Ca sĩ Hương Lan trải lòng về những kỷ niệm với nhạc sĩ Bắc Sơn

Nữ danh ca Hương Lan cùng với gia đình của cố nhạc sĩ sẽ có kế hoạch tổ chức đêm nhạc Bắc Sơn.

Ý tưởng này được đưa ra sau khi cuộc thi “Tiếng hát tình ca Bắc Sơn” kết thúc vào tháng 10/2017. Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Hương Lan và nghe những chia sẻ chân thành của chị về nhạc sĩ Bắc Sơn.

PV: Phải nói một cách khách quan, chị là ca sĩ duy nhất được "đóng đinh" với tình ca Bắc Sơn. Chưa có giọng hát nào thay thế được giọng hát Hương Lan với “Em đi trên cỏ non”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. Không biết chị bắt đầu “mối lương duyên” với âm nhạc Bắc Sơn như thế nào?

Hình ảnh của nhạc sĩ Bắc Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Sáp Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình ảnh của nhạc sĩ Bắc Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Sáp Thành phố Hồ Chí Minh.

Ca sĩ Hương Lan: Hương Lan nghĩ rằng dòng nhạc của chú Bắc Sơn hợp với giọng hát của mình nhất. Phải nói là Hương Lan là một trong những ca sĩ đi hát mà được khán giả thương nhiều nhất là những bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn, nó đi vào lòng người và nó thật với giọng hát của Hương Lan.

Có hai bài mà đi đâu Hương Lan cũng được yêu cầu hát, khán giả lớn tuổi, khán giả nhỏ tuổi cũng có - đó là “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Em đi trên cỏ non”.

Vào năm 1988 tôi biết đến tên nhạc sĩ Bắc Sơn qua bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, khi nhạc sĩ Nhật Ngân đưa cho tôi một cuốn băng cassette, trong đó có ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” và nói: “Em hát bài này sẽ hay lắm”. Sau khi làm nhạc xong ca khúc, Hương Lan đã tìm cách liên lạc với chú Bắc Sơn nhiều lần nhưng không thể gặp được.

Tôi có nhờ một vài người bạn ở Việt Nam tìm chú Bắc Sơn mà không biết tìm ở đâu. Khi bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” vừa phát hành thì Hương Lan nhận được thư của chú Bắc Sơn gởi qua, trong thư nói rằng: “Chú Bắc Sơn đã nghe bài "Còn thương rau đắng mọc sau hè", cảm ơn Hương Lan nhiều vì đã thể hiện bài hát đó và được rất nhiều khán giả trong nước yêu mến”. Hương Lan cũng đáp lại thư cho chú Bắc Sơn và nói ở nước ngoài cũng rất nổi tiếng bài hát đó. Hai chú cháu liên lạc với nhau từ dạo đó và quãng thời sau này, chú gửi thêm cho Hương Lan bài “Sa mưa giông”, “Em đi trên cỏ non”…

PV: Chị đã từng chia sẻ, người mà chị muốn gặp đầu tiên khi trong lần về Việt Nam đầu tiên sau gần 10 năm sống ở nước ngoài là nhạc sĩ Bắc Sơn. Và chị đã thực hiện điều đó?

Ca sĩ Hương Lan: Người mà Hương Lan gặp nhiều nhất, nói chuyện nhiều nhất và thân thiết nhất là chú Bắc Sơn ngay cả lần về Việt Nam đầu tiên và cả những lần sau. Hai chú cháu tâm đầu ý hợp nhiều thứ, có khi đến từ sáng mà tới tối mới về, chỉ nói chuyện về nhạc, tập dợt bài hát.

Hương Lan chụp hình cùng với chị Bích Thủy, con gái thứ 7 của nhạc sĩ Bắc Sơn, người khởi động cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn.

Hương Lan từng thổ lộ rằng “Con về thăm quê hương, nhìn lại những bờ sông, bãi tre, muốn chú viết nhiều những ca khúc về quê hương”. Có lần chú hỏi Hương Lan, tháng mấy con về? Và sau đó chú sáng tác ca khúc “Tháng mấy em về”, chú nói: “Viết cho con đó, con về mà hát nghen”.

Tiếc là chú mất sớm và bất ngờ quá. Trước đó Hương Lan có gọi điện nói vô nhà thương thăm chú mà chú còn nói: “Thăm làm chi con, mai mốt chú về rồi chú cháu mình gặp nhau, trong này ồn ào lắm”. Chú nói vậy mà chú đi đột ngột, Hương Lan không kịp thăm. Tối hôm trước giờ liệm chú, lúc đó khoảng chừng 3-4h sáng, bên cạnh linh cữu chú, Hương Lan hát bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, một kỷ niệm để chú mang đi và một kỷ niệm để Hương Lan ghi nhớ về chú.

PV: Được biết, chị là ca sĩ duy nhất được nhạc sĩ Bắc Sơn cho phép sửa bản nhạc gốc. Để có sự ưu ái này chắc hẳn không chỉ xuất phát từ giọng hát của ca sĩ Hương Lan thể hiện quá thành công nhạc Bắc Sơn?

Ca sĩ Hương Lan: Có một số trung tâm ca nhạc thắc mắc tại sao Hương Lan lại hát nhạc Bắc Sơn khác với các ca sĩ khác. Vì trước Hương Lan cũng có một số ca sĩ hát nhưng đến khi Hương Lan hát nhạc chú Bắc Sơn thì khán giả mới biết đến rộng rãi. Những ca khúc khi đến tay Hương Lan thì Hương Lan thấy có những đoạn khó ca quá, ví như “Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Em đi trên cỏ non"… Hương Lan nói với chú là: “Con xin phép chú được chỉnh một số đoạn, chứ khó ca quá chú à. Con ca mà con không cảm được thì làm sao người nghe khó có thể chấp nhận nó. Vì chú viết mà chú không hát được thì sao mà hiểu được cảm xúc của người nghe”.

Đối với Hương Lan, chuyển tải một tác phẩm âm nhạc nó phải nhẹ nhàng, dịu dàng và sâu lắng, đặc biệt là đối với dòng nhạc quê hương.

Chú Bắc Sơn viết nhạc hay lắm nha, có những đoạn chú viết mà người hát không thể nào hát rõ dấu, sắc hỏi ngã nặng, hát nó cứ ngang ngang vậy đó. Khi nghe Hương Lan góp ý vậy mà chú nghe, chú nói: “Ok, chú tin tưởng con, bài nào con muốn sửa thì chú cho 1 mình con toàn quyền quyết định sửa. Chú tin tưởng con hát bài chú là hay, sửa sao con dễ ca để người ta dễ nghe là được. Chú sẽ chép bài lại theo như con hát”.

Đó là một tính cách quá dễ thương ở chú Bắc Sơn. Mặc dù được chú cho quyền quyết định sửa nốt nhạc nhưng sửa ở đâu Hương Lan cũng gửi lại cho chú xem và đón nhận nhận xét của chú. Đấy cũng là cách Lan Hương muốn thể hiện sự kính trọng, tôn trọng đến chú Bắc Sơn. Hương Lan rất hạn chế sửa nhạc chú, mỗi lần sửa 1 chút xíu thôi cũng phải cân nhắc cẩn trọng, đó là cách mình tôn trọng người viết nhạc, vì những lời nhạc xuất phát từ tâm can của người viết, mình đâu có hiểu hết được ý tứ tâm tư của người ta.

Loại nhạc quê hương, đặc thù của Nam Bộ rất phù hợp với giọng hát của Hương Lan. Những ca khúc của chú Bắc Sơn rất đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, chất phác, mộc mạc, nhẹ nhàng của người Nam Bộ nhưng không phải quê mùa.

PV: Là một người gần gũi với nhạc sĩ Bắc Sơn, chị thấy ở nhạc sĩ có những tính cách nào mà chị thích?

Ca sĩ Hương Lan: Giản dị, mộc mạc, hiền từ lắm. Cả chú lẫn thím. Hai vợ chồng già nhưng quấn quýt với nhau như thời son trẻ. Nhìn chú thím chăm sóc nhau mà mình thèm thuồng, nghĩ không biết tuổi già mình có được mái ấm như thế không.

Ở bất cứ người nghệ sĩ nào cũng chất chứa một tính cách lãng mạn trong con người của họ nhưng ở chú Bắc Sơn, cái lãng mạn, ấm áp đó lại dồn cả về cho gia đình, cho Mẹ, cho những người chị của mình và cho vợ con chứ không truyền đi một cách bừa bãi. Có rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ viết về mẹ rất dễ thương, như bài "Ngủ bên chân mẹ", "Bông bưởi hoa cau"…

Chú là một nhạc sĩ mẫu mực của gia đình. Hương Lan học được ở chú tính cách của người nghệ sĩ biết yêu gia đình và biết yêu bản thân mình. Điều đặc biệt của chú là không ăn nói bừa bãi, chỉ nói những gì nên và đáng nói chứ không nói linh tinh.

Có lẽ vậy mà trước năm 1975, chú không nổi tiếng bởi không có nhiều ca khúc tình tứ viết về tình yêu đôi lứa nhiều, nhưng nói về nhạc quê hương mộc mạc thì Bắc Sơn là một nhạc sĩ không thể thay thế khi chú ra đi.

PV: Và chị lấy hình tượng của nhạc sĩ Bắc Sơn để định hướng dạy dỗ 2 cậu con trai của chị? Được biết chị không khuyến khích cho con trai của chị theo nghệ thuật vì chị sợ thế giới nghệ thuật hào quang làm “hư” con chị?

Ca sĩ Hương Lan: Tôi không khuyến khích hai đứa con trai của mình theo nghệ thuật mà muốn con có một đời sống bình thường như bao người khác. Tôi dạy, tập cho con lối sống có trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình, trách nhiệm của một người làm chồng, làm cha là rất quan trọng trong một gia đình.

Nếu bước chân vào nghệ thuật, vào thế giới showbiz thì khó có thể làm được điều này lắm, nhiều cám dỗ và trả giá. Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đời thường như chú Bắc Sơn đâu.

Tổ nghiệp thương, hai đứa con của Lan Hương sống rất ngoan, sống có trách nhiệm. Dù ở nước ngoài nhưng 2 con có nếp sống trên dưới, anh em thương yêu nhau. Con trai lớn bây giờ ngoài 40 tuổi rồi nhưng đối với ba mẹ cũng nói năng thưa dạ.

PV: Được biết sắp tới chị và gia đình của nhạc sĩ Bắc Sơn dự định sẽ tổ chức một đêm nhạc Bắc Sơn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến vào tháng 10, khi cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn cũng vừa kết thúc. Điều này hẳn đã thỏa mãn mong ước được làm 1 show âm nhạc về tượng đài âm nhạc của chị rồi chứ?

Ca sĩ Hương Lan: Mặc dù rất bận bịu nhưng Hương Lan cố gắng dành thời gian cho đêm nhạc ý nghĩa này. Trong đêm nhạc, Hương Lan cũng nghiên cứu để phối những bản mới dành cho những ca khúc cũ, để thay đổi không khí của đêm nhạc. Mục đích của Hương Lan và gia đình là đưa những tác phẩm của Bắc Sơn đến gần với công chúng hơn, được phổ biến rộng rãi hơn. Nhạc chú Bắc Sơn cũng có nhiều bài rất là hay, theo dòng nhạc soul, bolero rất dễ thương.

Ca sĩ Hương Lan cùng với những người con của nhạc sĩ Bắc Sơn.

Khi tổ chức cuộc thi Tiếng hát tình ca Bắc Sơn, cô Bích Thủy, là con gái thứ 7 của nhạc sĩ Bắc Sơn có tìm đến Hương Lan và mong muốn Hương Lan thu âm 5 ca khúc mới của chú Bắc Sơn, đó là: "Còn nghe thương thầm, Về thăm quê ngoại, Con Tư Bến Tre, Gió đưa bông sậy, Mùa hoa điên điển" để giúp cho các thí sinh có một hình dung rõ nét hơn về những ca khúc mới này. Hương Lan đang cố gắng đồng hành với gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn để cuộc thi được thành công và đêm nhạc sắp tới sẽ được diễn ra suôn sẻ, có dấu ấn trong lòng người nghe. Ở nước ngoài, Hương Lan cũng đang thực hiện thu âm 1 CD nhạc Bắc Sơn.

Với âm nhạc của Bắc Sơn, nếu hát ngân nga nhiều quá, điệu đà nhiều quá, muốn làm cho sáng bài, cho lạ đi là nó sẽ hỏng cả bài luôn và người nghe sẽ không chấp nhận. Hãy hát với một tình cảm mộc mạc, chất phác, chân thật, ngọt ngào của người Nam Bộ thì sẽ đi vào lòng người hơn.

Hương Lan thấy có một số giọng hát phù hợp với những tình khúc của chú Bắc Sơn đó là Thùy Trang, Đông Đào, Hà Vân, Bích Phượng. Hương Lan cũng đã có dịp cùng Thùy Trang hát chung 1 sân khấu một vài ca khúc của nhạc sĩ Bắc Sơn, Trang có giọng hát mượt mà, tình cảm lắm.

Xin cảm ơn chị!./.

Thùy Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/ca-si-huong-lan-trai-long-ve-nhung-ky-niem-voi-nhac-si-bac-son-657465.vov