Ca trù song hành cùng nhịp sống hiện đại

Ngày 11/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sở VHTT Hà Nội đã khai mạc Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội năm 2016. Liên hoan kéo dài đến 13/11, có sự tham gia của 62 thí sinh dự tiết mục tập thể, 35 thí sinh dự thi đào nương và kép đàn tài năng.

PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan- thành viên Ban giám khảo về những kỳ vọng trong hành đưa ca trù thoát khỏi hạng mục cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ông Đặng Hoành Loan.

PV: Thưa ông, là người nhiều năm gắn bó với nghệ thuật ca trù và là thành viên BGK, ông đánh giá sao về các tài năng trẻ ca trù tham gia Liên hoan năm nay?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là một sự thay đổi đáng kể về chất lượng của các tài năng trẻ ca trù của Hà Nội. Trong đó, nếu lấy tiêu chí tài năng trẻ khi trong ngày khai mạc đã xuất hiện rất nhiều giọng ca trẻ chất lượng. Điều này cũng giúp cho Hà Nội chứng minh đây là “cái nôi” sản sinh ra ca trù.

“Cái nôi” đầu tiên đặt ra chữ “ca trù” với những sinh hoạt ca trù lớn. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng đã khơi dậy của một truyền thống rất vẻ vang của nghệ thuật ca trù.

Thông qua cuộc thi đã thể hiện được tình yêu ca trù của lớp trẻ bởi nhiều tài năng dù ít được khích lệ, động viên, thậm chí là không có hỗ trợ về lương nhưng hát rất hay, đàn rất giỏi. Tôi nghĩ là cộng đồng đang làm được một việc là giữ lại lịch sử ca trù trong thời hiện đại và làm ca trù sống mãi.

Việc xuất hiện nhiều tài năng trẻ tham gia Liên hoan đang chứng minh công tác đào tạo, truyền dạy ca trù đang có nhiều bước chuyển mình tích cực. Ông đánh giá sao về những tín hiểu khả quan này?

- Chúng ta chỉ có thể đánh giá chính xác về chất lượng của công tác đào tạo, truyền dạy ca trù thông qua việc kiểm kê danh sách các đào nương trẻ.

Nhưng điều dễ nhận thấy là Liên hoan năm nay cũng có rất nhiều tài năng trẻ có giọng hát hay. Chỉ cần như vậy cũng cho thấy việc đào tạo ca trù của chúng ta đạt kết quả tốt.

Đào tạo ở đây không phải là mở trường lớp, mà thông qua sự hỗ trợ của tài liệu, tư liệu, âm thanh, xuất bản phẩm… Trong đó, việc đáng ghi nhận nhất là một số ca nương hiện nay đang học hát theo phong cách của các nghệ nhân xưa.

Biểu diễn tại Liên hoan tài năng trẻ Ca trù Hà Nội.

Các em đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng các băng đĩa trình diễn của các nghệ nhân. Đây là một hướng đi rất đúng đắn bởi nhiều thế hệ nghệ nhân đã già yếu hoặc đã qua đời.

Như nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc dù đã mất nhưng nay có rất nhiều em hát rất giống bà. Điều này đang chứng tỏ nguồn tư liệu đang tác động rất mạnh đến thế hệ tài năng trẻ.

Ngoài ra, một điều đáng nghi nhận là các đào nương của các cuộc thi trước cũng đang dần trở thành bậc thầy trong công tác truyền dạy. Hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể trông cậy vào lớp nghệ nhân ở tuổi 40, 50 này.

Theo ông đến bao giờ ca trù “thoát” khỏi hạng mục “cần được bảo vệ khẩn cấp” để chuyển sang hạng mục “di sản đại diện của nhân loại”?

- So với năm 2009, ca trù hiện nay đủ khả năng để thoát ra khỏi danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp. Khả năng của lớp trẻ và cộng đồng đã đủ sức, chỉ còn chờ cơ chế chính sách của cơ quan văn hóa làm sao để các hoạt động ca trù được diễn ra thường xuyên. Chỉ cần chúng ta làm đúng trong cam kết quốc gia là hàng năm phải có liên hoan ca trù để ca trù được thường xuyên tiếp cận với cộng đồng.

Liên hoan tài năng trẻ ca trù cũng đang chứng minh cho thấy việc bảo tồn của ca trù hiện nay là khá sinh động. Chúng ta đang bảo tồn trong một thế chủ động, chứ không bị động.

Đặc biệt, Hà Nội đã truyền được cho lớp trẻ và trong Liên hoan này hát tất cả các thể cách khó nhất của ca trù. Đây là điều rất mừng là chính thế hệ trẻ đang nắm giữ được di sản ca trù. Chúng ta đang làm được một công cuộc bảo tồn hay nói cách khác là công cuộc truyển giao thế hệ di sản cho lớp trẻ.

Không chỉ hát hay mà nhiều ca nương còn sáng tác được lời mới. Ông đánh giá về chất lượng các ca khúc ca trù mới được sáng tác trong thời gian qua?

- Để đánh giá về chất lượng của các tác phẩm ca trù mới sáng tác thì thật là khó, nhưng về cách làm theo tôi đây là một động thái rất tích cực.

Bởi vì nội dung các bài hát ca trù luôn luôn bám sát với thời đại, do đó luôn luôn có các ca khúc mới. Nếu như ca trù nếu chỉ đọng lại ở những bài hát cổ thì rất khó trong việc bảo tồn và phát triển.

Cho nên, ca trù là lối chơi thơ văn. Mà thơ văn thì đi với cuộc đời. Cuộc đời đến đâu, thơ văn đến đấy. Cho nên tôi nghĩ là các em trẻ hiện nay viết được lời ca là một việc làm rất đáng khích lệ. Chúng ta cũng đã xuất bản rất nhiều bộ sách về các bài hát ca trù.

Điều đó chứng tỏ những người trẻ, hiện đại rất quan tâm đến ca trù. Tôi đánh giá rất cao việc các bạn trẻ đã sáng tác ra nhiều ca khúc ca trù mới và đã đưa ca trù gần gũi hơn với đời sống hiện tại. Truyền đạt được những tâm tình của thời cuộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/ca-tru-song-hanh-cung-nhip-song-hien-dai/133945