Các cấp chính quyền phải cùng vào cuộc trong vấn đề an toàn thực phẩm

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trước thực trạng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Sáng 27-3, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo báo cáo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội”. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia y tế trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực cho nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ. Do đó, vấn đề lớn nhất trong an toàn thực phẩm chính là thị trường tiêu thụ trong nước. Việt Nam có hàng triệu hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ để cung ứng thực phẩm cho toàn xã hội nên quản lý vấn đề an toàn thực phẩm rất khó. Dù Việt Nam có hệ thống pháp luật tương tốt và đúng hướng về vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tất cả các cấp chính quyền, trong đó quan trọng nhất là cơ quan quản lý cấp xã, phường vì lãnh đạo cấp cơ sở này nắm chắc nhất địa bàn hoạt động nuôi trồng, chế biến và cung ứng thực phẩm của người dân.

Phó Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của Ngân hàng Thế giới với những tổng kết nghiên cứu về chuỗi giá trị của thịt lợn và rau ăn lá để tìm các nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Theo đó, kết quả nghiên cứu thị trường thịt lợn và rau tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, sản xuất quy mô và phân phối qua thị trường truyền thống chiếm ưu thế với 80% thịt lợn và 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ truyền thống; 76% lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém. Các bằng chứng khoa học cho thấy nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam còn tương đối phổ biến: mức độ nhiễm mối nguy vi sinh vật như Salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng 30% hay 15-69%). Thực trạng của tồn dư kháng sinh và các báo cáo kháng kháng sinh đang cảnh báo có xu hướng ngày càng tăng theo thời gian.

Ông Nguyễn Việt Hùng (Trưởng đại diện Khu vực Đông và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế), đại diện cho nhóm tác giả cho biết, trong năm 2014-2015 (thống kê chưa đầy đủ) cho thấy có 370 vụ ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam với hơn 10.000 ca mắc, 66 ca tử vong. Hầu hết những vụ ngộ độc gây ra bởi các vi sinh vật (41%), các độc tố sinh học (28%), hóa học (4%) và 26% không xác định được nguyên nhân. Phần lớn các vụ ngộ độc theo báo cáo xảy ra ở hộ gia đình (khoảng 60% số vụ trong các năm 2010-2014 và khoảng 40% trong giai đoạn 2013-2015). Trong tổng số các vụ được báo cáo, ngộ độc tại hộ gia đình chiếm 50-65%; các bếp ăn tập thể là 10-20%; thức ăn đường phố là dưới 10%. Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam chiếm tỷ lệ ngộ độc lớn nhất, khoảng 30%.

Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng lo ngại vấn đề thực phẩm không an toàn do nhiễm bẩn hóa học và các chất độc trên thực phẩm hơn là nhiễm bẩn vi sinh vật. Nhưng thực tế, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm bẩn tại Việt Nam chủ yếu từ các mối nguy vi sinh vật do liên quan đến sự lây nhiễm chéo và tiêu thụ các sản phẩm tươi sống và chưa nấu chín.

Điều đó được thể hiện bằng những số liệu nghiên cứu cụ thể tại Việt Nam như: 40,6% các vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo trong giai đoạn từ 2012 đến 2015 là do vi sinh vật. Hơn 50% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm là do các độc tố có trong hải sản và nấm độc. Phần lớn các ca là tiêu chảy (85%) và ngộ độc (15%). Nguyên nhân chính của các ca ngộ độc là do các mối nguy sinh học (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng chiếm khoảng 70%); các mối nguy hóa học (10-50%) và các độc tố tự nhiên.

Ông Nguyễn Việt Hùng khẳng định, thách thức vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam là do lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp (thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nhập khẩu trái phép), hoặc không được quản lý nghiêm ngặt, thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc và ô nhiễm chéo... Việt Nam hiện đã xây dựng khung pháp lý an toàn thực phẩm hiện đại với các nền tảng giúp nâng cao hiệu quả triển khai an toàn thực phẩm và chất lượng kết quả đạt được. Nhưng để triển khai hiệu quả khung pháp lý lý thuyết thì cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố nguy cơ và kết quả trên thực tế.

Qua bản báo cáo, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát an toàn thực phẩm quốc gia chung và toàn diện; Xây dựng một hệ thống quản lý thực thi nhằm thiết lập, triển khai và giám sát kết quả triển khai công tác an toàn thực phẩm của ba Bộ; Đề xuất phương án tiếp cận theo mô hình “từ trang trại tới bàn ăn” để kiểm soát từ nguồn nguyên liệu đầu vào, hoạt động nuôi trồng, xử lý chế biến và bán lẻ...

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với các khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và bày tỏ, sau khi báo cáo được công bố, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới có những hoạt động cụ thể hơn, trước hết là để những khuyến nghị của báo cáo được lan tỏa đến mọi người dân, xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ luật phát về chế biến, cung cấp thực phẩm an toàn. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường đo lường kiểm tra đầu vào của thực phẩm; tăng cường phương tiện lưu động để kiểm tra nhanh thực phẩm tại các chợ; củng cố hệ thống sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung cấp vào các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/32431602-cac-cap-chinh-quyen-phai-cung-vao-cuoc-trong-van-de-an-toan-thuc-pham.html