Cà phê Tây Nguyên: Hướng đi mới, bước chuyển mới

Chưa có một gói tín dụng tái cấp vốn nào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dành cho một vùng kinh tế lại đạt tới 12 nghìn tỷ đồng như phương án cho vay tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là đầu mối giải ngân.

Ảnh minh họa

"Gùi chính sách" lên rẫy

Gia đình ông Nguyễn Văn Huynh - 61 tuổi, thôn 3, xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) có hơn 1ha rẫy tái canh cây cà phê từ tháng 8/2015 với nguồn vốn vay 70 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh Đắc Lắc đã bắt đầu thu bói vụ đầu tiên.

Ông Huynh khoe: “Không chỉ bói hơn, hạt cà phê với giống mới này to hơn cả quả cà phê giống cũ nên tôi mạnh dạn phá bỏ diện tích rẫy trồng cà phê trước đây để tái canh.” Ông Huynh dự kiến, năm 2017 sẽ tái canh 1,6ha cà phê đang nhận khoán.

Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/3/2015, NHNN cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương bắt tay vào cuộc.

Các chi nhánh Agribank tại khu vực Tây Nguyên nhanh chóng niêm yết công khai về điều kiện, thủ tục, lãi suất và mức cho vay; phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã, các cấp hội, đoàn thể chính trị, các cơ quan truyền thông địa phương tổ chức các hội nghị cấp huyện, liên xã để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chương trình cho vay tái canh cà phê; quy trình, thủ tục, bộ hồ sơ cho vay…đồng thời hỗ trợ người dân trồng tái canh cà phê về quy trình kỹ thuật, xúc tiến thương mại và xử lý các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay tái canh cà phê.

Khi chính sách “bắt tay”

Ông Dương Kim Nhung - Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Phước An (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) chỉ tay vào những vạt cà phê xanh tốt khoe: “Công ty chúng tôi có quan hệ tín dụng với ngân hàng ngay từ lúc mới thành lập. Qua nhiều giai đoạn thăng trầm của cà phê, công ty và ngân hàng vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau. Mấy năm vừa rồi, cà phê là một trong các ngành đào thải, song công ty vẫn trụ vững và trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến cà phê ướt lớn nhất cả nước.

Doanh thu hàng năm của công ty đạt hơn 300 tỷ đồng, 95% sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới với những địa chỉ khó tính của EU, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Nga, đặc biệt là Nhật. Tổng vốn của doanh nghiệp là 350 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước 147 tỷ đồng, còn lại 153 tỷ là vốn vay.

Hiện tại, dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là 75 tỷ đồng, trên hạn mức 82 tỷ đồng. Chúng tôi đã vay thêm 7 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ và đã trả được hơn 3 tỷ đồng, hiện nhà máy đã đi vào hoạt động. Chính sách kết nối ngân hàng-doanh nghiệp thực sự là “cái bắt tay” hiệu quả”.

Vai trò của ngân hàng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong những năm qua, NHNN rất quan tâm đến xây dựng cơ chế chính sách và chỉ đạo hệ thống ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính sách để góp phần phát triển kinh tế, tiềm năng, thế mạnh và xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng Tây Nguyên, đặc biệt là chính sách cho vay tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 với diện tích tái canh khoảng 120.000ha. Về chương trình này, NHNN sẽ dành khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với Agribank.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đến cuối năm 2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2015, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn quốc (tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 18,39%). Nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 120.605 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015, cao hơn mức tăng trưởng huy động toàn nền kinh tế (huy động vốn toàn nền kinh tế đạt 17,85%). Nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được 54,3% tổng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn, phần còn lại phải điều chuyển từ các khu vực khác.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên bước đầu đã giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí ưu đãi phục vụ tái canh, phát triển bền vững cà phê…

Từ năm 2013, Agribank đã triển khai chương trình cho vay tái canh cà phê bằng nguồn vốn tự huy động của mình. Đến tháng 5/2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành cà phê, Agribank được chỉ định là ngân hàng duy nhất tham gia thực hiện. Sau 4 năm, Agribank đã cho 12 tổ chức, 5.704 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay trồng tái canh cây cà phê với tổng diện tích là 10.436 ha và dư nợ là 738 tỷ đồng.

Chung Viết

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/ca-phe-tay-nguyen-huong-di-moi-buoc-chuyen-moi-324535.html