Các cựu Tổng thống Mỹ: Làm gì khi đã về hưu

Trong một chương trình giải trí trên truyền hình mới đây, Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama đã vào vai một người đi kiếm chỗ làm mới. Khi diễn viên đóng vai chủ tuyển mộ nhân công xem cái gọi là lý lịch của người xin việc và nhận xét: “Ông suốt 8 năm nay không được lên chức nào nhỉ?” thì ông Obama đã đáp: “Ở vị trí trước đây của tôi thì có rất ít cơ hội thăng tiến. Bởi cương vị duy nhất cao hơn tôi là … vợ tôi!”.

Chế độ hậu hĩnh

Bây giờ, khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã ngã ngũ, ông Obama có lẽ càng cần phải nghĩ hơn về công việc mới của mình, đặc biệt là từ ngày 20/1/2017, khi ông chính thức phải rời Nhà trắng, nhường chỗ cho người kế nhiệm.

Đạo luật “Về các cựu Tổng thống” của Mỹ nêu rõ: lương hưu của các ông chủ Nhà trắng sau khi họ về hưu sẽ bằng mức lương của công chức bậc nhất. Trong bậc này có tất cả các nhà lãnh đạo các bộ cấp liên bang và giám đốc một số cơ quan quan trọng nhất của nước Mỹ. Từ tháng 3-2016, Tổng thống Barack Obama đã quan tâm tới việc tăng mức lượng lưu cho các cựu Tổng thống Mỹ thêm 17,9% từ năm 2017. Trong năm 2016, lương hưu của các cựu Tổng thống Mỹ là gần 206 nghìn USD một năm. Ông Obama sẽ được nhận khoản lương hưu đầu tiên của mình trong tháng 2-2017 và ở mức mới. Ngoài lương hưu, nhà nước còn thanh toán thêm cho các cựu Tổng thống Mỹ chi phí duy trì bộ máy hành chính và kỹ thuật, chi phí giao thông và bưu điện cũng như những nhu cầu khác, kể cả lương thực thực phẩm.

Tất nhiên, tổng chi phí này không phải là vô hạn mà có một mức trần nhất định. Thí dụ, năm 2008, một cựu Tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong một năm không nhiều hơn 100 nghìn trong vòng 30 tháng sau khi rời Nhà trắng để duy trì bộ máy phục vụ mình. Trong giai đoạn tiếp theo, mức chi phí trần bị hạ xuống còn 96 nghìn USD một năm.

Cựu Tổng thống Mỹ có quyền sử dụng đội ngũ bảo vệ của Cơ quan Mật vụ. Trong thực tế, đội bảo vệ các cựu Tổng thống vẫn là những người từng phục vụ họ khi họ đương chức. Trước năm 1997, Cơ quan Mật vụ đảm nhận trách nhiệm bảo vệ các cựu Tổng thống cho tới khi họ qua đời nhưng bây giờ, nhiệm vụ này chỉ được thực hiện trong 10 năm sau khi họ rời khỏi Nhà trắng.

Cựu đệ nhất phu nhân cũng có quyền được bảo vệ như đức ông chồng nhưng chỉ trong trường hợp họ không rẽ bước sang ngang. Con cái của các cựu Tổng thống cũng được bảo vệ đặc biệt cho tới khi họ đạt độ tuổi thành niên.

Các cựu Tổng thống Mỹ và thành viên gia đình họ có quyền được chữa bệnh miễn phí tại các viện quân y. Họ nhận được quyền này theo một thông cáo đặc biệt từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngay cả khi người chồng mất thì người vợ góa của cố Tổng thống Mỹ vẫn được sử dụng quyền chữa bệnh miễn phí.

Các cựu Tổng thống Mỹ cũng có quyền được tổ chức lễ tang cấp Nhà nước. Có những quy định đặc biệt cho phép họ tự viết kịch bản lễ tang của mình. Quyền này từng được vị Tổng thống Mỹ thứ 40 Roanld Reagan sử dụng.

Góa phụ của các cố Tổng thống Mỹ cũng có quyền nhận lương hưu ở mức 20 nghìn USD một năm, nhưng chỉ trong trường hợp họ từ chối lương hưu của chính họ. Họ cũng có quyền được nhà nước thanh toán chi phí bưu điện…

Công việc không hưu

Trong quá khứ, đã có những cựu Tổng thống Mỹ sau khi rời Nhà trắng vẫn tiếp tục tham gia chính trường một cách tích cực. Vị Tổng thống Mỹ thứ hai John Adams chẳng hạn, hai năm sau khi rời Nhà trắng đã được bầu vào Hạ viện và đóng vai trò nghị sĩ suốt 17 năm cho tới khi qua đời. Tổng thống thứ 27 Howard Taft sau khi rời khỏi Nhà trắng đã quay trở lại với hoạt động tư pháp và sau gần 10 năm, đã trở thành Chánh án Tòa thượng thẩm Hoa Kỳ.

Các cựu Tổng thống Mỹ hiện nay đã không chọn con đường đó. Họ chủ trương sau khi hết nhiệm kỳ rời hẳn khỏi nền chính trị lớn, nhưng vẫn tiếp tục những hoạt động xã hội, lắm khi rất tích cực. Thường là họ đi giảng bài, tham gia các hoạt động từ thiện hoặc đóng vai trò cố vấn chính trị. Đôi khi, theo yêu cầu của các Tổng thống đương nhiệm, họ có thể đóng vai trò bắc cầu thương lượng ở những nơi mà cac đại diện chính thức của nước Mỹ vì những lý do khác nhau không thể đảm nhận được nhiệm vụ đó.

Ở thời điểm hiện nay, trước khi ông Obama về hưu, nước Mỹ đang có 4 vị cựu Tổng thống còn sống: Jimmy Carter, George Bush (cha), Bill Clinton và George Bush (con). Có thể chia bốn vị này thành hai cặp theo độ tuổi: ông Carter và ông Bush (cha) năm 2016 này đều đã 92 tuổi, còn ông Clinton và ông Bush (con) đã bước sang tuổi “cổ lai hy” (70). Trong đội hình này thì một người mới 55 tuổi như ông Obama có thể coi như là một “thanh niên”.

Tổng thống Mỹ thứ 39 Carter (sinh năm 1924) chỉ trụ trong Nhà trắng có một nhiệm kỳ và đã bị thua cay đắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1980 trước đối thủ là nam minh tinh màn bạc Ronald Reagan. Tuy nhiên, đây là trường hợp hy hữu, khi một chính trị gia Mỹ sau khi về hưu lại khiến cho dư luận xã hội đánh giá cao hơn khi còn đương chức. Hơn bất cứ ai, ông Carter đã thực hiện rất thành công sứ mệnh một đại diện không chính thức của nước Mỹ trong các cuộc khủng hoảng quốc tế ở những điểm khác nhau trên thế giới. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã không chỉ một lần tới CHDCND Triều Tiên để thương thảo về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như quyết định các vấn đề về trợ giúp lương thực thực phẩm hay giải phóng các công dân Mỹ bị bắt ở đây. Ông Carter cũng đã thực hiện nhiều chuyến công du với sứ mệnh hòa bình ở Ethiopia, Uganda, Bosnia và Sudan. Năm 2002, ông được trao giải thưởng Nobel hòa bình “nhờ những nỗ lực hòa giải các cuộc xung đột trên toàn thế giới và đấu tranh vì nhân quyền”.

Từ năm 1982, ông Carter còn tham gia công tác giảng dậy tại trường đại học tổng hợp Emory ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Cũng trong năm 1982, ông đã lập ra tổ chức phi chính phủ Viện Carter với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động bảo vệ nhân quyền và từ thiện.

Ông Carter đôi khi cho phép mình phát biểu những ý kiến không trùng với ý kiến chính thức của Washingotn. Thí dụ, khi nói về việc sáp nhập Krym vào LB Nga, ông đã nhấn mạnh: “Tôi biết rõ việc ông Khrushchev từ nhiều năm trước – mà thực ra thì cũng không quá nhiều năm – đã chuyển quyền kiểm soát Krym cho Ukraina như một món quà tặng. Việc này được thực hiện theo tính toán toán là Ukraina cũng như Krym đều đang là một phần của Liên bang Xôviết thống nhất. Tôi không tin rằng có triển vọng trực tiếp nào của việc cắt đứt quan hệ giữa Nga với Krym. Tôi nghĩ rằng đó gần như là một bước tất yếu, dù người ta có đồng ý với điều này hay không. Tôi nghĩ rằng những gì tôi đã nói trước đây là đúng: điều đó được cả người dân Krym lẫn người dân Nga mong muốn, như tôi cảm thấy. Và tôi không nghĩ rằng trong tương lai gần chúng ta lại phải chứng kiến việc hủy bỏ những gì đã diễn ra…” Và ở đỉnh điểm của vụ tai tiếng liên quan tới Snowden, ông Carter cũng đã khiến công chúng Mỹ phải kinh ngạc: “ Ở thời điểm hiện tại, nền dân chủ tại Mỹ không hoạt động”.

Ông Carter đã lập kỷ lục về thời gian làm cựu Tổng thống: hơn 35 năm. Người giữ kỷ lục của là Herbert Goover, vị Tổng thống Mỹ thứ 31: 31 năm. Ông Carter có lẽ cũng là vị cựu Tổng thống Mỹ viết nhiều sách nhất (trên dưới 30 cuốn). Năm 2002, ông Carter còn được trao giải thưởng Nobel hòa bình…

Tổng thống Mỹ thứ 41 Bush (cha) cũng giống như ông Carter, chỉ trụ trong Nhà trắng có một nhiệm kỳ. Nhưng nếu như thất bại của ông Carter đã được dự đoán trước thì việc ông Bush (cha) phải phơi áo trước ông Clinton lại là một điều bất ngờ. Ông Bush (cha) mặc dù đã tiếp nhận thắng lợi trong chiến tranh lạnh và đã tiến hành thành công cuộc chiến tranh thứ nhất trong vùng Vịnh nhưng lại không thể sử dụng những điểm cộng đó để bù vào những chỗ khuyết trong chính sách đối nội, đặc biệt là trong kinh tế. Khác với ông Carter, ông Bush (cha) không làm được gì trong lĩnh vực môi giới hòa bình nhưng lại thực hiện rất tốt vai trò cố vấn chính trị cho các con trai mình. Ông Bush (con) đã trụ ở Nhà trắng được hai nhiệm kỳ. Jeb Bush, người con thứ trong gia đình, từng tám năm làm Thống đốc bang Florida… Ông Bush (cha) sau khi về hưu vẫn được nhiều tập đoàn lớn mời làm cố vấn kinh tế. Cũng như các cựu Tổng thống Mỹ khác, ông Bush (cha) cũng kiếm được khá nhiều tiền nhờ đi diễn thuyết. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông đã tiết lộ rằng thù lao cho một lần ông diễn thuyết là ở mức từ 50 nghìn tới 75 nghìn USD. Cũng như các cựu Tổng thống Khác, ông Bush (cha) cũng tham gia các hoạt động từ thiện. Ông đã từng cùng cựu Tổng thống Bill Clinton quyên góp tiền cho các nạn nhân của cơn bão Catrina…

Ông Bush (cha) trong những năm gần đây mắc bệnh Pakirson và bắt buộc phải ngồi xe lăn khi di chuyển. Nhưng năm 2014, trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh, ông đã tham gia nhảy dù từ máy bay xuống theo thông lệ 5 năm nhảy dù một lần, kể từ khi 75 tuổi…

Ông Clinton đã rời khỏi Nhà trắng vẫn còn duy trì được những chỉ số tín nhiệm khá cao của xã hội (đàn ông thì thích sự thành thật trong các thú vui, còn phụ nữ thì không ít người quả thực đã không cưỡng nỗi cái duyên nam nhi của ông) nên dù về hưu vẫn còn có nhiều cơ hội để thu hút sự chú ý chung và làm từ thiện. Ông Bill Clinton cũng có mức thu nhập ổn định nhờ viết sách cũng như nhờ các chương trình diễn thuyết trước công chúng… Theo số liệu được đưa lên các phương thiện thông tin đại chúng, cựu Tổng thống Mỹ khả ái này được trả từ 100 tới 300 nghìn USD cho mỗi một lần diễn thuyết. Tại thành phố Arkansas quê hương của ông hiện cũng đã có thư viện Tổng thống mang tên ông.

Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush (con) sau khi bàn giao Nhà trắng cho ông Obama đã quay trở về trang trại của mình ở bang Texas và trong suốt thời gian qua, đã cố gắng để càng ít bị soi mói càng tốt. Chỉ thỉnh thoảng ông mới tới xem một số chương trình thể thao hay một số hoạt động xã hội nào đó. Ông cũng đã xuất bản một tập hồi ký...

Lương Công

Từ khóa

tổng thống về hưu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/cac-cuu-tong-thong-my-lam-gi-khi-da-ve-huu/135719