Các bà mẹ đừng để con mình chết vì suy dinh dưỡng!

Thiếu vi chất dinh dưỡng đang tồn tại, tình trạng suy dinh dưỡng đang đáng lo ngại ở Việt Nam. Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ bị thiếu máu.

Dư luận hẳn chưa quên hình ảnh đầy ám ảnh của bé gái Mông ở Lào Cai suy dinh dưỡng, 14 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 3.5 kg. Trường hợp bệnh nhi đặc biệt này đã dấy lên niềm cảm thương lớn trong cộng đồng người Việt, nó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng suy dinh dưỡng ở Việt Nam.

Bởi theo các bác sỹ ở bệnh viện Nhi Trung ương, đây là một thể suy dinh dưỡng rất nặng do trẻ không được ăn uống dinh dưỡng đầy đủ. Vì thế, trẻ trở nên thiếu năng lượng làm teo cơ và mất hết các lớp mỡ dưới da khiến cơ thể gầy đét, da bọc xương. Ngoài ra, các bác sĩ Sản Nhi Lào Cai còn nghi ngờ bé bị bại não thể co cứng.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trong những năm gần đây đã giảm xuống còn dưới 30% nhưng vẫn còn là con số đáng lo ngại về chất lượng dân số. Nguyên nhân chủ yếu do bà mẹ thiếu kiến thức nuôi con, sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng...

Năm 2015, ước tính hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5% (5,97% năm 2014) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%.

Số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Đừng để trẻ chết vì thiếu dinh dưỡng ngay trong thời hiện đại. Ảnh: Internet.

Cũng theo số liệu năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%.

Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị.

Thực tế, còn rất nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ,...dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học dẫn đến suy dinh dưỡng...

Vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng cũng đang còn tồn tại. Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu máu. Có 43% trẻ em dưới 2 tuổi (tức là trong 1000 ngày vàng đầu đời) bị thiếu máu do đói nghèo.

Cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị thiếu máu chủ yếu tập trung ở miền núi do thiếu sắt.

PGS.TS Lê Thị Bạch Mai - Viện Phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chia sẻ trên tờ Infonet: Bữa cơm của người Việt đã thay đổi tuy nhiên khẩu phần ăn thừa năng lượng nhưng thiếu vi chất cần thiết, đặc biệt như canxi, sắt, kẽm, iot.

PGS.TS Mai cũng nhấn mạnh: Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng, mà diễn ra âm thầm và không có các dấu hiệu để nhận biết. Với trẻ nhỏ thiếu vi chất thì cơ thể trẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng nên các phụ huynh dễ bỏ qua. Trong khi đó, nguồn dự trữ các vi chất dinh dưỡng này trong cơ thể đang bị sử dụng dần, cho đến khi xảy ra tình trạng bệnh lý đặc hiệu thì thường đã là giai đoạn muộn.

BS. Trần Kim Anh – chuyên gia về dinh dưỡng cho biết trên tờ Sức khỏe đời sống rằng: Biện pháp đơn giản nhất để biết được trẻ phát triển bình thường hay bị suy dinh dưỡng bằng cách cân trẻ đều đặn hằng tháng để theo dõi sự phát triển của trẻ (dựa vào biểu đồ tăng trưởng của trẻ):

Hàng tháng trẻ tăng cân đều đặn, đó là dấu hiệu quan trọng của một đứa khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Không tăng cân là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt (nguy cơ bị suy dinh dưỡng).

Nếu ở nơi không có điều kiện cân trẻ, có thể dùng số đo vòng cánh tay trái để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Cũng theo BS. Trần Kim Anh: Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh. Việc nuôi dưỡng chỉ có hiệu quả khi bệnh của trẻ đã được điều trị một cách triệt để. Cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

Đối với trẻ 1 - 2 tuổi, ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Trẻ 3 - 5 tuổi cần ăn 5 - 6 bữa/ngày.

Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

Nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào... để tăng đậm độ nhiệt trong bữa ăn của trẻ.

Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.

Dương Phương Ngọc (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cac-ba-me-hay-tinh-ngo-dung-de-con-minh-chet-vi-suy-dinh-duong-d105409.html