Các bệnh lý xương khớp, đặc biệt thoái khớp gối ngày càng gia tăng

Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân thoái hóa khớp có xu hướng tăng lên do tuổi thọ người Việt được nâng cao đáng kể; hiện có khoảng 50% người trên 50 tuổi đang chịu những tác động tiêu cực của căn bệnh này. Thông tin trên được GS. TS. Trần Ngọc Ân - Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam đưa ra tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội Thấp khớp học Việt Nam 2017 tổ chức từ ngày 12-14/5 tại Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp tăng theo tuổi tác và thời gian. Cụ thể, chỉ tính riêng thoái hóa khớp gối, nếu trong độ tuổi từ 26 trở xuống, chỉ có khoảng 4,9% đối với nữ và 4,6% đối với nam mắc bệnh thì ở độ tuổi 27-45, tỉ lệ này là 19,3% với nữ và 18,6% đối với nam và tăng vọt lên gần 50% khi ở tuổi 46-60…. và 100% ở người trên 90 tuổi.

Quá trình thoái hóa khớp gối

Ảnh hưởng của bệnh thoái hóa khớp đối với các vùng trên cơ thể có xu hướng khác nhau ở các châu lục. Nếu ở châu Âu, thoái hóa khớp gặp chủ yếu ở tay thì ở Việt Nam, thoái hóa khớp chủ yếu là ở khớp gối, khớp háng, trong đó khớp gối là nhiều nhất.

Khớp gối là khớp chịu tải và là vị trí thường gặp nhất của thoái hóa khớp, chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố nghề nghiệp, tính chất công việc và các thói quen sinh hoạt. Nghiên cứu của Hội Thấp khớp học Việt Nam đưa ra cho thấy đa số bệnh nhân thoái hóa khớp gối là người lao động với đặc thù là công việc chân tay (chiếm 80,6%). Thường xuyên nâng vật nặng, gấp gối, quỳ, đứng lâu (trên 2 giờ mỗi ngày), đi bộ trên 3km/ngày... là nguyên nhân làm thúc đẩy thoái hóa khớp gối.

Nguy cơ thoái hóa khớp gối càng cao với những phụ nữ thừa cân và béo phì

Bên cạnh đó thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh thoái hóa khớp gối, nhất là phụ nữ tuổi mãn kinh; người bị loãng xương hay đái tháo đường có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao gần 2 lần so với người khỏe mạnh. Thoái hóa khớp gối gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới (có đến 80% người bị thoái hóa khớp gối là nữ trên 50 tuổi), điều này có thể do sự thay đổi hóc môn ở phụ nữ làm cho họ dễ mắc thoái hóa khớp gối hơn.

PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch tổng hội Y học tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: HH

Cũng trong dịp này Hội Thấp khớp học Việt Nam đã tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ VII. Giáo sư Trần Ngọc Ân đã tái đắc cử Chủ tịch hội nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhật Hạ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cac-benh-ly-xuong-khop-dac-biet-thoai-khop-goi-ngay-cang-gia-tang--n131553.html