Ca sĩ Lê Uyên : Tôi và Phương mãi là tình nhân của nhau

Chiếc xe chầm chậm tiến vào thành phố. Đồi dốc quanh co, thông reo và cỏ hoa óng ánh trong nắng sớm. Những ngôi nhà mái đỏ. Tim chị đập mạnh. Đôi tay run rẩy chạm vào bức tường loang lổ của ngôi nhà 18 Bùi Thị Xuân, Đà Lạt - nơi khởi nguyên của mối tình định mệnh.

- Hồi đó chị mới 15 tuổi mà đã như nàng Trác Văn Quân trèo tường theo Tư Mã Tương Như rồi.

+ (Cười) Do mình yêu quá em à. Hồi đó, căn nhà số 18 Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân) tôi ở có cửa sổ trên gác, mỗi lần anh ra ám hiệu là tôi trèo qua cửa sổ đó để trốn nhà hẹn hò với anh.

- Mà sao chị yêu anh dữ vậy?

+ Tôi hay sang chơi với em gái của Phương, thấy anh hiền, nhân hậu và cũng hay nghe lỏm những bài nhạc của anh. Rồi hâm mộ tài năng anh, con người anh. Về thì thấy nhớ không chịu được. Một ngày, tôi mặc áo dài điệu đàng bước ra đường thì nghe phía sau có người cất tiếng: "Chào cô". Tôi ngoảnh lại tính chào một cái thì bắt gặp ánh mắt nhìn mình trìu mến.

- Một cuộc va chạm cỡ hành tinh?

+ (Cười) Cú chạm mắt đó khiến tôi xây xẩm mặt mày. Từ giây phút ấy có cảm tưởng như linh hồn bị anh bắt mất, thuộc về anh vĩnh viễn rồi.

- Phút ban đầu nhiều người cũng yêu cuồng say, quên hết vũ trụ này. Nhưng nhiều phụ nữ "vỡ mộng" vì theo họ, người đàn ông trước và sau hôn nhân thay đổi rất nhiều. Mà nghệ sĩ người ta mặc định là đa sầu, đa cảm thì càng nhanh thay đổi. Chị thì sao ạ?

+ Tôi thấy anh thì trước sau vẫn thế. Đứng trên bục thì anh là một thầy giáo giỏi, còn người tình thì anh là một người tình nồng nàn. Hồi mới yêu, anh bảo: "Tất cả những bài hát sau này anh sẽ viết cho em và để em hát" thì anh làm đúng như vậy. Âm nhạc làm tình yêu của chúng tôi nảy nở và thăng hoa. Có lẽ cũng bởi vì anh mắc bệnh hiểm nghèo, không biết khi nào sẽ tạ từ cõi thế nên chúng tôi yêu nhau cuống quýt, nâng niu từng phút bên nhau như sợ ngày mai không còn nhìn thấy nhau nữa. Thú thật, bao nhiêu năm chung sống với nhau, tôi và anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình là vợ chồng. Chúng tôi là tình nhân của nhau. Vẫn vui cười, vẫn hẹn hò mà không nặng nề trách nhiệm.

- Yêu nhau như vậy thì tại sao lại có giai đoạn chị và anh đường ai nấy đi. Rút cuộc trên đời này, tình yêu đắm đuối, chân thành và đẹp đến mấy cũng có lúc tan vỡ ư?

+ Không, chúng tôi chưa bao giờ chia tay, dù là trong ý nghĩ. Bạn thử nghĩ đi, chúng tôi đã trải qua bao nhiêu thử thách, chông gai, tranh đấu quyết liệt để có nhau thì không có lý do gì chia tay. Chuyện là thế này: Vào năm 1985, hai băng đảng thanh toán nhau thì một viên đạn lạc vào tôi. Tôi mê man gần 20 ngày, phải truyền 12 bịch máu. Mọi thứ bị xáo trộn, buộc chúng tôi phải sắp xếp lại để thích hợp với hoàn cảnh mới. Bốn năm dưỡng bệnh không đi hát đã khiến mọi người lầm tưởng rằng chúng tôi chia tay nhau.

- Chị hẳn không thể quên nơi hẹn hò đầu tiên?

+ Đó là quán cà phê Tùng ở Đà Lạt, chúng tôi hẹn nhau vào mùa thu năm 1966. Hồi đó hai đứa hay kéo ra đấy ngồi và ngắm phố.

- Hình như đó là nguồn cơn của bài "Vũng lầy của chúng ta"?

+ Bài đó sáng tác sau nhiều ngày tôi và anh lang thang xuống phố. Xuống phố làm gì? Không làm gì to tát hết. Xuống đó ăn với nhau tô phở rồi đi bộ từ Hàm Nghi (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi) đến Hồ Xuân Hương. Sau khi ăn đu đủ bào khô bò, chúng tôi lại đưa nhau đi lên con dốc cao và uống cà phê, nói đủ chuyện trên trời dưới đất mà chuyện nào cũng nổ như bắp rang. Không phải một đôi lần mà ngày nào chúng tôi cũng xuống phố như thế. Kéo dài từ năm này qua năm khác cho đến khi chúng tôi rời Đà Lạt năm 1979.

- Nãy giờ tôi thấy chị ngắm CD Tuyệt phẩm Lê Uyên Phương: "Dạ khúc cho tình nhân" và "Cho lần cuối" của mình hoài. Lâu lắm rồi anh chị mới ra CD chính thức ở Việt Nam.

+ Ngắm đi ngắm lại hai cuốn CD này, tôi vẫn rất hồi hộp như ngày nó mới ra mắt hồi tháng 4-2016. Tôi không nghĩ một ngày, đứa con tinh thần này được đón nhận tại Việt Nam. Đặc biệt nó lại ra mắt tại nơi mà 50 năm trước đã khởi đầu cho hai đứa giới thiệu những bài hát đến với học sinh, sinh viên ở các sân trường đại học.

Sau gần 40 năm xa quê hương, một thời gian đủ dài để chúng tôi lại ước mơ đem nó trở lại. CD này là một trong những điều tôi đã hứa với anh Lê Uyên Phương trước khi anh mất. Hầu hết mọi người chỉ biết các bài hát nằm trong album "Yêu nhau khi còn thơ" và "Khi loài thú xa nhau" mà không biết anh Phương còn có rất nhiều bài hát khác nữa. Nó nặng nỗi niềm thân phận con người khi anh chứng kiến cơn binh lửa ở giai đoạn năm 1975-1979. Hay nỗi niềm khi chúng tôi xa Việt Nam… Những bài anh phổ thơ của bạn bè. Nhiều bài chưa được công bố, tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến công chúng.

- Đến tận bây giờ chị có tự tin mình hát tình khúc Lê Uyên Phương là hay nhất không?

+ Tôi không nghĩ tôi là người hát hay nhất nhưng có lẽ tôi hát đúng nhất, đúng với cái hồn của bản nhạc vì tôi là người đã được anh viết cho bài hát đó, là người gần nhất, hiểu nhất. Đã có nhiều người hát nhạc của anh. Quan trọng là họ yêu âm nhạc Lê Uyên Phương. Và khi mình yêu điều gì thì mình làm điều đó phải tốt. Nhưng với tôi, không ai hát hay bằng chính anh.

Lê Uyên và Phương thổi một làn gió mới vào làng tân nhạc Việt Nam bằng những tuyệt phẩm tình yêu (Ảnh tư liệu của nhân vật)

- Bài "Cỏ hồng" được anh chị thể hiện rất thành công trong phim "Gánh hàng hoa" của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, năm 1970. Đây cũng là lần hiếm hoi anh chị hát bài của người khác.

+ Đúng vậy. Trước khi đưa bài cho chúng tôi thu âm, nhạc sĩ Phạm Duy có nói: "Tôi viết bài hát này cho hai cậu bởi vì trong nhạc của cậu nó có nhiều nhục tính". Bài hát lại có bối cảnh là ngọn đồi Đà Lạt nên chúng tôi đã hát hết mình, truyền đi cái rạo rực, hoang dại của đôi tình nhân yêu nhau giữa thiên nhiên mênh mông, bỏ mặc dòng đời biến động. Bây giờ, anh mất rồi thì cái gì còn giữ tôi đứng ở đây ngày hôm nay. Là vì tình yêu tôi dành cho anh. Chứ đúng ra tôi không muốn sống nữa khi anh ra đi.

- Một nỗi đau quá lớn. Nhiều khán giả ái mộ thời điểm đó thậm chí không dám nghĩ một ngày Lê Uyên và Phương lìa xa.

+ Tôi nhớ anh nhiều lắm. Nhớ để hạnh phúc, nhớ để đau khổ. Nhớ nhất vẫn là những giây phút cuối cùng khi mà tim của anh đã đập chậm lại. Tôi áp má tôi trên ngực anh và cho anh biết ai đang vào phòng. Tôi cảm thấy như anh biết điều tôi đang thầm thì nhưng anh không trả lời được. Và giây phút đó là quãng thời gian mà mỗi khi nhớ đến thì tôi chẳng muốn sống nữa. Nó ghê gớm, kinh khủng lắm… Tim anh cứ chậm dần, chậm dần cho đến lúc đồng hồ gõ 2 giờ chiều thì tôi không còn nghe nhịp đập đó nữa…

- Sau khi anh mất, chị sống ra sao?

+ Tôi suy sụp hoàn toàn. Nhưng lời trăn trối của anh buộc tôi phải sống, để thực hiện những dự định còn đang dở dang. Ở Mỹ, tôi mua được một mảnh vườn có nhiều cây thông trăm tuổi, tôi cũng trồng rất nhiều hoa và dựng căn nhà nhỏ bên bờ hồ. Tôi đặt chân dung, cây đàn của anh, bộ ấm trà để tưởng nhớ ngày chúng tôi còn ở Đà Lạt...

- Hình như từ ngày anh mất, chị không còn đeo sợi dây chuyền mặt đá hình trái tim nữa?

+ Tôi cất nó đi để đeo sợi dây chuyền của anh. Sợi của tôi và anh là một cặp, chỉ khác là mặt đá của anh hình tròn. Sợi dây này anh đã đeo trong hơn 30 năm trời. Đeo nó, tôi cảm thấy anh luôn ở cạnh mình.

- Lê Uyên trở về Đà Lạt và hát một mình, không còn Phương ôm đàn song ca bên cạnh, khán giả vui nhưng cũng ngậm ngùi, tiếc nhớ biết mấy.

+ Ngày xưa, tôi hát đến sự chia ly mà vẫn thấy hạnh phúc vì mình được hát những ca khúc của hai đứa. Nhưng khi anh mất đi, tôi mới thấm thía điều anh viết và hát những bài hát đó với tâm trạng đau đớn của một người đã bị mất mát rất nhiều. Bây giờ trở về Đà Lạt, dĩ nhiên tôi buồn vô cùng. Nhưng anh Phương từng nói nếu có chuyện gì tệ lắm xảy ra thì em phải sống, phải hát, đừng khóc bởi chuyện gì cũng đã được số mệnh sắp đặt. Lần này về Việt Nam, tôi còn viết hồi ký về cuộc đời hai đứa và gom góp để làm một bộ phim về cuộc đời Lê Uyên Phương.

- Một thông tin rất bất ngờ và thú vị. Vậy chị dự định mời ai đóng vai mình và anh Phương đây?

+ Vai anh Phương thì tôi chưa biết. Riêng nhân vật Lê Uyên hồi trẻ thì chắc tôi sẽ nhờ con gái út đóng vì cháu khá giống tôi hồi trẻ.

- Xin cảm ơn chị.

Phan Thi Uyên

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/ca-si-le-uyen-toi-va-phuong-mai-la-tinh-nhan-cua-nhau-405356/