Ca sĩ Thu Phương:'Sống và hát bằng nỗi nhớ...'

Ở tuổi 40, Thu Phương vẫn đi về giữa Việt Nam và Mỹ, để hát, hay đơn giản chỉ la cà trên những con đường Hà Nội từng gắn bó với mình. Năm nay, những chuyến đi đó có phần đặc biệt hơn, vì đánh dấu 30 năm Thu Phương theo nghiệp ca hát. Không tổ chức liveshow hoành tráng, ngày 11.11 tới, chị sẽ làm một đêm nhạc ấm cúng, tại nơi mọi thứ được bắt đầu - Nhà hát Tuổi Trẻ. Như một bản năng, nhắc lại kỷ niệm với nơi này, với mùa thu Hà Nội, Thu Phương lại khóc, lại ước ao “xin một vé về tuổi thơ”.

30 năm, trở về tri ân nơi bắt đầu

* Khi nhắc tới Nhà hát Tuổi trẻ, chị nhớ điều gì đầu tiên và khó quên gì nhất?

- Nơi đó có tuổi thơ tôi, tuổi trẻ của tôi trôi qua ở đó. Là niềm tin của bố và nơi chắp cánh ước mơ ca hát của tôi. Là nỗi buồn và những giọt nước mắt, là nỗi nhớ gia đình đến quay quắt. Những kỷ niệm chỉ như mới ngày hôm qua thôi, không thể nào quên được. Ngày bố đưa tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội, tôi biết đó là quyết định rất khó khăn, chứ không đơn giản chỉ là “nhà bớt đi một miệng ăn” như bố vẫn bảo. Nhưng hơn ai hết, ông biết con mình có đam mê, có năng khiếu và được Nhà hát Tuổi trẻ nhận.

Tôi nhớ, ngày đó tôi 14 tuổi, là một con bé da đen nhẻm, trông nhà quê. Tôi được Nhà hát phân cho một phòng rộng 6m2, trên tầng 5, có một cái giường đơn, một cái xô, một cái chạn và một cái valy rất bé. Nếu hỏi tôi nhớ điều gì đầu tiên, có lẽ là ô cửa sổ tầng 5 của khu tập thể Nhà hát Tuổi Trẻ. Ở đó tôi đã đứng khóc bao lần, vì nhớ nhà, vì tủi thân. Cứ khoảng 4 - 5h chiều, sau hành trình đi bộ từ Nhạc viện Hà Nội trở về, tôi lại đứng ở ô cửa sổ đó, nhìn những nhà xung quanh cơm nước, sum vầy… rồi khóc. Rồi chính ô cửa sổ làm tôi biết yêu Hà Nội, qua những cành hoa sữa, thơm ngát, sà vào tận cửa phòng. Mùi hương ám ảnh tôi cả một thời tuổi trẻ và cả ánh đèn của đường phố khi chập choạng tối, chiếu hắt vào khung cửa.

Suốt 4 năm, tôi làm bạn với khung cửa đó, sống như một đứa “cù bất cù bơ”. Ngoại trừ giờ lên lớp, còn đâu cứ lang thang khắp nơi, chỗ nào ăn được, chỗ nào quen được, chơi được là sà vào đó... Rồi có hôm nhớ nhà quá, giữa đêm khuya, không có tiền mua vé tàu, tôi một mình đi bộ ra ga Hàng Cỏ nhảy tàu chui về Hải Phòng, để được mẹ rim cho mấy con tôm, nấu cho bữa cơm, ngắm nhìn mọi người trong gia đình, rồi lại ngược lên Hà Nội.

Nhưng ở nơi đó không hẳn chỉ có những kỷ niệm buồn, mà còn cho tôi một gia đình. Tất cả thầy cô đều yêu thương tôi. Các anh chị em trong lớp như Khánh Huyền, Hoài Phương, Hải Yến… cũng giúp đỡ tôi nhiều lắm, có khi thấy tôi đói, họ rủ về nhà chơi, chỉ để mời ăn bữa cơm.

* Kỷ niệm ngày đầu đặt chân lên sân khấu, tại một không gian chất chứa kỷ niệm như thế, chị sẽ mang đến điều gì đặc biệt?

- Khi tôi có ý tưởng làm đêm nhạc kỷ niệm 30 năm ca hát, nhiều người đã gọi cho tôi nói họ sẽ tài trợ, để tôi tổ chức ở một không gian lớn hơn. Nhưng tôi vẫn nhất quyết phải ở Nhà hát Tuổi Trẻ và tự bỏ tiền túi ra làm. Tôi muốn dành trọn sự tri ân với những người dìu dắt, ủng hộ và yêu mến mình.

Đêm nhạc sẽ có các ca khúc của nhạc sĩ Việt Anh, sẽ có những người bạn từng gắn bó với Thu Phương từ thuở đầu vào nghề và không thể thiếu các ca khúc về Hà Nội. Không phải tự nhiên mọi người gọi tôi là “cô gái của mùa Thu Hà Nội”. Tôi không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, nhưng hát ca khúc về Hà Nội lại được khán giả ủng hộ. Có lẽ vì tôi nhìn Hà Nội không giống người khác, đó giống như cái nhìn đầy khao khát của một người khách muốn “chạm” vào Hà Nội. Cũng trong đêm nhạc, tôi sẽ lần đầu thử sức với một việc mà từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ hình dung mình có thể làm được. Đó chắc chắn sẽ là một bất ngờ rất lớn với khán giả.

“Nỗi buồn đã cho tôi thân phận”

* 30 năm, quãng thời gian không ngắn với sự nghiệp của một ca sĩ, nhìn lại chặng đường đó, chị thấy mình được - mất những gì?

- Tôi may mắn khi được khán giả yêu thương, nhưng để nói mình hạnh phúc thì không đơn giản để nói ra. 30 năm, để tỏa sáng trên sân khấu 5 phút có khi phải trả giá bằng cả cuộc đời, bằng những nỗi đau. Nếu cho tôi thời gian quay trở lại, tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn. Có nhiều khi mọi người hỏi tôi, có nên quên chuyện quá khứ đi không, về cuộc hôn nhân đổ vỡ, về những cuộc chuyển dời? Cũng có lúc tôi từng mơ giá như mình quên hết. Nhưng, tôi vẫn là “cô gái đến từ hôm qua”, giống như quá khứ là một phần cuộc đời mỗi người, không thể chối bỏ được. Nhạc sĩ Việt Anh cũng đã nghiệm ra rằng: “Có bình yên nào mà không xót xa”. Vậy nên nỗi buồn, nỗi đau tôi từng nếm trải trong 30 năm qua đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, hát cảm xúc hơn và thấu đáo hơn trong những quyết định ở thì hiện tại.

* Mỗi lần lên sân khấu chị thường hay khóc, nước mắt đó của sự tiếc nuối, mặc cảm hay xót xa phận mình?

- Có tất cả những điều đó. Cuộc đời tôi đã gặp rất nhiều biến cố, phiêu bạt từ Hải Phòng lên Hà Nội, vào Nam, rồi từ Á sang Âu, sang Mỹ. Từng hát với mức cát xê 1.000 đồng, hay chỉ lấy bữa cơm ăn, trước khi có một Thu Phương của hiện tại. Bây giờ, cứ cất tiếng hát lên là nặng trĩu nỗi buồn và nước mắt cứ thế chảy. Có khán giả hỏi, đến chừng nào Thu Phương hết khóc? Đến chừng nào bài hát của Thu Phương hết buồn? Tôi làm sao có thể trả lời khi trong cuộc sống, sóng gió vẫn đến, những điều mình không hề muốn vẫn cứ xảy ra. Con nhỏ nhất của Phương mới 5 tuổi, con lớn nhất là 22 tuổi. Tuổi nào cũng phức tạp cả, nhất là càng lớn sẽ càng vất vả. Vợ chồng đồng lòng nuôi dạy con cái còn có nhiều khó khăn chứ đừng nói gì đến hôn nhân của tôi rất phức tạp.

Tôi cũng từng nghe nói có người bảo tôi diễn, vì lần nào hát cũng khóc. Tôi liên tục tự hỏi mình, tại sao họ lại nghĩ như vậy? Tôi chỉ nghĩ mình là người kể chính câu chuyện của bản thân mà thôi. Với tôi, khóc cũng là cách làm mình thanh thản và yêu cuộc sống hiện tại hơn.

* Chị có nghĩ chính nỗi buồn làm nên một Thu Phương có thân phận trong âm nhạc?

- Nếu thật vậy thì tôi phải xem lại bản thân mình, có lợi dụng tình yêu, lấy chuyện riêng của mình để lấy nước mắt khán giả hay không? Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, sẽ xây dựng cho mình một con đường đi như thế nào. Tôi sống và hát bằng nỗi nhớ, bằng tất cả những gì có thật. Tất nhiên không phải là một mình Thu Phương nhớ, một mình Thu Phương buồn, một mình trải nghiệm và có sóng gió, nhưng mình có thể lan tỏa và truyền tải cho người xung quanh bằng những câu hát, để sống lạc quan hơn.

Xin cảm ơn chị!

BÍCH HÀ thực hiện

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ca-si-thu-phuongsong-va-hat-bang-noi-nho-605349.bld