Cá-thép không thể hóa rồng

Cái ý tưởng “du lịch Formosa” của Viện Liên hiệp Khoa học phát triển bền vững (STDe) với ý đồ “đánh thức du lịch miền Trung” sau gần nửa năm sống dở chết dở vì thảm họa môi trường do Formosa gây ra đã làm dư luận choáng váng...

Theo STDe, tour du lịch Formosa sẽ đi qua bốn điểm du lịch.

Điểm du lịch thứ nhất: Khu du lịch cá - thép - nơi diễn ra mối tình của nàng cá và chàng thép (vị trí tại Đèo Con - Khu công nghiệp Vũng Áng - Hà Tĩnh). Tại đây, khách du lịch sẽ chứng kiến mối tình cá - thép và sự chung sống hài hòa qua các hoạt động du lịch trải nghiệm như: Đua mô-tô cá thép, cà phê cá thép, trải nghiệm 1 đêm ngủ trong bụng cá thép (khách sạn cá thép), tham quan bảo tàng các tác phẩm nghệ thuật từ cá thép...

Điểm thứ hai - Làng chài cá Gỗ - nơi nàng cá Gỗ sinh ra và lớn lên sẽ được tái hiện tại địa điểm bãi biển Hải Trạch - Quảng Bình trong điểm đến thứ hai. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về tổ tiên, nguồn gốc và huyền thoại về loài cá Gỗ, được ăn thử bữa cơm làng chài với cá Gỗ và tham gia chế tác, điêu khắc cá Gỗ...

Điểm đến thứ ba sẽ là khu du lịch “Thép đã tôi thế đấy...” là nơi chàng cá - thép tu tập để vượt cổng Vũ Môn (địa điểm tại bãi biển Triệu An - Quảng Trị). Nơi đây là nơi sẽ kết nối 3 công viên chuyên đề độc đáo mang tên: Cá - cát; cá - gió và cá - nắng...

Điểm nhấn cuối cùng là khu du lịch cá - rồng: Nơi cá - thép tái sinh và hóa rồng tại điểm bãi biển Lăng Cô, Thừa Thuế - Huế. Một trải nghiệm về quá trình hóa thân ngoạn mục của cá - thép gắn với hoạt động du lịch thú vị như: Thi thoát xác thành rồng, tham quan tượng đài cá thép hóa rồng, xem nhạc nước chủ đề cá hóa rồng...

Các tác giả khẳng định xanh rờn: Chắc chắn sẽ rất bất ngờ và thu hút du khách (!).

Ảnh: Dân Trí

Tôi không biết du khách bị “bất ngờ và bị thu hút” ở đây sẽ là những du khách nào? Phải chăng đó là những du khách chưa hề nghe nói, chưa hề quan tâm và hoàn toàn dửng dưng vô cảm với vụ thảm họa môi trường mà thủ phạm là khu công nghiệp sản xuất thép Formosa, từng "giết chết" một vùng biển tuyệt đẹp và giàu có kéo dài hàng trăm cây số, làm điêu đứng hàng triệu ngư dân và gây họa cho cả nước?

Có thể ta vẫn sản xuất thép, vẫn dùng nhiều, rất nhiều thép nhưng làm gì có “mối tình của nàng cá và chàng thép” ở Đèo Con - Vũng Áng? Làm gì có “chàng cá - thép tụ tập để vượt cổng Vũ Môn (tại bãi biển Triệu An - Quảng Trị)? Làm gì có cá - thép tái sinh và hóa rồng tại điểm bãi biển Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế? Sự tô vẽ, bày đặt và “mô ve gu” cực kỳ khi thi vị hóa “CÁ và THÉP” thật nực cười.

Thảm họa xảy ra chỉ cách đây có mấy tháng, miền Trung vẫn còn tươi rói nỗi đau của cá và sau đó là của con người. CÁ và THÉP liệu có thể tồn tại bên nhau như vậy không? Một trong những người góp cái tên nhớ đời vào thảm họa môi trường ở Vũng Áng là ông Chu Xuân Phàm đã khẳng định có thép thì không có cá đó sao?

Việc đưa con “cá gỗ”, một nét tự trào rất đặc sắc của dân xứ Nghệ vào cái gọi là “chuỗi du lịch cá - thép” lại càng ngô nghê. Con “cá gỗ” trong chuyện dân gian Nghệ Tĩnh không có liên quan một li nào với chuyện du lịch biển miền Trung. Và có lẽ không gì kỳ quái hơn là chuyện “thép đã tôi thế đấy” để làm “cá hóa rồng”!

Tác giả của “ý tưởng” - tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, "Tour du lịch Formosa là nhằm cứu dân, thương đồng bào miền Trung khi mất cả du lịch, cả cá nên phải nghĩ ra hướng đi khác để giúp người dân có cơ hội công ăn, việc làm, nguồn thu từ du lịch...". Bà cũng nói, STDe đã tự bỏ tiền ra để nghiên cứu, đề xuất ý tưởng chứ không có ai tài trợ. Đúng là một ý tốt (!).

Nhưng bà Hạnh và STDe quên hoặc vô cảm đến mức quên mất rằng, từ THÉP vô tội đang là nỗi ám ảnh với người Việt không chỉ miền Trung mà thôi. Tôn vinh thép không làm cá sống lại, cũng không thể làm cá hóa rồng, hay như bà Hạnh vừa trả lời báo chí “để khách du lịch đến miền Trung được trải nghiệm về huyền thoại cá - thép, tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử của loài cá, niềm vui và nỗi buồn của loài cá cũng như giấc mơ hóa rồng của chúng... Thông điệp của sản phẩm này là: "Cá có thể chết đi nhưng linh hồn của cá thì sẽ còn tồn tại mãi mãi". Linh hồn của vô vàn con cá chết phơi xác trắng bãi biển, nếu tồn tại thật, sẽ nói gì về dự án này?

Ngư dân và người dân sống bằng cá, con cá thật thơm ngon, không độc hại, ngư dân sống bằng biển lành, biển hào phóng và thơm thảo chứ không sống bằng “linh hồn của cá thép” hay “giấc mơ cá thép hóa rồng”. Du lịch biển miền Trung chỉ có thể được đánh thức khi môi trường được sống lại, khi những kẻ gây ra thảm họa chuộc tội lỗi bằng cách trả lại sự yên lành của môi trường biển gần biển xa. Mọi ý tưởng muốn tô vẽ, che đậy hay thi vị hóa một cách kệch cỡm, dù có tinh vi bao nhiêu cũng không thay thế hay che giấu được sự thật.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ca-thep-khong-the-hoa-rong-711914.html