Cả nước xuất siêu 3,5 tỉ USD sau 10 tháng

Nhập siêu tháng 10 năm 2016 ước khoảng 200 triệu USD. Tính chung 10 tháng, cả nước xuất siêu ước khoảng 3,5 tỷ USD, bằng khoảng 2,4% kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả này chưa cao như kỳ vọng, thấp hơn cùng kỳ 1,3 điểm phần trăm. Xuất khẩu 10 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố về giá và lượng.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới vẫn ở mức thấp, xu hướng bảo hộ gia tăng ở các nước nhập khẩu và sự sụt giảm giá xuất khẩu hàng hóa trên thị trường thế giới. Các yếu tố này đã kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của các nước nói chung, trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó do các rào cản về kỹ thuật

Xuất khẩu 10 tháng đầu năm có những điểm tích cực như xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao với mức tăng 7,9% (cùng kỳ năm ngoái giảm hơn 9,7%) và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương, đạt mức tăng 4,9% (cùng kỳ năm ngoái giảm 3,3%).

Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó do các rào cản về kỹ thuật khi xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Thời gian qua, Trung Quốc cũng liên tục tăng rào cản đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng không được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu như cá hồi, sắn... nhưng lại tăng mua sản phẩm của các nước khác, khiến xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ảnh hưởng nhiều.

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản liên tục giảm trong một vài năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2015. Sự sụt giảm mạnh của nhóm đã là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm.

Còn nhóm hàng công nghiệp chế biến với các mặt hàng xuất khẩu chính như dệt may, giày dép, đồ gỗ... có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so cùng kỳ đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm mạnh, nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng giảm, sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Campuchia, Lào, Myanmar... Chưa kể đến một số nhóm hàng như: hóa chất, phân bón, sản phẩm chất dẻo, clanhke và xi măng xuất khẩu giảm cả về lượng và giá do cầu nhập khẩu giảm và cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại với Trung Quốc…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2016 ước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 13,4% so với tháng 10 năm 2015.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 140,5 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý là nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu có mức tăng trưởng tương đối cao, lần lượt là 14,3% và 10,6%, trong đó tăng cao ở nhóm hàng tiêu dùng rau quả (46,4%), bánh kẹo sản phẩm ngũ cốc (21,3%) và xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (34%)... điều này cũng cần được theo dõi để có biện pháp kiểm soát phù hợp.

Theo Bộ Công Thương, Nhập khẩu hàng hóa xu hướng tăng dần trong các tháng cuối năm, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn khối các doanh nghiệp có vốn nước ngoài là dấu hiệu khả quan cho thấy sự hồi phục của doanh nghiệp trong nước.

Về thị trường, nhập khẩu, nhập khẩu từ châu Á chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 29% và giảm 1,2% so với cùng kỳ. Thị trường Hàn Quốc chiếm 18% và tăng 10,8%. Thị trường ASEAN chiếm 14% và giảm 2,8%. Thị trường châu Âu và châu Mỹ chiếm xấp xỉ 5%.

“Qua tình hình nhập khẩu từ các thị trường, có thể nhận thấy Việt Nam đang dần dần từng bước tận dụng được các cam kết và các FTAs đã ký kết. Một trong những nội dung quan trọng của FTA là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, loại bỏ phần lớn thuế nhập khẩu. Do vậy, chúng ta từng bước đã giảm dần phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc, tận dụng các cam kết với các thị trường tiềm năng mới như Hàn Quốc, EU 27…”, Bộ Công Thương cho hay.

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ca-nuoc-xuat-sieu-35-ti-usd-sau-10-thang-post212976.info