Đốt lửa cho anh nằm" (Đêm nay Bác không ngủ- Minh Huệ)

Trong câu thơ này Bác Hồ (vế A) được so sánh vời người cha (vế B) vì Bác cũng dành tình thương bao la vô bờ bến cho các anh bộ đội, cho nhân dân như tấm lòng người cha dành cho con. Ta có thể đặt vào cấu trúc "A như B" nhưng vế A đã ẩn đi (ngầm); thì đó là ẩn dụ.

Hoặc: " Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành" (Tây Tiến- Quang Dũng)

Áo bào là hình ảnh gợi tả sự trang trọng, oai hùng của người lính, họ như những dũng tướng thời xưa khoác áo bào xông pha trận mạc. Áo là trang phục hằng ngày gần gũi với người lính (tương cận). Ta không thể đặt vào mô hình: A như B

(không thể viết: Người lính Tây Tiến như áo bào) nên đây là BPTT hoán dụ.

Nói giảm, nói tránh: sử dụng cách nói nhẹ nhàng, tế nhị làm giảm mức độ nặng nề của vấn đề .

Ví dụ: "Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành" (Tây Tiến- Quang Dũng)

Câu thơ sử dụng BPTT nói giảm nói tránh ở cụm từ "anh về đất": chỉ sự hi sinh, đau thương, mất mác nhưng sắc thái nhẹ nhàng, đó chỉ là sự trở về với lòng đất mẹ, được đất mẹ ôm ấp, vỗ về.

Đất mẹ trường tồn, linh hồn, tên tuổi các anh cũng trường tồn cùng đất mẹ anh hùng, xương máu các anh đã hòa vào lòng đất góp phần vào việc giữ gìn bảo vệ, đất nước.

Nói quá (thậm xưng, ngoa ngữ, cường điệu, phóng đại): cách nói quá sự thật nhằm một dụng ý nhất định như: nhấn mạnh, tạo ấn tượng, mỉa mai ...

Ví dụ : "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" (Tây Tiến - Quang Dũng)

Câu thơ nói quá ở cụm từ "không mọc tóc " nhằm gây ấn tượng về vẻ ngoài của những chàng trai Tây Tiến.Thời đó, bệnh sốt rét rừng hoành hành, làm người lính xanh xao, tiều tụy và tóc không mọc lại được.

Cách nói "không mọc tóc" như không cần đến tóc và điều đó đã tạo một nét riêng cho gười lính Tây Tiến. Từ đó còn cho thấy tinh thần lạc quan, hài hước trẻ trung đối mặt với gian khổ, thiếu thốn.

Điệp từ, điệp ngữ: Trong một câu, một đoạn văn, thơ có một hay nhiều từ ngữ được lặp lần nhiều lần (ít nhất là hai lần).

Ví dụ: " Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi" (Tây Tiến - Quang Dũng)

Câu thơ sử dụng điệp từ "nhớ" hai lần nhằm nhấn mạnh, khắc sâu nỗi nhớ của Quang Dũng về đoàn quân Tây Tiến, về sông Mã và núi rừng Tây Bắc.

Biện pháp tu từ cú pháp: bao gồm các biện pháp: liệt kê, câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc câu, chêm xen, im lặng ...Trong đó thường gặp là liệt kê, câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc câu.

Liệt kê: kể, nêu lên nhiều sự vật, sự việc, hình ảnh liên tiếp nhau.

Ví dụ: " Nhớ từng rừng nứa, bờ tre / Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy" (Việt Bắc -Tố Hữu)

Tố Hữu đã kể ra những địa danh cụ thể ở Việt Bắc: ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê nhằm nhấn mạnh: người về xuôi không chỉ nhớ người mà còn nhớ rõ từng con sông, con suối cụ thể. Tất cả đã trở thành hồi ức đẹp về chiến khu Việt Bắc.

Điệp cú pháp: một kiểu câu, một dạng cấu trúc được lặp lại nhiều lần (điệp cấu trúc, lặp cấu trúc).

Ví dụ: "Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!" (Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh )

Câu văn sử dụng BPTT điệp cấu trúc câu "Dân tộc đó phải được ..." để tạo giọng văn hùng hồn, mạnh mẽ , khẳng định một cách dứt khoát quyền được tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Câu hỏi tu từ: mượn hình thức câu hỏi để nhằm một mục đích khác như: bộc lộ cảm xúc, gợi suy nghĩ cho người đọc ...

Ví dụ: "Mình về có nhớ chiến khu / Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai" (Việt Bắc- Tố Hữu)

Câu thơ tuy là lời hỏi nhưng chứa hàm ý nhắc nhở: người về xuôi đừng quên chiến khu Việt Bắc mà hãy luôn nhớ những ân tình, những lúc cùng chung chí hướng, cùng lí tưởng đấu tranh với con người Việt Bắc.

Dạng 3: Xác định phương thức biểu đạt

Gơi ý: Các phương thức biểu đạt thường gặp:

Miêu tả: Tái hiện, giúp người đọc hình dung về đường nét, màu sắc, kích thước, vẻ ngoài... của sự vật, hiện tượng.

Biểu cảm: bộc lộ cảm xúc, thái độ, tâm trạng của người nói, người viết.

Tự sự: kể lại các sự viêc, sự kiện xảy ra theo một trình tự.

Nghị luận: bày tỏ ý kiến, quan điểm của người viết về một vấn đề bằng các lí lẽ, dẫn chứng.

Thuyết minh: giới thiệu, trình bày về một đối tượng nhất định.

Lưu ý: một văn bản có thể có nhiều phương thức biểu đạt

Dạng 4: Xác định phong cách ngôn ngữ

Gợi ý: Có các PCNN cơ bản sau:

PCNN sinh hoạt: lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hằng ngày, mộc mạc, bình dị.

PCNN văn chương (nghệ thuật) kiểu diễn đạt dùng trong các văn bản văn học với những cách nói giàu hình ảnh, có vần, có điệu, mang sắc thái nghệ thuật, sử dụng phong phú các BPTT.

PCNN khoa học: dùng trong các lĩnh vưc khoa học, sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành khoa học.

PCNN báo chí: dùng trên các phương tiên truyền thông, nhằm cung cấp tin tức, thời sự.

PCNN chính luận: nêu lên ý kiến, quan điểm của người viết về một vấn đề chính trị,sử dụng nhiều thuật ngữ chính trị, xã hội.

PCNN hành chính: các văn bản, biểu mẫu dùng trong các công việc hành chính, thường theo khuôn mẫu.

Lưu ý: Đôi khi một văn bản thuộc hai hoặc nhiều phong cách.

Dạng 5: Xác định thể thơ

Thể thất ngôn: mỗi câu 7 chữ;

Thể ngũ ngôn: mỗi câu 5 chữ;

Thể thơ tự do: số câu trong bài, số chữ trong câu, gieo vần, ngắt nhịp và giọng thơ thoải mái, linh hoạt, không theo quy định, Đây là thể thơ thường gặp trong thơ hiện đại.

Dạng 6: Sửa các lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả

Trong dạng này, chủ yếu nhấn mạnh sắp xếp câu (cần sắp xếp theo quan hệ nội dung, logic giữa các câu). Khi sắp xếp xong cần đọc lại để kiểm tra.

Các lỗi về dùng từ: Thừa từ; lặp từ; dùng từ không rõ nghĩa; dùng từ không đúng nghĩa, không đúng ngữ cảnh.

Các lỗi về chính tả: t/c;n/ng/tr/t;/dấu hỏi/dấu ngã;ô/o...(chú ý các từ mà bản thân cho là có vấn đề, có cảm giác thấy lạ, có sự nghi hoặc...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/cac-dang-cau-hoi-thuong-gap-va-goi-y-cach-lam-bai-doc-hieu-3195109-v.html