Cá tra rớt giá vì... doanh nghiệp "đói" vốn

Dù rất cần cá nguyên liệu để duy trì sản xuất, phục vụ các hợp đồng đã ký với đối tác nhưng nhiều DN đang khó khăn về tài chính nên khả năng mua cũng hết sức hạn chế. Do vậy, các DN "rủng rỉnh" vốn tha hồ ép giá người nuôi khiến giá cá tra lao dốc đến mức… khủng.

Trao đổi với PV Báo CAND sáng 16/4, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng xuất phát từ việc thiếu vốn và khát vốn trên lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu (XK) thủy sản, mà nhất là con cá tra đã xảy ra nhiều chuyện đáng ngại.

Do áp lực từ vốn

Tính từ ngày 1/1 đến 15/3/2012, giá trị XK cá tra của cả nước đạt 335 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng là mừng nhưng thực tế đã xảy ra những chuyện xót xa. Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, do gặp khó về vốn, hay nói chính xác là bị áp lực phải trả nợ ngân hàng, nhiều DN chế biến XK đã tìm mọi cách đẩy hàng ra, thậm chí chấp nhận thiệt hại, bán với giá thấp.

Tất nhiên chuyện xuất bán giá thấp - nhìn nhận ở quyền lợi chung của các DN tham gia XK thì chẳng ai khuyến khích, nếu không nói bị chỉ trích nhưng theo ông Dũng - hầu hết DN làm việc này xem đó là một trong những cách tự cứu mình trước khi trời cứu.

Một thực tế khác cũng xuất phát từ chuyện bị áp lực về vốn, dẫn đến giá cá tra lao dốc đến mức… khủng. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá cá tra nguyên liệu rớt xuống 5.000 - 6.000 đồng/kg. "Giá cá tra lao dốc là do cả người nuôi và nhà chế biến đều thiếu tiền" - ông Dũng giải thích.

Theo ông Dũng, vì rất cần tiền (để tái sản xuất, để trả ngân hàng…) nên người nuôi không thể lựa chọn phương thức thanh toán như trước đây (bán xong, có khi sau 2 tháng mới nhận hết tiền) mà muốn bán cho DN nào có tiền mặt để trả liền cho họ bởi một khi cá đến lứa, kéo dài ngày nào là "chết" thêm ngày đó.

Trong tình trạng thiếu vốn, người nuôi cá tra ĐBSCL lại phải đối mặt với những diễn biến bất lợi của thị trường.

Và thế là họ chấp nhận bán cá với giá thấp còn chắc hơn bán giá cao rồi không biết khi nào mới nhận được tiền do đã xảy ra vụ việc DN "đại gia" nợ tiền bán cá đến mức phải ra Tòa. Đối với phía DN, dù rất cần cá nguyên liệu để duy trì sản xuất, phục vụ các hợp đồng đã ký với đối tác nhưng đang khó khăn về tài chính nên khả năng mua cũng hết sức hạn chế.

Cần vận dụng chính sách linh hoạt

VASEP cho biết dù lãi suất đã giảm xuống còn 14,5%/năm từ đầu năm 2012, lại nằm trong nhóm được ưu tiên nhưng DN chế biến thủy sản XK rất khó vay được tiền với lãi suất này, mức phổ biến mà các DN phải chịu là 15% - 19%/năm. "Với mức lãi suất này, trong tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, nếu không khéo liệu cơm, gắp mắm thì coi chừng sản xuất hiệu quả cũng chỉ đủ để trang trải khoản lãi vay và các chi phí khác" - một chuyên gia cảnh báo.

VASEP phân tích nhóm sản xuất và XK cá tra là nhóm có nhu cầu vay vốn lớn nhất trong năm 2012 (để mở rộng vùng nuôi, đảm bảo cho chế biến XK và thu mua cá nguyên liệu). Trong quý II-2012, nguồn vốn vay khẩn cấp cần từ 10 - 500 tỷ đồng để "ném" vào vùng nguyên liệu, giống, thức ăn, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất và chế biến; cần từ 10 - 300 tỷ đồng cho hoạt động phát triển sản xuất và chế biến (nâng cấp nhà xưởng, đầu tư vùng nguyên liệu).

VASEP cho rằng ngân hàng nên tạm thời giãn thời gian đáo hạn cho các DN đang hoạt động kinh doanh tốt nhưng bị tác động do các thị trường nhập khẩu đều chậm thanh toán từ 45 - 60 ngày và do hình thức thanh toán DP ở thị trường Mỹ. VASEP đề xuất ngân hàng nên nghiên cứu chính sách linh hoạt, phù hợp với đặc thù của ngành. Cần thẩm định, nghiên cứu cho vay đối với các dự án khả thi của các DN về phát triển vùng nuôi, liên kết nuôi để đảm bảo nguồn cung, đủ thời gian thu hồi tiền từ XK… giúp các DN và ngành cá tra đứng vững, phát triển.

Trao đổi với PV Báo CAND, Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, vấn đề mà ông quan tâm không phải là chuyện năm nay con cá tra mang về bao nhiêu ngoại tệ cho đất nước mà là khi đạt giá trị kim ngạch đó (năm 2011 là 1,8 tỷ USD), lợi nhuận mang lại cho người nuôi, DN chế biến, các lực lượng trung gian thế nào. "Làm sao mình kéo giảm giá đầu vào (tức giá thành) và tăng giá đầu ra. Mục tiêu cuối cùng là người sản xuất lợi thế nào, có bù trừ được chi phí không, có lời hơn năm trước không? Chứ không nói mãi xuất được bao nhiêu, thu bao nhiêu tỷ USD" - ông Dũng nói.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2012/4/170201.cand