Ca sĩ sốc và... bất lực

Trung tuần tháng 3 vừa qua, ca sĩ Phương Nga - giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phát hành album Acoustic "Ơi cuộc sống mến thương". Chỉ vài ngày sau đó, "Ơi cuộc sống mến thương" đã nghễu nghện trên các website nhạc số khiến chủ nhân của nó kinh ngạc đến độ... bật khóc....

Nhưng Phương Nga không phải là nạn nhân đầu tiên: hàng loạt ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Tấn Minh, Thái Thùy Linh, Lê Cát Trọng Lý, Quốc Hưng... đều đã gặp phải tình trạng tương tự mà không biết kêu ai. Không lẽ, ở một đất nước đã có luật pháp quy định rõ ràng về quyền của người biểu diễn lại phải chịu bó tay, bất lực trước vấn nạn này?

Vi phạm tràn lan

Album "Ơi cuộc sống mến thương" được Phương Nga đầu tư hàng trăm triệu đồng đang đối diện với nguy cơ không thể hoàn vốn (không dám nói tới việc thu lời). Quá bất ngờ và...bức xúc, Phương Nga đã phải tìm cách liên hệ với báo chí để mong nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ. Câu chuyện của Phương Nga đang khiến dư luận quan tâm, bởi từ khi công nghệ nhạc số phát triển, tình trạng bản quyền âm nhạc tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng, ngang nhiên tại Việt Nam mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý, quyền lợi chính đáng của ca sĩ vẫn chưa được bảo vệ. Dường như chưa có trang web chuyên về âm nhạc ở Việt Nam có thói quen xin phép ca sĩ khi đưa tác phẩm mà họ đã biểu diễn lên mạng, chứ chưa nói gì đến việc trả tiền bản quyền. Để có quyền được hát các ca khúc trong album "Ơi cuộc sống mến thương", ca sĩ Phương Nga đã phải thanh toán 9 triệu đồng tiền bản quyền cho các nhạc sĩ qua Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Trước Phương Nga, ca sĩ vào hàng di-va của Việt Nam là Mỹ Linh còn "sốc nặng" khi album "Tóc ngắn Acoustic - Một Ngày" (7/2011) lập tức xuất hiện trên các website nhạc số ngay sau khi chị tổ chức họp báo phát hành album. Điều này đã khiến nữ ca sĩ thiệt hại nặng nề. Nhìn mồ hôi, nước mắt, tiền của đầu tư của mình bị ăn cắp một cách công khai giữa ban ngày nhưng không có cách nào ngăn chặn, ca sĩ Mỹ Linh đã nhiều lần bày tỏ bức xúc, phản đối. Nhưng theo chia sẻ của di-va, việc này cũng chẳng khác nào "ném đá ao bèo". Tình trạng tương tự cũng diễn ra với album vol 3 "Bộ đội" của ca sĩ Thái Thùy Linh. Đây là album gồm các ca khúc nhạc "đỏ" được phối theo phong cách rock mới mẻ, phát hành hồi tháng 1/2011 với số lượng 2.000 đĩa và mức đầu tư lên đến 250 triệu đồng. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau khi có mặt trên thị trường, album này xuất hiện tràn lan trên nhiều trang web, cho phép người sử dụng tải miễn phí. Ca sĩ Thái Thùy Linh chỉ thu được tiền từ khoảng trên 500 đĩa bán ra mà thôi.

Nhờ đấu tranh tích cực ca sĩ Thái Thùy Linh đã đòi lại được một phần thiệt hại.

Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý với album "Lê Cát Trọng Lý", ca sĩ Quốc Hưng với CD "Hà Nội ơi! Thầm hát" (2-2010) cũng không nằm ngoài danh sách những người bị xâm phạm một cách không thương tiếc. Khi biết tác phẩm của mình bị xâm hại, Lê Cát Trọng Lý đành phải lựa chọn "giải pháp mềm" - đó là gửi thư đến những địa chỉ vi phạm, nói mình sẽ cho phép đăng tải album "Lê Cát Trọng Lý" sau 30 ngày đĩa này được phát hành trên thị trường. Nhưng không vì thế mà các website này buông tha. Nhiều nơi, chỉ một tuần sau, toàn bộ album của Lê Cát Trọng Lý đã trở thành sản phẩm miễn phí của cộng đồng, mặc cho khổ chủ ôm mối hờn không biết tỏ cùng ai...

Cần một trung tâm bảo vệ quyền của người biểu diễn

Khi được hỏi có cách nào để hạn chế được nạn "ăn cắp giữa ban ngày" trong lĩnh vực phát hành băng đĩa âm nhạc như hiện nay không thì hầu như các ca sĩ đều lắc đầu ngao ngán. Cảm giác chung của họ là... bất lực, bởi thời đại công nghệ số và việc thiếu những biện pháp quản lý, bảo vệ đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, trong phần quy định quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan gồm: Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm được gọi chung là "người biểu diễn". Bởi vậy, mọi hành vi công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng... đều có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, với việc các website nhạc số đăng tải các bản nhạc và kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ... mà chưa được phép từ các ca sĩ thì đều có thể bị xử phạt, bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại cho người có tác phẩm bị xâm hại theo những quy định hiện hành của pháp luật.

Theo ông Vũ Ngọc Hoan - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: "Ở Việt Nam, hiện ngoài 3 tổ chức tập thể bảo vệ quyền tác giả là Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, hiện vẫn đang còn thiếu một Trung tâm bảo vệ quyền của người biểu diễn. Nếu có thêm trung tâm này, quyền lợi của ca sĩ, nghệ sĩ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Đặc biệt là đối với âm nhạc - lĩnh vực có tần suất sử dụng và sử dụng lại tác phẩm nhiều nhất. NSND Trần Bình có đến Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ ý định xin thành lập một Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc mới. Về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn đang "hướng" để NSND Trần Bình thành lập Trung tâm bảo vệ quyền của người biểu diễn...".

Khi chúng tôi liên lạc với NSND Trần Bình thì được ông cho biết, ông và các cộng sự đang tiến hành những bước cần thiết để sớm ra mắt trung tâm này.

Trong khi chưa có một trung tâm bảo vệ quyền của người biểu diễn, một số ca sĩ khi phát hiện mình bị vi phạm đã phải tự mình đi tìm công lý. Đó là trường hợp của các ca sĩ: Mỹ Tâm, Thái Thùy Linh. Từ 10 năm nay, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là nơi chỉ bảo vệ quyền cho các nhạc sĩ, còn quyền của ca sĩ biểu diễn thì gần như vẫn là lãnh địa bị bỏ trống. Vì thế, bằng việc liên hệ và gửi văn bản đến 15 đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ bài hát của mình từ tháng 10/2009, Mỹ Tâm đã trở thành người đầu tiên giành chiến thắng trong việc đòi được tiền tác quyền "người biểu diễn" từ các công ty kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ bằng các bài hát của cô với số tiền thu được trên 1 tỉ đồng. Còn trường hợp của Thái Thùy Linh, cô phải nhờ Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đi đòi quyền liên quan cho việc phát hành ca khúc nằm trong album "Bộ đội" trên một số website nhạc số với mức tiền là 500 đồng cho một lượt nghe/tải. Đến tháng 12/2011, website music.go.vn đã bồi thường cho Thái Thùy Linh gần 5 triệu đồng cho 8.500 lượt tải album "Bộ đội" từ người sử dụng mà ca sĩ này ghi nhận được. Không dừng lại ở đó, ca sĩ Thái Thùy Linh còn thể hiện quyết tâm theo đuổi vụ kiện với mức đòi bồi thường lên tới 400 triệu đồng. Tuy vậy, thành công bước đầu của Thái Thùy Linh được xem là một động thái tích cực, tín hiệu vui cho giới ca sĩ chân chính đang và sẽ phát hành album. Nhưng thông thường, các ca sĩ, nghệ sĩ vẫn là những người ngại động chạm đến vấn đề kiện tụng nên dẫu chịu thiệt hại, nhiều người vẫn đành cám cảnh "ngậm bồ hòn làm ngọt". Vì vậy, một Trung tâm bảo vệ quyền của người biểu diễn được thành lập lúc này là việc cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nghệ sĩ trong bối cảnh âm nhạc trong thế giới số đang bị... thả nổi như hiện nay. Với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như hiện nay, cùng với một chế tài xử phạt tối đa là 8 triệu đồng (theo Nghị định 47 ban hành năm 2009 trong việc xử phạt hành chính ở lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan) được xem là chưa đủ tính răn đe đối với hành vi vi phạm này.

Cũng cần nói thêm, hiện nay nhiều ca sĩ ít tên tuổi luôn mong được các trang web âm nhạc "đăng tải giùm" bài hát của mình để quảng bá tên tuổi, thì những ca sĩ đã có tên tuổi, có lao động nghệ thuật thực sự, bỏ tiền của tâm huyết ra đầu tư cho tác phẩm của mình như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Trọng Tấn... thì họ không cần đến điều đó. Họ có quyền được tôn trọng và được hưởng thành quả từ những lao động, cống hiến của mình và họ cần có những cơ chế bảo vệ chứ không đơn thuần là tự vệ một cách khá... bất lực, tuyệt vọng như hiện nay

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/diendan/2012/4/56954.cand