Các cường quốc quăng tiền vào lò phản ứng hạt nhân mới

Các cường quốc đang “nín thở” chờ ITER mở ra một kỷ nguyên mới về năng lượng sạch cho toàn thế giới.

Lò phản ứng hạt nhân nhiệt hạch thử nghiệm liên quốc gia (ITER) là một dự án được bắt đầu từ 10 năm trước, với sự tham gia của Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.

Được đặt tại miền Nam nước Pháp, ITER được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về năng lượng sạch cho toàn thế giới. Tuy nhiên, sau một thập kỷ, công việc xây dựng vẫn còn ngổn ngang, trong khi mức kinh phí đã đội lên gấp 4 lần và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chi phí ban đầu đặt ra cho ITER là khoảng 5 tỷ Euro với dự định, công trình sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020 và đạt đến hiệu suất tối đa vào năm 2023. Thế nhưng, năm 2011, mức kinh phí dự đoán đã bị “phình” ra tới 16 tỷ Euro.

Công trường xây dựng ITER vẫn còn rất ngổn ngang

Hồi Tháng Năm, giám đốc mới của ITER, Bernard Bigot – cựu giám đốc cơ quan hạt nhân quốc gia của Pháp CEA – chia sẻ với báo giới nước này rằng, ITER sẽ bị chậm tiến độ hơn một thập kỷ và cần thêm ít nhất 4 tỷ EURO nữa. Mốc hoạt động thử đầu tiên của nó nhanh nhất cũng phải vào năm 2025, và hiệu suất tối đa sẽ không thể đạt được trước năm 2035.

“Chắc chắn rằng, kế hoạch trên cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng đó là những gì tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra sau khi đã cân nhắc cả những sức ép về tài chính,” Bigot nói.

Ông này cũng ước tính, chi phí cuối cùng có thể lên tới 18 tỉ Euro. “Lần đầu tiên, chúng tôi có được một con số dự toán đáng tin cậy… Trong quá khứ, mọi mốc thời gian đều phi thực tế, mọi tính toán đều không đủ chi tiết…”

Theo Bigot, việc đưa ra được một con số chính xác gặp phải khó khăn, do các quốc gia thành viên đóng góp vào dự án bằng hiện vật – chính là sản xuất từng bộ phận riêng biệt. “Rất nhiều bên tham gia không muốn công khai chi phí của mình,” Bigot nói. Chỉ có các nước trong Liên minh châu Âu – bên đóng góp 45% kinh phí dự án và Mỹ đã đưa ra các số liệu chính thức.

Bigot cho biết chi phí vận hành tổ chức ITER và các cơ sở sản xuất nội địa tại các quốc gia thành viên vào khoảng 200 triệu Euro mỗi năm. Mọi sự trì hoãn sẽ tự động gia tăng chi phí theo tỷ lệ này.

Bên trong một xưởng sản xuất bộ phận

Quá trình xây dựng lò ITER tại vùng Cadarache diễn ra khá chậm chạp trong khoảng thời gian năm 2013-14, và mới chỉ bắt đầu tăng tốc trở lại từ tháng Tư 2015. “Trong sáu tháng gần đây, chúng tôi đã làm được nhiều thứ hơn cả quãng thời gian 3 năm”, Laban Coblentz, phụ trách truyền thông của ITER cho biết.

Điểm đặc biệt của lò phản ứng ITER là nó sẽ tạo ra năng lượng khổng lồ nhờ vào việc kết hợp các hạt nguyên tử trong một quá trình tương tự như phản ứng hạt nhân nhiệt hạch tạo ra nguồn năng lượng cho mặt trời.

Việc xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân tổng hợp là một quá trình vô cùng khó khăn. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, chưa thể khẳng định chắc chắn rằng công nghệ của ITER có hoạt động hay không; và ngay cả khi thành công, khả năng “thương mại hóa” nó cũng vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

(Theo BusinessInsider, Reuters)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/the-gioi-dang-dot-tien-vao-lo-phan-ung-hat-nhan-moi-tai-phap-214824.html