Các cổng chào Thủ đô sẽ vĩnh cửu hay tạm bợ?

- Hai ngày sau khi Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình ký duyệt chủ trương đầu tư 3 cổng chào tại Gia Lâm, Sóc Sơn và Hoài Đức, ngày 25/6, công luận ghi nhận ý kiến của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị" "Thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, mà làm các cổng chào tạm, kinh phí xây dựng vừa phải, không phải 50 tỷ đồng!".

Ý kiến này được Bí thư Thành ủy Hà Nội kết luận sau khi có nhiều luồng dư luận không đồng tình với việc "đổ" tiền xây những biểu tượng mang tính hình thức, không có giá trị sử dụng, trong khi dịp kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội đâu có thiếu các công trình phi vật thể, văn hóa, tượng đài...? Có người còn cho rằng sao không mang tiền đó đi xóa nhà dột nát, nâng cấp trường học, xây đủ cầu cho dân qua sông... Ông Nghị nhận định về con số 50 tỷ đồng của cả nguồn ngân sách và vốn xã hội dự kiến "đốt" cho các cổng chào, rằng "các nhà tài trợ thường đưa ra con số quá cao song thực tế thì không đến vậy!". Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Bee, không kể hai cổng chào mà 2 công ty cổ phần (Him Lam và Vincom) nhã ý tặng Thủ đô, 3 cổng chào còn lại đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi diễn ra cuộc họp bàn về ý tưởng, phương án thiết kế, tổ chức thi công 5 cổng chào tại các cửa ngõ. Theo các Quyết định do Phó Chủ tịch Phí Thái Bình ký ban hành ngày 23/6 này, TCty CP Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), TCty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và TCty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) mỗi doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư 1 cổng chào và đều đóng góp cho Thành phố 71% tổng mức đầu tư mỗi cổng chào (phần 29% còn lại được lấy từ ngân sách Thành phố). Vinaconex là chủ đầu tư dự án lắp dựng cổng chào trên đường Láng - Hòa Lạc thuộc địa phận xã Song Phương (huyện Hoài Đức) với tổng mức kinh phí khái toán 8 tỷ đồng. UDIC là chủ đầu tư dự án cổng chào trên quốc lộ 5 đi Hải Phòng, thuộc xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) có tổng mức đầu tư ước 11 tỷ đồng. Handico là chủ đầu tư cổng chào trên đường đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, thuộc xã Thanh Xuân (Sóc Sơn) có tổng mức đầu tư khái toán 10 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến để xây 3 cổng chào này ước khoảng 29 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố chi hơn 8,4 tỷ đồng, còn lại huy động của các doanh nghiệp. Các chủ đầu tư được giao phải đảm bảo bố trí đủ vốn để hoàn thành cổng chào trước 15/9/2010. Tính từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư (23/6) là mỗi dự án cổng chào có xấp xỉ 80 ngày để thực hiện. "Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm thẩm định, trình phê duyệt phương án kiến trúc công trình, đảm bảo kỹ - mỹ thuật công trình và phù hợp với quy hoạch, cảnh quan kiến trúc chung của khu vực" - Lãnh đạo Hà Nội giao trách nhiệm. Đông đảo dư luận đang dõi xem, sau khi Bí thư Thành ủy đã nhận định nên làm tạm để lấy ý kiến người dân - "nếu làm tạm thấy chưa ổn thì gỡ ra" - UBND TP Hà Nội sẽ ứng xử thế nào? Vẫn nhất quyết "đốt" nhiều tỷ đồng ngân sách cho những cổng chào chưa hỏi ý kiến nhân dân, cũng chưa có hội thảo khoa học hay xã hội học nào để các chuyên gia, hội nghề nghiệp và nhiều cơ quan đoàn thể cùng góp ý? Hay sẽ vô hiệu các Quyết định kể trên? Hay cho rằng hàng chục tỷ đồng này cũng chỉ đủ làm tạm vài cổng chào (lấy dịp nghìn năm ra thí điểm) và không cần điều chỉnh gì nữa? Phong Thanh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201006/Cac-cong-chao-Thu-do-se-vinh-cuu-hay-tam-bo-1757351/