Cả xã hội vào cuộc - yếu tố quyết định thành công kỳ thi THPT quốc gia 2017

GD&TĐ - Một kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, giảm thiểu tối đa áp lực cho học sinh, phụ huynh với sự đồng hành của toàn xã hội.

Những tiền đề thành công

Sau 3 ngày diễn ra, kỳ thi THPT quốc gia năm nay thành công như mong đợi. Chủ trương đổi mới kỳ thi của Bộ GD&ĐT là tiền đề để kỳ thi thành công tốt đẹp.

Dù thời điểm thi THPT quốc gia được diễn ra sớm hơn mọi năm một tháng, nhưng từ khâu chuẩn bị đến khâu tiến hành đều diễn ra khá chu đáo, an toàn, nghiêm túc. Có thể nói, cả xã hội vào cuộc là yếu tố quan trọng nhất để kỳ thi năm nay thành công như mong đợi.

Kỳ thi năm nay được tổ chức tại địa phương, thời gian thi được rút gọn gần một nửa (từ 4 ngày còn 2,5 ngày), giúp phụ huynh và học sinh tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều.

Kỳ thi năm nay gọn gàng, giảm tối đa áp lực cho xã hội, phụ huynh, học sinh. Ngoài đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường tại các điểm thi lo cho thí sinh thì các em còn nhận được sự quan tâm, chăm lo và hỗ trợ của toàn xã hội.

Trước kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo: “Các cán bộ coi thi cần phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi từ điểm thi, cụm thi, tuyến ngoài, tuyến trong. Tuy nhiên sự nghiêm túc ấy cần phải được thực hiện trên không khí thoải mái, tự tin cho thí sinh, tránh tình trạng nghiêm túc quá tạo nên tâm lý áp lực, căng thẳng, nặng nề”.

Cho đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định, một kỳ thi nghiêm túc nhưng không gây áp lực nặng nề, một kỳ thi diễn ra bình thường nhưng vẫn đảm bảo đúng quy chế, khách quan, công bằng.

Cả xã hội vào cuộc

Cả xã hội vào cuộc phục vụ kỳ thi. Các ngành công an, y tế, điện lực, giao thông... luôn sát cánh cùng ngành giáo dục trong suốt thời gian trước và trong kỳ thi diễn ra.

Xúc động và trân trọng hơn cả là những tấm lòng thiện nguyện phục vụ phụ huynh và các em trong kỳ thi. Trên mặt báo những ngày qua xuất hiện rất nhiều tấm lòng thơm thảo, đồng hành cùng phụ huynh và học sinh, vì mục tiêu một kỳ thi an toàn, đạt hiệu quả cao nhất. Thầy giáo Ngô Khắc Vũ, giáo viên trường THPT Mộ Đức 2 (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã tự bỏ tiền túi mua báo tặng cho phụ huynh chờ con ở hội đồng thi trường THPT Mộ Đức 2 đọc trong lúc chờ con. Thầy Hoàng Khắc Tuấn, ở Nghệ An dành nhiều phòng trọ cho học sinh ở miễn phí trong những ngày thi. Một anh công an làm nhiệm vụ bảo vệ tại điểm thi trường THPT Gia Định, Bình Thạnh, TP.HCM đã cõng em Ngô Thị Thêu, thí sinh bị tai nạn đi lại khó khăn vào tận phòng thi.

Năm nay ở nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa không còn cảnh phụ huynh phải bán bò, lợn chạy tiền, cơm đùm cơm gói đưa cho ra thành phố thi như những năm trước. Nơi đâu cũng có bóng dáng tình nguyện viên hết lòng vì thí sinh, thương các em như người trong nhà, sẵn sàng chia sẻ nỗi vất vả cuối cùng của các em sau 12 năm đèn sách.

Đơn cử như tại một huyện miền núi nghèo, địa hình đi lại khó khăn như Tiên Phước (Quảng Nam), nơi đây những em thí sinh nhà ở xa được tặng 300 suất cơm trưa kèm sữa hộp, nước uống miễn phí từ hiệu buôn Hường Đức, Phương Lan cùng sự trợ giúp của nhóm “Ước mơ xanh” và các cô giáo của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, giảm thiểu tối đa áp lực với sự đồng hành của toàn xã hội. Tuy kết quả cuối cùng của kỳ thi vẫn còn ở phía trước, khâu chấm thi, ráp phách, công bố điểm thi cũng quan trọng không kém, nhưng với những gì diễn ra trong 3 ngày thi vừa qua cũng dự báo được phần nào kết quả kỳ thi như mong đợi.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ca-xa-hoi-vao-cuoc-yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-ky-thi-thpt-quoc-gia-2017-3457923-c.html